Bộ trưởng Bộ Tài chính của Hoa Kỳ Janet Yellen vừa đánh tiếng rằng những cấm vận kinh tế đối với Trung Quốc vào thời điểm này là chưa thích hợp.
Có hai hàm ý sau khi Janet Yellen phát biểu công khai điều này. Hàm ý thứ nhất đó là đã có các đề xuất trừng phạt bên trong nội các của chính quyền Mỹ, và Janet Yellen chọn cách công khai để tìm kiếm các đồng minh ủng hộ mình. Là bộ trưởng tài chính, Janet Yellen chịu một trách nhiệm lớn đối với tình hình kinh tế của quốc gia, bên cạnh chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Jerome Powell. Hàm ý thứ hai đó là nếu đây không phải là thời điểm thích hợp để áp đặt những cấm vận kinh tế đối với Trung Quốc thì có nghĩa là trong tương lai việc cấm vận Trung Quốc sẽ có thể là một lựa chọn ở một thời điểm thích hợp.
Janet Yellen có ý kiến của bà nhưng chưa chắc gì chính phủ Joe Biden đã nghe, và một lựa chọn mà chính quyền Joe Biden có thể áp dụng là tiến hành cấm vận ở một số lĩnh vực chiến lược đối với Trung Quốc. Nhiều khả năng là Joe Biden sẽ chọn cách tiếp cận này để cho thấy rằng đe doạ luôn đi kèm với hành động.
Về mặt kinh tế, Janet Yellen có cái lý của mình. Sau hai năm đại dịch, nền kinh tế thế giới vô cùng suy yếu. Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngân hàng trung ương Mỹ đang thắt chặt tiền tệ, vừa tăng lãi suất và dự định sẽ tăng nhanh lãi suất trong những tháng sắp tới. Việc thắt chặt tiền tệ sẽ khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới đang hồi phục. Và nếu việc thắt chặt tiền tệ diễn ra quá nhanh có thể đẩy nền kinh tế thế giới, vốn đang dễ bị tổn thương, vào một cuộc khủng hoảng mới. Một cuộc cấm vận kinh tế đối với Trung Quốc nếu không được tính toán kỹ lưỡng có thể sẽ tạo ra một cú sốc tác động lớn đối với nền kinh tế thế giới và hình thành nên một cuộc khủng hoảng mới.
Tuy vậy, các tác động về kinh tế chỉ là những tham số trước khi đưa ra một quyết định chính trị. Mỹ muốn trừng phạt kinh tế Trung Quốc vì không thể thuyết phục Trung Quốc ngừng trợ giúp Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Trong cuộc gặp giữa Jake Sullivan, cố vấn an ninh Hoa Kỳ, và Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Đối ngoại Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Rome vào ngày 14/3, dù Jake Sullivan đưa ra đe doạ rằng Hoa Kỳ sẽ có những trừng phạt nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga, nhưng những lời đe doạ của Jake Sullivan chưa đủ để thuyết phục Dương Khiết Trì. Hệ quả là sếp của Jake Sullivan, tổng thống Joe Biden, phải đích thân yêu cầu có cuộc nói chuyện trực tiếp với chủ tịch Tập Cận Bình vào 4 ngày sau mà trong đó Joe Biden vừa vuốt ve, vừa đe doạ, và không quên nhắc đến bản Thông cáo Thượng Hải.
Joe Biden cho rằng: Mỹ sẽ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc; không muốn thay đổi thể chế của Trung Quốc; việc hồi sinh các đồng minh không phải nhằm vào Trung Quốc; Mỹ không hỗ trợ Đài Loan độc lập; và Mỹ không định tìm kiếm các xung đột với Trung Quốc. Xong, Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện những trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga.
Cuộc nói chuyện kéo dài hai tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng có vẻ như không thuyết phục được Tập Cận Bình khi ông ta trả lời rằng “ai đeo chuông vào hổ thì tự tay mà cởi nó ra” — ý ông là Mỹ và phương Tây đã tạo ra tình thế buộc Nga phải khởi xướng chiến tranh và giờ đây Mỹ và phương Tây phải tự đi mà giải quyết.
Trung Quốc có lý do để giúp Nga cũng như các thế lực đối lập khác chống lại Mỹ. Mỹ muốn duy trì một trật tự thế giới trong đó Mỹ đứng đầu và chi phối ảnh hưởng lên tất cả các nước. Ngược lại, Trung Quốc muốn một trật tự thế giới mà trong đó vị thế của Trung Quốc phải đứng ngang hàng nếu không nói là đứng đầu. Để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc cần có đồng minh. Với thể chế độc tài của mình, Trung Quốc không thể có đồng minh là những nước dân chủ văn minh; vì vậy mà họ kết thân với các thể chế độc tài khác. Việc hình thành một mặt trận các chính thể độc tài như là một cách mà Trung Quốc và Nga chống lại các áp lực chính trị và ngoại giao từ Mỹ và phương Tây.
Những tổng thống Mỹ, dù ở bất cứ đảng nào, đều đặt quyền lợi của đất nước lên trên và thi hành các chính sách ngoại giao nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia của mình. Chính sách xuyên suốt giữa các nhiệm kỳ tổng thống đó là tiêu diệt các thế lực đe doạ đến an ninh của Hoa Kỳ, làm suy yếu hoặc tìm cách thay đổi những thể chế thù địch bằng cách áp đặt các thể chế dân chủ vào nước họ, với niềm tin rằng một thể chế dân chủ tất sẽ yêu hoà bình và một cách tự nhiên trở thành bạn với các nước dân chủ khác, trong đó có Hoa Kỳ. Với niềm tin như vậy, Hoa Kỳ đã áp đặt thể chế dân chủ ở Nhật; ủng hộ thể chế dân chủ ở Tây Đức và Ý. Hoa Kỳ tiêu diệt Saddam Hussein và áp đặt thể chế dân chủ ở Iraq. Hoa Kỳ đánh tan nhà nước Taliban và lập nên chính quyền dân chủ ở Afghanistan. Hoa Kỳ và NATO can thiệp vào Lybia và Syria nhằm ủng hộ phe nổi dậy lật đổ những nhà độc tài chống đối Hoa Kỳ.
Hai vấn đề nổi cộm thách thức an ninh của Hoa Kỳ hiện nay đó là Nga và Trung Quốc. Thời tổng thống Barack Obama, ông bắt đầu xoay trục về châu Á, và cố gắng hình thành một mạng lưới đồng minh về kinh tế và sau đó là quân sự để bao vây Trung Quốc. Thời tổng thống Donald Trump cầm quyền, ông đã thực hiện một loạt các chính sách nhằm làm suy yếu Trung Quốc: nỗ lực tách Nga ra khỏi Trung Quốc; cố gắng tách nền kinh tế Hoa Kỳ ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc: áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc nhằm làm hỗn loạn thị trường Trung Quốc và đẩy các công ty Âu Mỹ ra khỏi Trung Quốc, gỡ bỏ các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán ở Hoa Kỳ, thuyết phục các quốc gia đồng minh không dùng mạng 5G và các thiết bị viễn thông do Huawei của Trung Quốc sản xuất; cho dẹp các viện Khổng Tử với lý do đây là các cơ sở tình báo trá hình, và thành lập liên minh Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở vừa bảo đảm an ninh, tự do cho khu vực, vừa thăm dò và bao vây Trung Quốc.
Đến thời tổng thống Joe Biden, ông không tìm cách tách Nga ra khỏi Trung Quốc nữa, mà nhân cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, ông ngay lập tức cô lập và cấm vận Nga nhằm phá huỷ nền kinh tế của Nga. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cuối cùng cũng sẽ kết thúc và Nga đang tìm một lối thoát danh dự. Nhưng sau cuộc chiến, nước Nga sẽ đối mặt với cô lập và kiệt quệ. Các thành tựu kinh tế nhanh chóng tan biến. Nhân tài sẽ tìm đường sang các nước khác để tìm kiếm một tương lai mới. Một nước Nga thiếu tiền và thiếu nhân tài lúc này sẽ chỉ còn có thể ôm bom để tự bảo vệ mình.
Số phận của Nga giờ đây coi như an bài. Trong suốt một thời gian trước đây, Mỹ đã thuyết phục các nước châu Âu lục địa nên tăng cường năng lực quốc phòng và bớt phụ thuộc năng lượng vào Nga, nhưng không thành công. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến các nước châu Âu lục địa thức tỉnh, đoàn kết hơn, tăng cường quốc phòng nhiều hơn, gắn bó với Mỹ hơn, và bắt đầu tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Cô lập xong Nga, mục tiêu kế tiếp của Mỹ sẽ là Trung Quốc.
***
Sau khi chế độ độc tài cộng sản Liên Xô sụp đổ, giới trí thức Mỹ và phương Tây, vốn thường có xu hướng thổi phồng và đơn giản hoá vấn đề, hân hoan rằng điểm hẹn của lịch sử đang đến và các thể chế độc tài sẽ nhanh chóng chuyển sang dân chủ. Và khi mà các quốc gia đều ở thế chế dân chủ thì thế giới sẽ có hoà bình. Bởi trong các thể chế dân chủ, hành động của chính quyền là ước nguyện của nhân dân, và ở đây nhân dân ai cũng muốn sống yên bình.
Trong niềm tin đó, cộng với quyền lợi của giới tư bản, Mỹ và phương Tây đã chủ trương thúc đẩy một kỷ nguyên toàn cầu hoá, trong đó các thể chế dân chủ chung sống hoà bình với các thể chế độc tài, chừng nào những thể chế độc tài này không công khai chống lại Mỹ. Hàng hoá của Mỹ và phương Tây từ đó được đẩy đi khắp nơi trên thế giới, làm gia tăng mức sinh lợi của các công ty tư bản. Giá trị vốn hoá của các công ty vì vậy mà nhanh chóng tăng vượt bậc vì lợi nhuận tiềm năng nhanh chóng được nâng lên, thay vì chỉ trong nội thị trường Mỹ hay châu Âu, giờ đây đã lên ở mức toàn cầu.
Chủ trương toàn cầu hoá đã nhanh chóng tạo ra một thế hệ giàu mới cho nước Mỹ và phương Tây, gia tăng mức chênh lệch giàu nghèo. Khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng và chịu sự chi phối sâu rộng bởi Mỹ và phương Tây. Nhưng ở bên kia hai bờ đại dương, các thể chế độc tài Nga và Trung Quốc không có dấu hiệu chuyển đổi sang những thể chế dân chủ, mà nhờ toàn cầu hoá, nhờ sự dịch chuyển tự do hơn của vốn, công nghệ, chất xám, và hàng hoá, đã làm họ giàu hơn, mạnh hơn, công nghệ phát triển vượt bậc hơn, và cùng với nó là sức mạnh quân sự gia tăng. Họ bắt đầu đòi một thế giới đa cực trong đó Hoa Kỳ không còn là cảnh sát trưởng của thế giới nữa mà chỉ là một thành viên của nhóm các nước lãnh đạo thế giới, chịu chia sẻ ảnh hưởng địa chính trị với các nước khác như Trung Quốc và Nga. Trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây đã gầy dựng gần một thế kỷ từ sau Thế chiến thứ Hai giờ đây bị lung lay.
Chiến lược ngoại giao đu dây của Việt Nam tồn tại được trong gần 3 thập kỷ của kỷ nguyên toàn cầu hoá này. Nó sống được vì như đã nói, nhờ hai nhóm thể chế dân chủ và độc tài chấp nhận sống chung với nhau.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đu với các thể chế độc tài để duy trì một mặt trận ngoại giao nhằm nhận hỗ trợ trên các diễn đàn quốc tế, tránh bị cô lập bởi các nhà nước dân chủ. Việc đu theo các thể chế độc tài còn giúp chính quyền cộng sản học hỏi cách cai trị và vận hành thể chế độc tài.
Ngược lại, việc thiết lập quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây giúp Việt Nam cải thiện kinh tế, giáo dục, và mức sống nói chung. Khi duy trì một thể chế độc đoán ở Việt Nam, chính quyền cộng sản Việt Nam biết rằng thể chế chỉ có thể tồn tại được một khi nó có thể giúp đem lại những cải thiện nào đó về mức sống cho người dân.
Việc thiết lập mối quan hệ với Mỹ và phương Tây, cùng với việc mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy các trao đổi về giáo dục, văn hoá, và sự dịch chuyển tự do hơn dòng vốn, giờ đây khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và phương Tây so với phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga. Giới lãnh đạo đảng cộng sản giờ đây gửi tiền bạc, đầu tư, con cái, kể cả việc chăm sóc sức khoẻ sang Mỹ và các nước đồng minh, chẳng có mấy ai gửi sang Nga hay Trung Quốc. Một sự cấm vận từ Trung Quốc hoặc Nga chỉ có ảnh hưởng ngắn hạn vì Việt Nam có thể tìm những nguồn thay thế từ các nước khác. Nhưng một sự cấm vận từ Mỹ và phương Tây chắc chắn đem lại một sự đổ vỡ rất lớn cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản và cho nền kinh tế.
Vào khi mà Mỹ và phương Tây bắt đầu đảo ngược lại các chính sách, tìm cách cô lập Trung Quốc và Nga, họ sẽ vạch ra một cách rõ ràng hơn ai là đồng minh và ai là kẻ thù tiềm năng. Tổng thống Joe Biden khi trấn an Tập Cận Bình rằng việc thiết lập các đồng minh không nhằm vào Trung Quốc nó cho thấy một sự thật rằng Hoa Kỳ đang tích cực hình thành một mạng lưới các đồng minh.
Giữa hai lựa chọn, đứng về phía Mỹ hoặc đứng về phía Trung Quốc và Nga, như đã trình bày ở trên, cuối cùng thì những lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn đứng về phía Mỹ, đơn giản là vì quyền lợi cá nhân của mình.
Việc chính quyền cộng sản Việt Nam chọn chiến lược ngoại giao đu dây vì quyền lợi của họ nhưng nó không phải là một chính sách tối ưu cho dân tộc Việt Nam, nếu không muốn nói nó là một tai hại. Một chính sách tối ưu cho Việt Nam đó phải là thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và phương Tây để tranh thủ sự giúp đỡ từ kinh tế cho tới khoa học, công nghệ và quốc phòng. Không có một nước nào giàu mạnh nhờ ở việc chơi thân thiết với các thể chế độc tài như Nga và Trung Quốc cả. Họ chỉ giàu mạnh khi chơi với Mỹ và phương Tây. Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã trở nên giàu mạnh khi chơi với Mỹ và phương Tây. Đó là một sự thật. Ngay cả Trung Quốc họ lớn mạnh cũng nhờ phát triển quan hệ với Mỹ và phương Tây để giao thương và nhằm học hỏi, kể cả ăn cắp, công nghệ và khoa học. Nhiều người biện luận rằng thể chế độc tài cộng sản ngăn chặn Việt Nam thắt chặt quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhưng đừng quên rằng các nước Đài Loan hay Hàn Quốc có những mối quan hệ khắng khít với Mỹ trong khi họ là những nền độc tài. Việc chọn một chiến lược ngoại giao thất bại đã khiến cho đất nước mất đi cơ hội phát triển mà cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn là một trong những nước rất nghèo của thế giới.
Mỹ và phương Tây cho đến nay chưa đòi hỏi một cuộc chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam vì giới chính trị đối lập Việt Nam chưa tập hợp thành một mặt trận thống nhất có thể đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia một khi đảng Cộng sản không còn lãnh đạo. Nếu có tồn tại một mặt trận như vậy và nó nhận được một sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi của nhân dân, thậm chí ngay cả khi các lãnh đạo đã ở tù, thì dưới áp lực của Mỹ và phương Tây, giới cầm quyền của đảng Cộng sản buộc phải tiến hành một thoả hiệp và thực thi một cuộc bầu cử tự do. Những lãnh đạo đảng Cộng sản trong tình thế đó buộc phải làm vậy nếu họ không muốn đón nhận những cấm vận như giới chính trị gia và tài phiệt Nga hiện đang hứng chịu từ Mỹ và phương Tây.
Câu chuyện còn lại là liệu giới hoạt động chính trị đối lập Việt Nam có dám đứng chung trong một mặt trận để đòi hỏi một cuộc bầu củ tự do nhằm thách thức đảng Cộng sản bằng lá phiếu của người dân hay không. Điều đó nó còn tuỳ thuộc vào quyết tâm của những người quan tâm đến chính trị. Họ cần đặt câu hỏi rằng sứ mệnh của cuộc đời họ là gì và liệu rằng điều gì họ muốn thấy nhất trong cuộc đời mình. Chắc chắn đâu đó trong cộng đồng dân tộc rộng lớn này, chúng ta sẽ tìm thấy những người tin rằng sứ mệnh của cuộc đời họ là cống hiến cho quê hương và họ muốn được nhìn thấy đất nước phú cường trong một thể chế tự do.
Nguyễn Huy Vũ
27.3.2022