12.6.22

Khi lạm phát tiếp tục tăng ở Mỹ

Tuần rồi, báo cáo chỉ số lạm phát của Mỹ tăng lên 8,6% vào tháng 5, mức cao kỷ lục trong 40 năm qua. 


Như đã đề cập trong bài trước “Lạm phát và Khủng hoảng”, việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ không có tác dụng làm lạm phát giảm xuống. Và như đã thấy, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù lãi suất tăng liên tục. 


Đó là bởi vì nguồn gốc của lạm phát ở đây chủ yếu là việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm mất nguồn cung hàng hoá và đóng góp vào đó là sự tăng giá xăng dầu. Các yếu tố khác như lương tăng có đóng góp nhưng không phải nguyên nhân chính tạo nên tình trạng lạm phát trên toàn cầu. 


Mức 8,6% là mức chỉ số lõi, tức là đã chọn lọc một số chỉ số, còn thực tế thì giá cả hàng hoá thực phẩm tăng từ 20% đến 30%. Mức tăng giá này cao hơn nhiều mức tăng lương của người dân trung bình, và hậu quả là mức thu nhập thật của người dân giảm xuống. 


Nhưng quan trọng hơn là thị trường chứng khoán hoảng loạn, giảm điểm liên tục, và chưa có dấu hiệu bình ổn. Chứng khoán là kênh đầu tư của đa số dân Mỹ. Họ đầu tư trực tiếp và/hoặc là thông qua các quỹ hưu bổng. 


Thường người Mỹ đi làm sẽ nhận một trong hai loại tiền hưu trí. Loại cổ điển là công ty sẽ trả tiền hưu trí sau khi nhân viên về hưu; loại này giờ ngày càng ít phổ biến. Loại thứ hai là nhân viên sẽ đóng một phần tiền lương của mình vào một quỹ hưu trí riêng của mình gọi là quỹ 401(k) và công ty cũng sẽ đóng một phần vào đó. Số tiền trong quỹ hưu trí 401(k) này nhân viên được quyền đầu tư vào một số danh mục đầu tư được quy định để giúp nó tăng trưởng đặng sau này về hưu thì được lấy ra mà dùng. Thường số tiền trong quỹ 401(k) này người dân sẽ đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán thông qua các quỹ tín thác. Chỉ số chứng khoán giảm sẽ kéo theo tiền hưu trí sau này của người dân giảm. 


Nhưng quan trọng hơn là tình hình lao động. Những người bình thường xem chỉ số thất nghiệp phản ánh tình hình kinh tế của một đất nước. 


Thực ra, con số thất nghiệp là một chỉ số hời hợt để đánh giá sức khoẻ của một nền kinh tế. 


Thứ nhất, mức thất nghiệp được tính là số người đang ở độ tuổi lao động muốn tìm việc mà không có việc làm trên tổng số người đang ở độ tuổi lao động và muốn tiếp tục làm việc. Như vậy, nếu mà có nhiều người trong độ tuổi lao động tự động rời bỏ thị trường, không muốn làm việc nữa, thì mức thất nghiệp cũng sẽ giảm. Có nhiều lý do để một người không muốn làm việc nữa; trong các lý do đó có thể là khó kiếm được việc làm tốt, hoặc mức trợ cấp đã đủ để sống, hoặc là họ có các khoản để dành mà họ không phải đi làm, v.v. Do đó, mức thất nghiệp thấp đôi khi nó không cho thấy rằng nền kinh tế mạnh mẽ mà ngược lại nó có thể cho thấy một nền kinh tế bi quan, ngõ cụt. 


Thứ hai, đối diện với một thực trạng kinh tế tệ hại, doanh nghiệp đầu tiên sẽ kiếm giải pháp cắt giảm chi tiêu, sắp xếp tổ chức để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất. Chỉ sau khi đã tiết giảm mọi thứ và không thể tiết giảm hơn thì giới quản lý mới bắt đầu cắt giảm nhân sự và đẩy mức thất nghiệp lên cao. Cho nên, mức thất nghiệp cao chỉ phản ánh thực trạng kinh tế bê bết sau khi nó đã thực sự tệ hại một thời gian, và do đó nó không phải là thước đo nhạy cảm về sức khoẻ kinh tế hiện thời mà những người làm chính sách dùng để đưa ra các chọn lựa chính sách, ngoại trừ việc các chính trị gia dùng nó để khoe mẽ. 


Vậy làm cách nào để biết sức khoẻ của một nền kinh tế? 


Không ai rành sức khoẻ của nền kinh tế hơn giới doanh nhân. Doanh nhân là những người trực tiếp điều hành nền kinh tế, chứ không phải là các chính trị gia. Do đó, muốn biết thực trạng kinh tế ra sao thì hãy hỏi họ. Các thăm dò về tình trạng kinh tế là những con số có ích. Quan trọng là thiết kế các bản thăm dò thế nào.


Một chỉ số khác là số công việc được tạo ra và chất lượng công việc. Khi cảm nhận được thị trường tích cực và có tương lai, doanh nhân sẽ triển khai mở rộng hoạt động và tuyển dụng nhân viên.


Và một chỉ số quan trọng không kém là chỉ số tâm lý người tiêu dùng. Những người tiêu dùng là những người trực tiếp giúp bôi trơn và thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế. Nền kinh tế mạnh hay không là nhờ ở cả giới sản xuất và cả giới tiêu dùng. 


Tâm lý người tiêu dùng và tâm lý của giới doanh nhân thường song hành cùng nhau. Bởi khi người tiêu dùng lạc quan, họ sẽ mua sắm nhiều, doanh nghiệp làm ăn được sẽ mở rộng sản xuất, thu dụng thêm nhân công, và nhân công có thu nhập sẽ gia tăng tiêu dùng. Vòng quay ảnh hưởng tương hỗ sẽ tiếp tục cho đến khi cảm nhận bi quan về nền kinh tế xuất hiện.


Tuần rồi, chỉ số cảm nhận của người tiêu dùng (index of consumer sentiment) của Đại học Michigan xuống rất thấp, chỉ còn hơn 50 điểm, ngang bằng điểm mà người Mỹ bi quan trong cuộc Đại Khủng hoảng 2008-2010, và thấp hơn nhiều mức cảm nhận của người Mỹ trong cuộc khủng hoảng cúm Corona 2 năm về trước. 


Song hành cùng với tâm lý bi quan của người tiêu dùng là các công ty công nghệ bắt đầu cắt giảm nhân viên. Nhưng có lẽ còn quá sớm để những cắt giảm này được tổng kết thành những con số cho tường thuật trên truyền thông. 


Việc các công ty công nghệ cắt giảm nhân viên là một điều tất yếu. Đối với những công ty non trẻ, tiếp cận được nguồn vốn là một yếu tố sống còn. Ở những công ty này, thu nhập thực hầu như không có nên khó tiếp cận được vốn vay của ngân hàng. Họ chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn hoặc qua các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc thông qua các thị trường vốn.


Câu hỏi là giờ đây mọi thứ sẽ ra sao?


Dưới áp lực chính trị, có lẽ đối diện với một mức lạm phát liên tục tăng như vậy, ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất dù họ biết việc tăng này không có tác dụng nhiều ngoại trừ việc thoả mãn ý chí chính trị của các phe để khi ra điều trần ở quốc hội chẳng hạn, chủ tịch ngân hàng trung ương có thể bảo rằng chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi. 


Giá trị một cổ phiếu nói riêng hay tình trạng của một thị trường vốn nói chung không chỉ phụ thuộc vào giá trị nội tại mà nó còn tuỳ thuộc vào mong đợi của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá hoặc nền kinh tế sẽ khởi sắc họ sẽ đầu tư và nền kinh tế nhờ đó mà lớn mạnh. Ngược lại nếu nghĩ rằng một cổ phiếu hay một nền kinh tế trong vài năm tới chẳng có triển vọng gì chắc chắn họ sẽ rút vốn, và đó là những gì người dân Mỹ cảm nhận về đất nước hiện nay. Họ bi quan. 


Tới đây thì bạn sẽ hỏi rằng tại sao một người Việt không sống ở Mỹ lại quan tâm đến chuyện của nước Mỹ. Đó là bởi vì nước Mỹ quá lớn, lớn không phải về diện tích mà về tầm ảnh hưởng — kinh tế Mỹ nhức đầu thì kinh tế thế giới sổ mũi; kinh tế Mỹ mà xuống dốc thì kinh tế toàn thế giới chao đảo. 


Nguyễn Huy Vũ

12/6/2022