9.3.22

Hoa Kỳ từ chối gửi máy bay đến Ukraine

Cuối cùng, sau những thảo luận và đắn đo. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chính thức loại bỏ phương án các nước NATO gửi máy bay Mig-29 đến Ukraine, lấy lý do là một hành động như vậy sẽ có thể tạo ra những phản ứng nghiêm trọng từ phía Nga.


Trong cuộc chiến hiện nay, khi bộ binh Nga đang bị quân Ukraine cầm chân tại chiến trường, sức mạnh áp đảo còn lại của quân Nga chủ yếu dựa vào không quân. 


Ukraine đã đề xuất NATO nên mở vùng cấm bay, nhưng nếu NATO đưa máy bay trực tiếp lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine thì có thể bị Nga xem là trực tiếp đối đầu và Hoa Kỳ lo ngại một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ diễn ra.


Lúc này Ukraine đề xuất Hoa Kỳ và NATO cho Ukraine mượn máy bay Mig của Nga, là loại mà các phi công của Ukraine quen dùng. 


Nga doạ nước nào gửi máy bay cho Ukraine thì sẽ bị trả đũa. Ba Lan, nước có các loại máy bay Mig-29, đề xuất sẽ gửi tất cả 28 chiếc máy bay của mình qua căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức, và đổi lại Mỹ sẽ trả bằng phi cơ F-16. 


Mấy hôm trước phía Mỹ đưa tin rằng bất cứ nước nào cung cấp máy bay cho Ukraine đó là một lựa chọn mang tính chủ quyền, tức có nghĩa là việc đưa máy bay cho Ukraine sẽ có thể bị Nga tấn công mà NATO sẽ khó can thiệp. 


Hôm nay thì phía Mỹ chính thức loại bỏ chuyện các quốc gia NATO cung cấp máy bay cho Ukraine vì lo sợ leo thang chiến tranh với Nga. 


Ukraine không phải thành viên của NATO nên nếu Nga leo thang chiến tranh với Ukraine thì không có vấn đề gì. Ngược lại, nếu Nga tấn công một nước thành viên NATO như Ba Lan chẳng hạn để dằn mặt chuyện hỗ trợ máy bay cho Ukraine thì sẽ đưa NATO vào thế khó xử. Nếu NATO không cùng nhau đánh lại Nga thì liên minh NATO coi như đổ vỡ vì các cam kết bảo vệ lẫn nhau trở nên không có giá trị. Ngược lại, nếu NATO cùng nhau đem quân tấn công Nga thì Thế chiến thứ 3 sẽ diễn ra. 


Chọn lựa của NATO sẽ là cung cấp các vũ khí nhằm tăng cường quốc phòng cho Ukraine bao gồm vũ khí chống thiết giáp và hệ thống phòng không. 


Quyết định của NATO vì vậy sẽ gửi một tín hiệu đến Nga rằng Hoa Kỳ và NATO sẽ tránh can thiệp trực tiếp vào các quyền lợi của Nga và tránh đối đầu bởi vì Nga có vũ khí hạt nhân. 


Tín hiệu này sẽ được nhận biết bởi Trung Quốc. Và Trung Quốc đến lượt nó sẽ có thể thăm dò việc tấn công Đài Loan trong một ngày không xa vì họ biết Hoa Kỳ, và có lẽ NATO, không muốn đối đầu trực tiếp vì Trung Quốc có vũ khí hạt nhân. 


Hơn nữa, cho đến nay không ai biết một cách chắc chắn Hoa Kỳ sẽ làm gì để bảo vệ Đài Loan nếu có chiến tranh xảy ra. Giới chức chính trị Hoa Kỳ hiện đang thúc giục chính quyền tổng thống Joe Biden làm rõ hơn các cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan, nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang giữ một cam kết mờ đối với Đài Loan. Họ có lý do, vì nếu nói thẳng ra thì Trung Quốc sẽ biết là cam kết của Hoa Kỳ sẽ tới mức nào để họ có phương án đối phó. Hay thậm chí trong trường hợp mà nếu Hoa Kỳ nêu rõ ràng những cam kết bảo vệ Đài Loan, nhưng trong thực tế vì lo ngại đối đầu với Trung Quốc mà không thực hiện được những cam kết này, Hoa Kỳ sẽ tự đánh mất đi uy tín và vô hình chung làm những cam kết còn lại trở nên vô giá trị vì không còn ai tin Hoa Kỳ nữa. 


Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam vì những nguyên nhân nào đó, chắc chắn Hoa Kỳ và các nước châu Âu càng không muốn đối đầu. Và vì biết Hoa Kỳ và NATO không muốn đối đầu trong những trường hợp như vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ mạnh bạo hơn trong việc trấn áp những nước nào có ý định kết thân với phương Tây hay có ý định chống đối lại chính sách bá quyền của mình. 


Hành động của Nga và thái độ do dự của NATO do đó đang đẩy thế giới rơi vào cảnh bất an. Nó buộc các nước phải chạy đua vũ trang nếu muốn duy trì nền hoà bình cho nước mình. 


Nguyễn Huy Vũ

9.3.2022