12.6.22

Lạm phát và khủng hoảng

Mấy tháng trước, giá một thùng cloro để xử lý hồ bơi khoảng 120 đô la Mỹ. Cho một hồ bơi hơn 100 khối thì một thùng như vậy dùng được 3 tháng. Giờ giá đã tăng lên 300 đô la một thùng, tức hơn gấp đôi. Nhưng mua không có, nhiều tiệm lớn đã hết hàng. Nhưng cloro không phải là thứ hàng hoá duy nhất tăng giá. Mọi thứ đều tăng giá một cách phi mã. Một bịch gạo mấy tháng trước mua 8 đô la thì giờ đã là 10 đô la. 

Mọi thứ thiết yếu tăng giá nhưng lương bổng thì hầu như không tăng vì các doanh nghiệp đều đang chật vật hồi phục sau đại dịch. Điều đó dẫn đến người tiêu dùng lo cho những nhu cầu cơ bản của cá nhân trước khi quan tâm đến những nhu cầu hay dịch vụ xa xỉ khác. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vì vậy mà không dám tăng giá, ngậm ngùi nhìn mức lợi nhuận, nếu còn, của mình bị bào mòn. 


Trong những tháng đầu tiên khi có những ca mắc Covid xuất hiện ở Việt Nam. Một nhà báo có nhắn tin phỏng vấn tôi hỏi rằng cách chống dịch như thế nào là tốt. Tôi trả lời rằng với một đường biên giới tiếp xúc với nhiều nước, đón nhận người ra vào như vậy, Việt Nam chắc chắn không thể ngăn chặn được 100% tất cả các trường hợp và thậm chí nếu cô lập để tiêu diệt thì sau đó dịch bệnh lại xuất hiện. Cách tốt nhất là nên tổ chức những nhóm chuyên gia ở các địa phương, chịu trách nhiệm giám sát ở khu vực đó và cố gắng ngăn chặn hạn chế sự bùng phát dịch ở khu vực, trong khi cố gắng để nền kinh tế hoạt động. 


Đến khi chính quyền cộng sản Việt Nam cho phong toả một cách ngặt nghèo Sài Gòn, một người ẩn danh nhắn tin hỏi tôi rằng nếu anh làm lãnh đạo thì anh sẽ làm gì. Tôi chỉ trả lời vỏn vẹn rằng hãy lắng nghe ý kiến người dân. 


Ở mỗi nước khác nhau, người dân có phong tục, cách thức và hệ thống sinh hoạt khác nhau, tuỳ vào mỗi nước mà chính quyền nên áp dụng chính sách như thế nào. 


Tôi ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo Thuỵ Điển, những người đã dẫn dắt đất nước này qua cơn đại dịch. Họ bất chấp những đề nghị và hướng dẫn của giới y tế thế giới kêu gọi cách ly và phong toả để ngăn chặn đại dịch. Nhờ những nước như Thuỵ Điển đi trước làm ví dụ mà sau đó người ta thấy rằng việc chống dịch không hẳn là cần cách ly và phong toả một cách nghiêm ngặt để rồi sau đó nhiều nước đã nhanh chóng dỡ bỏ những hạn chế gắt gao làm tổn hại nền kinh tế.


Nhưng để một chính sách thực thi được, nó cần đến sự ủng hộ của người dân. 


Giữa năm ngoái, trong chuyến bay về châu Âu giữa mùa hè, tôi quá cảnh ở Alicante, một thành phố biển nổi tiếng về du lịch của Tây Ban Nha. Giữa hè nắng ấm, biển rất đẹp, nhưng chẳng có mấy khách du lịch, dù người ta đã bắt đầu bỏ khẩu trang và ngồi quán uống bia bình thường. Tôi ngồi trong quán, gọi món bằng tiếng Tây Ban Nha. Hai vợ chồng già ngồi kế bên đợi đồ ăn, thấy tôi nói tiếng Tây Ban Nha, mới quay ra hỏi tôi bằng tiếng Anh rằng có phải tôi ở đây không. Tôi bảo không. Tôi trên chuyến bay từ Nam Mỹ về lại Nauy và quá cảnh mấy giờ ở đây, nên vào phố ghé quán ăn trưa vì tất cả các nhà hàng ở sân bay đã đóng cửa. Hỏi ra mới biết hai ông bà già người Thuỵ Điển, có nhà ở đây, hàng năm mấy tháng sang đây chơi, còn mấy tháng còn lại thì về Thuỵ Điển. Hai ông bà tỏ ra cởi mở và ủng hộ chính sách chống dịch tự do của chính phủ Thuỵ Điển. Họ chỉ là những mẩu nhỏ trong vô số người dân ủng hộ chính sách chống dịch tự do của chính phủ mình.


Trừ những chính quyền độc tài, những chính phủ của các nước dân chủ tồn tại là nhờ ở nguyện vọng của người dân và vì vậy mà họ thực hiện các chính sách vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân họ. Nói như vậy để thấy rằng người dân Thuỵ Điển là những người rất dũng cảm và luôn tự hào về các quyết định của mình. 


Không phải dân nước nào cũng như dân Thuỵ Điển khi mà trong đại dịch họ ủng hộ các chính sách của chính phủ cho phép các doanh nghiệp hoạt động khá tự do, hầu như không có các hạn chế đáng kể. 


Ở những nước khác, dưới các áp lực chính trị khác nhau, giới lãnh đạo chính trị đã cho áp dụng các biện pháp phong toả ngặt nghèo. Hậu quả là tự họ giết chết các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đứng trước tình cảnh phong toả ngặt nghèo hoặc là cắt giảm nhân sự, hoặc là đóng cửa nhà máy. Không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng và cố gắng bán hết hàng tồn kho.


Giờ đây, các nền kinh tế bắt đầu dỡ bỏ các rào cản để hoạt động bình thường trở lại, các ca nhiễm Covid không còn là một nỗi ám ảnh nữa. Người mua sắm trở nên tấp nập. Nhưng có một điều là các doanh nghiệp không còn đủ để đáp ứng lượng hàng hoá mà người dân cần. Họ đã bị ép phải cắt giảm nhân sự, bị ép phải đóng cửa và phá sản bởi vì các biện pháp phong toả ngặt nghèo. Mà muốn hồi phục lại hoạt động sản xuất như trước đại dịch họ cần rất nhiều thời gian. Doanh nghiệp cần tu sửa, cần thuê thêm người, cần đánh giá lại thị trường, mở lại các mối quan hệ, v.v. Đó là chưa kể để làm ra một sản phẩm cuối cùng phục vụ người tiêu dùng có khi họ cần những sản phẩm sơ cấp hoặc những linh kiện đặc biệt mà họ không sản xuất, và việc thiếu hụt những linh kiện này do đối tác chưa hoạt động hoặc hoạt động chưa hết công suất sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng mà họ sản xuất được. Trong một thế giới vốn thúc đẩy xu hướng toàn cầu hoá trong một thời gian dài, các doanh nghiệp ở các nước khác nhau phụ thuộc lẫn nhau. Và khi các mắc xích bị vỡ, kéo theo nó là sự sụp đổ của chuỗi cung ứng hàng hoá. Hàng không đủ cung cấp cho các nhu cầu bình thường đã dẫn đến việc tăng giá một cách chóng mặt.


Đứng trước việc tăng giá phi mã, áp lực chính trị buộc Ngân hàng Trung ương Mỹ phải tăng lãi suất. Trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, khi tiền nhiều chảy vào nền kinh tế sẽ gia tăng lạm phát, và muốn giảm lạm phát ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để hút dòng tiền về. Bởi khi tiền chảy vào nền kinh tế, tiền sẽ được dùng để mua hàng hoá, nếu lượng hàng không đổi mà lượng tiền gia tăng thì tất hàng hoá phải tăng giá khi nhiều người tranh mua. 


Cách lý giải ở trên áp dụng cho một nền kinh tế bình thường khi trong mô hình người ta không có trường hợp việc sản xuất hàng hoá đột ngột bị thắt lại vì bị tắt nghẽn chuỗi cung ứng. 


Còn trong trường hợp hiện nay, việc mua sắm những nhu cầu cơ bản của người dân bắt đầu trở lại gần như trước đại dịch nhưng đổi lại là việc sản xuất đã không còn như xưa. Cung đã không đáp ứng được cầu nên xảy ra lạm phát trên toàn cầu.


Đáng lý ra để giải quyết tình trạng lạm phát do đứt gãy nguồn cung thì chính phủ các nước phải tích cực hỗ trợ giới doanh nghiệp. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế. Việc tăng lãi suất sẽ làm cho việc vay mượn đầu tư của giới doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn, kinh tế sẽ phát triển chậm lại. Nhưng việc kinh tế phát triển chậm lại nó không giúp gì được để tháo ngòi mắc kẹt của hệ thống cung ứng, mà ngược lại nó có thể làm cho việc lạm phát trở nên tiếp diễn và cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn do ít công ăn việc làm được tạo ra hơn. Chính vì tin rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã thực hiện các chính sách sai lầm về điều hành vĩ mô mà giới đầu tư đã liên tục rút vốn khỏi thị trường và hậu quả là thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm sốc mạnh.


Đối phó với sự lạm phát toàn cầu do đứt gãy nguồn cung, có thể nói là ngân hàng trung ương hầu như không thể làm được gì cả. Đó phải là trách nhiệm của chính phủ, và ở đây là chính phủ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, và các nước đối tác khác của họ. Trách nhiệm của các chính phủ bây giờ là hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tháo ngòi các bế tắc. Còn trách nhiệm của các ngân hàng trung ương là nới lỏng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải thắt chặt. Trong những ngày trước đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thực hiện một chính sách đúng đắn đó là giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp, chứ không phải như Mỹ và các nước khác tăng lãi suất để bóp chết doanh nghiệp. 


Đứng trước tình cảnh như vậy, đáng lý ra Ngân hàng Trung ương Mỹ và vai trò của chính quyền tổng thống Biden phải tích cực hơn trong nỗ lực giải quyết sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu và hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng dường như giới đầu tư không có sự tin tưởng, vì vậy mà trong các báo cáo của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho thấy giới đầu tư nước ngoài bắt đầu rút vốn ra khỏi thị trường Hoa Kỳ. Tình thế chỉ có thể xoay ngược để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nếu trong các cuộc họp kế tiếp của Ngân hàng Trung ương Mỹ, giới lãnh đạo quyết định ngừng tăng lãi suất và sau đó có thể thực hiện các biện pháp nới lỏng nếu tình hình trở nên tồi tệ. 


Nguyễn Huy Vũ

20.5.2022