2.3.22

Cuộc xâm lược của Nga làm xói mòn vị thế của Hoa Kỳ

Cuộc xâm lược toàn diện của người Nga vào Ukraine đánh thức sự bình yên mà châu Âu đã đạt được kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cho dù kết thúc của cuộc chiến như thế nào, nó sẽ để lại những tiền lệ làm thay đổi những quan niệm và quyết định về chính sách của những quốc gia trên trường thế giới.

Ba thập kỷ trước, sau sự sụp đổ của Sô Viết, Ukraine trở thành một nước độc lập và sở hữu một tiềm lực hạt nhân đứng thứ ba trên thế giới. Trong những năm sau đó, Ukraine đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lại Mỹ, Anh và Nga sẽ bảo đảm an ninh cho Ukraine. Trong Bản Ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandom), Washington, London, và Moscow “tôn trọng sự độc lập và chủ quyền và những biên giới hiện có của Ukraine”, và “kiềm chế việc đe doạ hay dùng vũ lực” tấn công Ukraine. Cuộc xâm chiếm toàn diện của Nga nay đã chấm dứt những cam kết này và một cách chính thức vất Bản Ghi nhớ Budapest vào sọt rác. 


Việc “vất Bảng Ghi nhớ Budapest” đến lượt nó có nhiều hàm ý ảnh hưởng đến tương lai bang giao và trật tự chính trị thế giới. 


Thứ nhất, nó xác định rằng các cam kết quốc tế, dù dưới bất cứ hình thức nào, đều không có nhiều giá trị thực tiễn nếu nó không được hỗ trợ bằng các lợi ích và khả năng của những bên liên quan. 


Và như vậy, người Mỹ khó mà thuyết phục người Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy hoà bình và phát triển kinh tế. Nó cũng sẽ gửi một thông điệp đến chế độ thần quyền của Iran, một đồng minh thân cận của người Nga, rằng việc từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là một hành động buông vũ khí.  Vì một khi Iran không có khả năng đe doạ hạt nhân, số phận của giới lãnh đạo Iran có thể sẽ không khác bao xa số phận của chính quyền Saddam Hussein ở Iraq. 


Thứ hai, nó cho thấy rằng người Mỹ không có khả năng thực hiện các cam kết về chính trị của mình và việc người Mỹ nỗ lực thuyết phục các đối tác khác ký các cam kết nhằm bảo đảm những quyền lợi chính trị của mình trước tiên, trước khi nghĩ đến lợi ích của các quốc gia khác. 


Điều này sẽ đặt ra một loạt các cuộc xét lại tại các quốc gia khác nhau vốn đang có những cam kết với Hoa Kỳ trong bảo đảm an ninh và hỗ trợ, từ NATO cho đến Đài Loan. 


Liệu rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Đài Loan khi bị Trung Quốc xâm chiếm khi mà cái giá của việc can thiệp là rất lớn và việc giúp đỡ này sẽ lớn đến đâu? Nhiều khả năng là đối mặt với một quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ chọn việc hỗ trợ vũ khí và thông tin cho Đài Loan thay vì là đối đầu trực tiếp. Và như vậy, nó sẽ ngầm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan vào một lúc nào đó, và Trung Quốc có thể dễ dàng đưa ra những luận cứ lịch sử để thuyết phục người dân về một cuộc xâm lược như cách Vladimir Putin đang nhào trộn những lý luận lịch sử biện minh cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hiện tại. Đến lượt nó, Khi mà một bộ phận người dân ở Đài Loan nghĩ rằng Hoa Kỳ không có khả năng hoặc khó có thể giúp Đài Loan chống lại Trung Quốc thì họ sẽ chuẩn bị trước một cuộc tị nạn và chính quyền Đài Loan chắc chắn sẽ sụp đổ rất nhanh đối với một cuộc tấn công của Trung Quốc.  


Liệu rằng Hoa Kỳ có khả năng hỗ trợ và sẵn lòng hỗ trợ các đồng minh với các cam kết trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm toả Trung Quốc? Nhiều nước châu Á, nhất là những nước không có một khả năng hạt nhân để răn đe, có lẽ sẽ e dè vì họ không muốn phải đối đầu với một Trung Quốc hùng mạnh, có tiềm lực hạt nhân, và họ sẽ e ngại rằng một cuộc xung đột diễn ra giữa họ với Trung Quốc nhiều khả năng là rất khó nhận được những cam kết của Hoa Kỳ. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vì vậy mà sẽ lung lay, khó tiến triển. 


Ngay cả ở những nước nhỏ trong NATO, những nước trong một thời gian dài có được an ninh quốc gia nhờ dựa vào chiếc ô bảo vệ của NATO, có lẽ cũng cần phải xét lại chiến lược an ninh của chính mình. Những cuộc xét lại về chính sách an ninh trên toàn cầu đến lượt nó sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang và có lẽ một cuộc chạy đua sở hữu vũ khí hạt nhân. 


Và cuối cùng, nó làm suy yếu uy tín và hình ảnh của nước Mỹ, và thúc đẩy một trật tự chính trị mới trên toàn cầu. Nó cho thấy rằng Hoa Kỳ không phải là một thế lực như một cảnh sát trưởng có thể duy trì trật tự thế giới và đem lại hoà bình. Thế giới đơn cực trong đó Hoa Kỳ dẫn đầu đang chấm dứt. Và rằng hoà bình chỉ có thể có được ở mỗi quốc gia bằng cách trang bị cho mình một tiềm lực quốc phòng. Nó cũng cho thấy rằng Hoa Kỳ có thể rao giảng và đưa ra những cam kết rất hay, nhưng không có gì bảo đảm, và rằng những quốc gia bớt tin Hoa Kỳ và những cam kết của họ. Mà thay vào đó, các quốc gia nên phát triển những mối quan hệ ngoại giao đa cực nhằm tự bảo đảm hoà bình và an ninh cho chính mình. 


Nguyễn Huy Vũ

27.2.2022