29.3.17

Đảng PAP và chính trị Singapore

1. Quá trình hình thành và nắm giữ quyền lực của đảng Nhân dân Hành động (PAP) ở Singapore

Khi thành lập vào năm 1954, đảng Nhân dân Hành động (People Action Party, viết tắt là PAP[1]) là một liên minh chính trị giữa các lãnh đạo công đoàn cánh tả và một nhóm chuyên gia được đào tạo từ nền giáo dục Anh (British-educated professionals). Liên minh này hoạt động dưới ngọn cờ chung (common banner) là chống thực dân.


Trung tâm tài chính Singapore






Nếu như động lực chống thực dân Anh của các lãnh đạo cánh tả là rõ ràng và dễ hiểu thì động cơ đó có vẻ ngược lại đối với nhóm chuyên gia. Nhóm chuyên gia này có thể hưởng được những đặc quyền, đặc lợi mà chính quyền thuộc địa dành cho giai cấp bản xứ. Dựa theo khuôn mẫu Gramsci cổ điển (classic Gramscian fashion)[2] – trong việc chỉ ra các kinh nghiệm mà các nhóm hoạt động chính trị khác đã thành công trong việc chuyển đổi đường hướng và cách thức hoạt động chính trị ̶ nhóm chuyên gia này đã chủ động rời bỏ tầng lớp và giai cấp thống trị để tham gia vào khuynh hướng xã hội chung của thời đại đang được nhiều người ủng hộ. Thay vì tiếp tục hưởng thụ những đặc quyền và đặc lợi có được nhờ việc thừa hưởng nền giáo dục của Anh và là con cưng của chính quyền, họ đã thấy được những nguyện vọng sâu xa của các tầng lớp nhân dân bên dưới: chống thực dân.


Việc tập hợp lại với một khẩu hiệu như thế đã trở nên một mối quan tâm chính và một đồng thuận của xã hội, về mặt cảm tính, đã biến họ thành một tổ thức chính trị dành được vai trò lãnh đạo về ý thức hệ (ideological leadership). Tuy nhiên, để thu hút sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, nhóm chuyên gia phải hình thành một liên minh với các nghiệp đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội cánh tả khác. Sự ủng hộ và quan tâm từ giới công nhân cũng như tầng lớp dân chúng chịu ảnh hưởng nền giáo dục Trung Hoa là rất quan trọng.

Ngược lại, đối mặt với tình trạng bị đàn áp và sắp bị chính quyền thuộc địa Anh đặt ra ngoài vòng pháp luật vì các hoạt động cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, các tổ chức cánh tả Singapore cũng hoan nghênh việc liên minh với nhóm chuyên gia Anh học, với hy vọng là nhóm chuyên gia này sẽ đóng vai trò một tấm bình phong đứng đắn, ôn hòa, có thể được đa số chấp nhận cho tổ chức PAP và các hoạt động chính trị của họ. Do đó, liên minh này là một cuộc hôn phối vì lợi ích, mà mỗi bên có những các mục đích riêng của mình.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959 để bầu một chính quyền bản xứ có quyền tự trị (có nhiều quyền, dù ngoại giao và quốc phòng vẫn nằm trong tay thực dân Anh), PAP đã tranh cử tất cả các ghế, và dành được 43 trên 51 ghế. Người đứng đầu nhóm chuyên gia, Lý Quang Diệu, được cử làm thủ tướng, sau khi các thành viên cánh tả của PAP bị bắt vì lý do chính trị trước đó, được thả ra.

Tuy nhiên, các bất đồng sớm nổ ra giữa hai nhóm. Nhóm cánh tả đe dọa sẽ chuyển sự ủng hộ từ Lý Quang Diệu sang David Marshall (lãnh tụ đảng đối lập) nếu Lý Quang Diệu không có những cải cách đáng kể về tình trạng đàn áp (bao gồm: thiếu quyền tự do công dân, việc tiếp tục câu lưu và bắt giữ các nhân vật chính trị dưới luật Nội an của Hội đồng Nội an (Internal Security Council)), hạn chế quyền công dân của các nhân vật thuộc cánh tả, hạn chế các phong trào liên kết của các công đoàn thương mại có xu hướng xây dựng các cơ sở chính trị, và cuối cùng là sự mất dân chủ ngày càng lớn ngay trong đảng PAP.[3] Các bất đồng trong PAP không giải quyết được, dẫn đến sự ly khai, và sự thành lập của đảng Barisan Sosialis bởi các lãnh đạo nghiệp đoàn cánh tả và các thành viên ly khai (hay bị đuổi) khác của PAP. Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục nắm quyền với đảng PAP còn lại.

Sau cuộc trưng cầu dân ý để sát nhập Singapore vào liên bang Malaysia vào năm 1962, PAP đã tăng cường vị trí độc tôn quyền lực bằng cách đàn áp các đảng đối lập. Tháng 2/1963, một chiến dịch mang tên Operation Cold Store bắt giữ hơn 100 nhân vật hoạt động chính trị cánh tả quan trọng hoặc nổi tiếng. Chiến dịch này được thực hiện bởi Hội đồng Nội an mà Malaysia nắm giữ một lá phiếu quyết định trong hội đồng gồm 7 người (có 3 từ chính phủ Singapore và 3 là các nhân viên người Anh). Do đó, mặc dù Lý Quang Diệu có mặt trong buổi họp quyết định bắt giữ, ông đã tránh được trách nhiệm của mình trong biến cố này.

Ngay sau vụ bắt giữ và đàn áp, PAP tổ chức một cuộc bầu cử đột xuất. Kết quả là Barisan được 33,3% phiếu bầu và dành được 13 ghế, PAP dành được 46,9% phiều bầu và được 37 ghế. Khi quốc hội mới ra tuyên thệ, 3 dân biểu của Barisan đã bị bắt và 2 phải bỏ trốn ra nước ngoài. Tổng thư ký đảng Barisan đã tẩy chay vị trí đại biểu quốc hội của mình. Sau đó, việc 7 dân biểu Barisan còn lại lần lượt từ chức đã cho phép PAP nắm giữ thêm (hoàn toàn) ghế trong quốc hội và từ đó không còn những tiếng nói chính trị đối lập nào nữa.[4]


2. Nhu cầu về ý thức hệ thực dụng (pragmatism)


Sau khi tách khỏi Malaysia năm 1965, chính quyền Singapore phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trước hết, Singapore mất một thị trường đầy tiềm năng, đặt ra một nghi vấn về khả năng tồn tại của đảo quốc này. Sau đó, việc quân đội Anh rút đi vào đầu những năm 1970 đã làm cho sự suy giảm ngân sách quốc gia thêm trầm trọng. Thêm vào đó là thái độ thù nghịch của các nước láng giềng như Indonesia trong đầu thập niên 1960 (như có chiến dịch “the Indonesian Confrontation” chống lại liên bang Malaysia khi Singapore còn là một thành viên).

Trong một khu vực mà người gốc Malay là đa số, một nước Singapore mà đa số là gốc Hoa đã bị các nước láng giềng nhìn với một thái độ nghi ngờ rằng đây là một nước Trung Hoa thứ 3 (ngoài Trung quốc đại lục và Đài Loan). Phải đến khi có sự thành lập và phát triển của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore mới có một diễn đàn đối thoại trong khu vực và từ đó đã làm giảm đi các áp lực bên ngoài. Bên trong quốc gia, sự căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo cũng như sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản là những đe dọa chính.[5]

Để chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, Lý Quang Diệu đã áp dụng triệt để luật Nội an. Luật này cho phép chính quyền bắt giữ mà không cần xét xử. Đợt bắt giữ lớn và gần đây nhất là vào năm 1987. Lý Quang Diệu cho rằng “mức lương cho người lao động tăng lên cùng với năng suất, và khi người lao động hiểu rõ hơn vai trò của họ, và khi người lãnh đạo kinh tế tạo nên một vị trí vững chắc và an toàn thì những người cộng sản khó bề khai thác”. Theo ông, “kinh tế phát triển là điều cần thiết cho sự bền vững của hệ thống chính trị, và sự ổn định chính trị là điều cần thiết cho phát triển kinh tế.”

Đối diện với một nền kinh tế kém phát triển và một xã hội phức tạp với nhiều sắc tộc và nhiều ngôn ngữ, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Singapore là mối quan tâm hàng đầu của PAP. Từ đó, một ý thức hệ đã được khai sinh: “ý thức hệ sống còn” (ideology of survival). Khi nhắc đến ý thức hệ này, Lý Quang Diệu cho rằng, để một đất nước như Singapore có thể tồn tại, xã hội Singapore cần được tổ chức lại chặt chẽ hơn và người dân cần có kỷ luật hơn .Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế trên bình diện quốc gia và nâng cao mức sống của mỗi người. Để làm được điều đó, các tổ chức, đoàn thể tìm kiếm các lợi nhuận cho riêng các thành viên của đòan thể mình phải hi sinh các quyền lợi riêng tư mà đóng góp vì quyền lợi chung của quốc gia. Và vì mục tiêu đó, các tổ chức, đoàn thể… trong xã hội phải chịu sự chi phối và kiểm soát… của chính phủ.

Chính vì phát triển kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, các đóng góp để phát triển kinh tế lập tức và cấp thời đã được hiểu như là thực dụng và cần thiết cho quốc gia. Do đó, chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) được xem như là một danh từ không chỉ về mặt kinh tế mà còn miêu tả ý thức hệ thống trị trong giai đoạn này (1968-1984).


3. Ý thức hệ thực dụng


Mục tiêu trên hết của chủ nghĩa thực dụng là để bảo đảm một sự phát triển kinh tế liên tục. Mục tiêu này cũng đồng thời là tiêu chí duy nhất để phát động và đánh giá các hoạt động của chính phủ, theo hướng các hoạt động này có giúp tăng trưởng kinh tế hay không. Về nguyên tắc, dựa vào mục tiêu duy nhất này, không một lĩnh vực nào của đời sống xã hội, văn hóa, hay kinh tế, thậm chí mang tính chất đời sống riêng tư, mà không bị nhà nước can thiệp vào.

Một ví dụ là các chính sách dân số - về mặt nguyên tắc đã xung đột với bản năng giới tính của con người. Khi thấy những phụ nữ tốt nghiệp đại học có xu hướng sinh con ít hơn và không quan tâm nhiều đến hôn nhân so với các phụ nữ ít giáo dục hơn, với niềm tin rằng 80% khả năng của mỗi người do gen quyết định và có được là nhờ thừa hưởng di truyền, Lý Quang Diệu đã cảnh báo rằng sự sút giảm nguồn gen tài năng này có thể là một điều cực kì tệ hại cho một đảo quốc mà nguồn lực quan trọng duy nhất là con người. Chính quyền đã nhanh chóng đưa ra một chính sách vào năm 1983 nhằm tăng nguồn lực tài năng. Theo đó, phụ nữ nào đã tốt nghiệp đại học và chưa lập gia đình thì được khuyến khích lập gia đình, còn phụ nữ nào đã lập gia đình và có hơn hai con thì được hưởng những khoản giảm thuế lớn và được ưu tiên chọn trường cho con cái. Những phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học thì được khuyến khích nên có ít con, và nếu dừng ở hai con thì được số tiền hỗ trợ đến 10.000 đô la Singapore - số tiền này sẽ được trừ ra khi họ mua nhà của chính phủ. Chính sách này đã làm mất lòng nhiều cử tri khiến họ đã không ủng hộ PAP nữa. Chính sách này sau đó đã bị bãi bỏ. [6]

Một ví dụ khác. Nếu một người nam Singapore muốn cưới một phụ nữ không phải là người Singapore, và nếu người nữ này được giáo dục và có bằng cấp chuyên môn cao (highly educated professional) – điều này được hiểu như là người phụ nữ sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - thì các thủ tục kết hôn không cần được chính quyền cho phép. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ mà khả năng có thu nhập kém trong xã hội Singapore, điều này không dễ dàng – các cặp phải đợi một thời gian khá dài để nhận được chính quyền giấy cho giấy phép kết hôn.

Khi mà tất cả các mặt của đời sống đều có thể bị chính quyền can thiệp, dưới danh nghĩa vì mục đích phát triển kinh tế, sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động của xã hội dựa vào những hoàn cảnh riêng biệt và không theo những nguyên tắc của một ý thức hệ chính trị. Sự thay đổi trong chính sách dân số là một ví dụ điển hình. Từ giới hạn mỗi gia đình chỉ nên có hai con đến chính sách người mẹ tốt nghiệp đại học, và đến chính sách khuyến khích người dân (ngoại trừ người nghèo) sinh thêm hiện nay. Trong trường hợp này, “hoàn cảnh” là nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển kinh tế.

Sự can thiệp dựa vào “hoàn cảnh” này sinh ra nhiều hậu quả. Thứ nhất, mỗi sự can thiệp dựa vào một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội với mục tiêu duy nhất nhằm đạt hiệu quả trong lĩnh vực đó. Dưới mối quan tâm vì phát triển kinh tế chung chung, chính sách nguồn nhân lực và chính sách dân số được tách biệt và độc lập với nhau. Thứ hai, vì những sự can thiệp chỉ dựa vào “hoàn cảnh” và mang tính rời rạc, không liên tục với mục tiêu duy nhất là quyết tâm nhằm thay đổi một vấn đề xã hội (vốn đã được can thiệp trước đây) theo một hướng khác có chủ đích. Cách hành động này đôi khi cũng bị chỉ trích là không lường trước được những hậu quả sau này, khiến chính phủ phải có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ mang tính sửa sai về sau. Trong quá khứ, chính sách lương bổng là một ví dụ điển hình. Ngay sau khi giá dầu tăng vào năm 1972, vì lo sợ rằng các nhà đầu tư công nghiệp có thể rút vốn khỏi Singapore nếu giá lương tăng, chính phủ (thông qua Ủy Ban Lương Bổng Quốc Gia – National Wage Council) áp dụng một mức tăng lương thấp tùy tiện trong vòng 4, 5 năm. Trong lúc đó, các nền công nghiệp ở Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc phản ứng bằng cách tăng năng suất thông qua cơ giới hóa. Mức tăng lương (tùy tiện thấp) đó sau đó tăng vọt trở lại vào năm 1978; trong vòng 3 năm, mức tăng lương đã lên gấp đôi. Điều này khiến cho nhiều lĩnh vực công nghiệp phải cơ giới hóa và sa thải bớt nhân công trong một thị trường vốn đã rất cạnh tranh. Điều này đã góp phần tạo nên một cơn suy thoái kinh tế nhẹ vào năm 1985. Chính phủ đã phải giảm mức lương 15% và giữ nguyên mức tăng lương trong vòng 2 năm kế tiếp.

Và cuối cùng, với mục đích duy nhất là kinh tế, “chủ nghĩa thực dụng” chỉ chấp nhận những bằng chứng thấy được và mang tính quyết định thay vì những bằng chứng mang tính định chất, “mềm” (soft), hay những tranh luận về nguyên tắc (in principle) mang tính lý thuyết.

Tất cả các đánh giá về sự thành công hay thất bại của một chính sách đều dựa vào các giá trị có tính định lượng. Để tự bảo vệ trước sự chỉ trích của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về chính sách dân số dựa vào di truyền – theo đó có sự phân biệt giữa những phụ nữ tôt nghiệp đaị học và phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học – phát ngôn nhân của bộ giáo dục đã phản ứng bằng cách lặp đi lặp lại một danh sách dài những con số chứng minh rằng con cái của những phụ nữ đã tốt nghiệp đại học có thành tích học tập tốt hơn hẳn so với những phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học. Những con số này được xem như là lời giải cho một cuộc tranh luận. Một cách đơn giản chuyển từ những kết quả định lượng sang những đánh giá mang tính định tính mà không có bất kỳ một “ý thức” nào về sự không tương thích mang tính triết học hay phương pháp luận.[7]

Nhìn chung, lý tưởng thực dụng hoạt động trên một mục đích duy nhất vừa đồng thời đóng vai trò là một công cụ duy nhất nhằm đánh giá và thanh minh chính sách của chính phủ. Mặc khác, nó còn là một công cụ viện dẫn cho sự can thiệp của chính quyền khi cần thiết vào mọi mặt của đời sống. Các chính sách này được đưa ra và thực hiện tùy theo hoàn cảnh và mang tính giai đoạn (và do đó, nó không có tính đồng bộ lâu dài trong một lĩnh vực đời sống, xã hội….), tùy thuộc vào những mục đích đóng vai trò nào đó trong việc phát triển kinh tế. Nó không quan tâm đến những tranh cải mang tính nguyên tắc (in principle) hay lý thuyết, và thường bỏ ngoài tai những cuộc tranh luận như thế.

Chủ nghĩa thực dụng được hình thành như một cơ cấu khái niệm có tính hệ thống được phát triển do những điều kiện vật chất và lịch sử tại thời điểm PAP tiếp nhận quyền lực. Nói một cách chính xác hơn, dựa trên nhu cầu vật chất tại thời điểm lịch sử (thập niên 1960, 1970) của Singapore, chủ nghĩa thực dụng, còn có thể xem là chủ nghĩa tiêu thụ - được xem như là một ý thức hệ - đã cho phép PAP lãnh đạo Singapore trong một thời gian dài (và cho đến nay).

Những chính sách xuất phát từ ý thức hệ thực dụng được nhìn nhận là cần thiết, thực tế và mang tính hiển nhiên – điều này đúng với một ý của Các Mác:”quá trình chuyển đổi ý thức hệ là quá trình “hiển nhiên hóa” những mối quan tâm của các giai cấp thống trị (đặc biệt) tại một thời điểm lịch sử”. Sự hợp pháp của cả hai – ý thức hệ thực dụng và vai trò lãnh đạo của PAP – đã được nâng lên do những thành công trong những chính sách của chính quyền nhằm đem lại một cuộc sống sung túc hơn về vật chất – điều quan trọng nhất mà người dân Singapore (những di dân vì kinh tế) mong mỏi.

Sự thành công này cũng đã góp phần vào sự chấp nhận (hay thỏa hiệp) sự can thiệp hành chính một cách không dân chủ của chính quyền. Đảng PAP khống chế mọi sinh họat báo chí, văn hóa, giải trí…, những lãnh vực của tư duy… Giới trẻ không được đào tạo để có tư duy độc lập khác (mọi việc, mọi suy nghĩ khác… đã có PAP lo… thanh niên chỉ cần lo làm ăn kinh tế kiếm tiền!).

Tuy nhiên, theo thời gian, những cá tính và trải nghiệm của công dân (cử tri) đã thay đổi đáng kể. Các công dân (và là cử tri) mới và trẻ không có bất kỳ một trải nghiệm nào về những khó khăn và hỗn loạn của thập niên 1950, 1960 – một điều đặt ra những khó khăn cho tính hợp lý của ý thức hệ thực dụng. Thế hệ trẻ này được giáo dục tốt hơn, có tư duy độc lập và nhất là cũng có mối quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội hơn, đặc biệt là những “hệ quả của một xã hội bị chi phối”. Do đó, những chỉ trích đã được đưa ra một cách mạnh mẽ và thuyết phục hơn, điều này khiến chính phủ bắt đầu hướng sự can thiệp đến những mặt “ít nhận thấy được” trong các lãnh vực đời sống và xã hội. Chẳng hạn như các phụ nữ đã tốt nghiệp đại học chỉ trích rằng “chính sách người mẹ tốt nghiệp đại học” đã xâm phạm đời sống riêng tư và không cần thiết, mặc dầu họ được hưởng lợi từ chính sách đó[8], v.v.


4. Đôi điều thêm về ý thức hệ: Giá trị châu Á


Trong trường hợp của Singapore, quá trình đấu tranh được gọi là chính trị chỉ bắt đầu từ những năm 1950 kéo dài đến năm 1963 – khi mà các phe phái chính trị ở Singapore tranh giành ảnh hưởng và theo đuổi các ý thức hệ khác nhau (kể cả ý thức hệ cộng sản). Sau năm 1963, về mặt chính trị chỉ còn duy nhất là đảng PAP. Vấn đề kể từ lúc này trở đi, đối với PAP đó là việc xây dựng tính chính đáng trong vai trò của một đảng cầm quyền. Điều đó chỉ thực sự là hiển nhiên, nếu PAP có thể tạo dựng một tương lai tốt hơn cho người dân trên đảo Singapore cũng như tạo một tương lai mới cho đất nước non trẻ này. Nói cách khác, đối với PAP, vấn đề lúc này chỉ còn đơn thuần là kinh tế, và chừng nào PAP còn có khả năng phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao mức sống của người dân và vị trí của Singapore thì PAP còn đứng vững. Điều này khá phù hợp với lý thuyết của Gramsci khi ông cho rằng sự đồng thuận không thể được duy trì chỉ duy nhất bằng các ý kiến hay lý tưởng, mà bắt buộc phải có các yếu tố mang tính kinh tế. Tính chính danh của một đảng cầm quyền chỉ có được khi nó có khả năng cải thiện đời sống vật chất của tầng lớp bị trị. Và một xã hội được cải thiện về mặt vật chất theo những qui chuẩn giá trị mới là một xã hội mà ở đó giới cầm quyền lãnh đạo bằng khả năng lãnh đạo về mặt tinh thần (moral leadership) với sự hỗ trợ bằng các hình thức bắt buộc cần thiết khác. Song, khi nền kinh tế đã phát triển thì chủ nghĩa thực dụng và tiêu thụ không còn là động lực và nền tảng của nền chính tri.[9]

Trong suốt thời kì chiến tranh lạnh từ thập niên 1950 đến những năm 1980, châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ kinh tế các nước châu Á nhằm chống chủ nghĩa cộng sản, bất kể thành tích nhân quyền và dân chủ của các nước châu Á chống cộng này (Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia). Hậu quả là các nước châu Á này phát triển về kinh tế một cách nhanh chóng, song kèm theo nó là các “thành tích” về đàn áp nhân quyền, và trì hoãn việc thi hành dân chủ.

Cho đến những năm đầu của thập niên 1990, thì nguy cơ đe dọa về sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản không còn nữa. Lúc này bắt đầu nổi lên ý thức mới về tự do-tư bản và đi cùng với nó là nhân quyền. Điều này bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính danh (legitimacy) của các lực lượng nắm quyền ở các quốc gia này. Trong suốt thời gian phát triển kinh tế và chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước phương Tây và Hoa Kỳ, các nước châu Á này bắt đầu chịu các áp lực bên ngoài và bên trong về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã đặt dấu hỏi về sự lũng đoạn kinh tế do việc can thiệp quá sâu mang màu sắc chính trị vào nền kinh tế của đất nước. Nó cũng khiến cho chính quyền yếu dần trong lối biện hộ đàn áp chính trị vì mục đích kinh tế. Để củng cố vị trí của mình, các đảng chính trị “sáng tạo” ra các lập luận chính trị gần giống với ý thức hệ chính trị nhằm tuyên truyền người dân về tính hợp pháp của chính quyền. Các lập luận này xoay quanh đặc tính văn hóa, xã hội và các thành tựu phát triển kinh tế. Cốt yếu, lý thuyết “các giá trị châu Á” (Asian values) là một lập luận chính trị nhằm mục đích ấy. “Các giá trị châu Á” được Lý Quang Diệu của Singapore và Mahathir của Malaysia (hai nước có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á vào thời kỳ đó) ủng hộ mạnh mẽ.

Cơ bản, các giá trị Châu Á bao gồm: (i) có đạo đức cao trong công việc (high work ethics), (ii) thành đạt về học vấn (education attainment), và (ii) định hướng gia đình và nhóm (family and group orientation). Ngoài ra, tùy theo hoàn cảnh văn hóa, lịch sử, “giá trị châu Á” còn bao gồm vài yếu tố khác, chẳng hạn như “Khổng giáo” đối với Singapore, và “Hồi giáo” với Malaysia. Nhìn chung, các “giá trị châu Á” này có thể xem như một biến thể của chủ nghĩa cộng đồng (communitarism).

Các học giả phương Tây là những người đầu tiên đưa ra lý giải rằng Khổng giáo là nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công kinh tế của các nước Đông Á. Các “công trình khảo cứu” này thực ra là liên quan nhiều hơn đến kinh tế phát triển chứ không phải về chính trị học. Tuy nhiên, sau đó một số chính trị gia châu Á lấy làm thích thú với ý tưởng này, và cải biên nó thành một lập luận về chính trị hướng đến các giá trị tập thể (collective orientation), điều này cũng được dùng để biện minh rằng các giá trị về dân chủ tự do (liberal democracy) là vắng bóng ở châu Á (vì người dân đã chịu ảnh hưởng về Khổng giáo và các giá trị châu Á); và các giá trị châu Á như vậy thích hợp với người châu Á vì đã tạo nên một sự thành công (về kinh tế) đối với các nước tư bản châu Á. Các giá trị châu Á mang giá trị tập thể này ngược với chủ nghĩa tự do của phương Tây và đặc biệt của Hoa Kỳ. Xin mỡ một dấu ngoặc là một điều đáng để ý là trước khi chọn các “giá trị châu Á”, Lý Quang Diệu đã nhờ sự cố vấn của các một số tu sĩ thiên chúa giáo Tây Âu giúp ông thiết lập một ý thức hệ thống trị. Song sự việc không thành, họ Lý đã lựa chọn “giá trị châu Á” và số phận các tu sĩ này vẫn còn là một “bí mật quốc gia”!

Trong trường hợp Singapore, chủ trương ban đầu của PAP và của Lý Quang Diệu là dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ cho thương mại và kỹ thuật, hay nói cách khác là dùng tiếng Anh như một công cụ kinh tế. Ông cho rằng chỉ có thể bằng tiếng Anh thì các sinh viên sau khi ra trường mới có thể nắm bắt được các kiến thức của thế giới và làm được việc. Tuy nhiên, theo thời gian, tiếng Anh đã dần dần thay thế tiếng mẹ đẻ và đã trở thành ngôn ngữ đầu tiên (first language). Các thế hệ sau này, không còn sõi tiếng mẹ đẻ và do đó, các văn hóa truyền thống bị dần dần thui chột. Mặc khác, thông qua tiếng Anh, họ đã tiếp cận với văn hóa phương Tây và dần chịu ảnh hưởng. Văn hóa Trung Hoa và Khổng giáo cũng chịu chung số phận. Kết quả là các “giá trị châu Á” thỉnh thoảng chỉ xuất hiện ở mức lập luận của các chính trị gia. Trong khi người dân chỉ quan tâm đến kinh tế. Nói thêm là ngôn ngữ của người Singapore thường dùng hiện nay gọi là Singlish: một thứ tiếng Anh pha lẫn tiếng Hoa cả về ngữ điệu và từ vựng. Chỉ trong những dịp trang trọng thì họ mới dùng tiếng Anh chuẩn về ngữ pháp. Có một sự “đánh giá cao” đối với những người nói tiếng Anh chuẩn. Và tiếng Hoa ở đây “có một giá trị bình dân hơn” so với tiếng Anh.


5. Các tổ chức “chính trị nhánh” được sự hỗ trợ của chính phủ

Như đã nêu ở trên, tính chính danh lãnh đạo của PAP dược xác định và thể hiện ở sự thành công về mặt kinh tế của Singapore. Tuy nhiên, để có được một vị trí thống lĩnh và chi phối chính trường một cách tuyệt đối, PAP, từ những ngày đầu tham gia chính trường Singapore, đã dựa vào những cơ sở chính trị nhánh (parapolitical institutions) để củng cố vị trí. Bằng cách áp dụng chính sách “huy động và tham gia có điều khiển” (controlled mobilization and participation), những cơ sở chính trị nhánh này vừa có mục đích hướng dẫn những nhân tài và thu dụng họ cho các lĩnh vực khác nhau của chính phủ. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò như một môi trường truyền thông kiến tạo một hệ thống thông tin giữa người dân và chính quyền. Một khi điều khiển được những kênh thông tin hiệu quả như vậy và ngăn không cho đối lập tiếp cận với các cơ sở chính trị nhánh này, PAP đã thành công trong việc góp phần cô lập các đảng đối lập.

Ba loại hình “cơ sở chính trị nhánh” chính là: Trung Tâm Cộng Đồng (Community Centre - CC), Trung Tâm Tư Vấn của Công Dân (Citizen’s Consultative Committees), và Ủy Ban Địa Phương (Town Council). Việc dựa vào các cở sở chính trị này để củng cố quyền lực bắt đầu nổi bật từ những năm đầu thập niên 1960s.

Trong những năm đầu thập niên 1960s, sau khi bị chia tách trong đảng PAP giữa hai phe: phe cộng sản (Barisan Sosialis) và phe Tây học thân phương Tây (PAP). Đứng giữa tình thế khó có thể củng cố được lực lượng trong một khoảng thời gian ngắn (khi mà khả năng tiếp cận các nghiệp đoàn và các cộng đồng người Hoa nằm trong tay các lãnh tụ theo cánh tả) để thực thi một vai trò quyết định trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, các lãnh đạo PAP đã dựa vào các CC để tuyên truyền và củng cố những ảnh hưởng tới những cơ sở ở các khu vực dân cư. Kinh nghiệm nhận được và sự thành công trong chiến lược này là một nguyên nhân để PAP thúc đẩy việc mở rộng một cách có kiểm soát các cơ sở “chính trị nhánh” tương tự sau này.[10]

5.1. Trung Tâm Cộng Đồng (Community Centres - CC)

Cho đến năm 1959, các CC vốn được thành lập từ dưới thời thuộc địa, đóng một vai trò bên lề trong xã hội Singapore và hoạt động giống như các trung tâm giải trí cộng đồng. Một số được quản lý độc lập bởi các ủy ban địa phương, trong khi một số khác bởi Bộ Phúc Lợi Xã Hội (Social Welfare Department). Tuy nhiên, ảnh hưởng của các CC từ từ vượt quá chức năng ban đầu khi hình thành dưới thời thuộc địa. Các trung tâm này dần đóng vai trò tích cực hơn liên quan đến các chính sách như nhà cửa, trợ cấp xã hội, hoặc các trung tâm cứu tế sau khi quân đội Nhật đầu hàng. Vị trí ảnh hưởng chính trị của hệ thống các trung tâm này từ từ nổi lên và được nhìn nhận từ trước khi xảy ra sự kiện đổ vỡ trong PAP. Các trung tâm này có một vai trò tích cực trong việc truyền bá các chủ trương, chính sách của nhà nước và hỗ trợ trong nỗ lực hình thành một quốc gia. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò trong việc củng cố quyền lực của PAP bằng cách tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của PAP xuống tới các khu vực dân cư nghèo khó.

5.2. Trung Tâm Tư Vấn của Công Dân (Citizen’s Consultative Committees - CCC)

Các CCC được thành lập vào năm 1965 và là một phần trong cơ chế nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng những lãnh đạo không chính thức (informal leader). Một cách riêng biệt, các tổ chức này còn được nhìn nhận như là một cơ chế nhằm tăng cường việc xử lý những bất đồng nhỏ, và được làm theo mô hình trước đây khi quân đội Nhật chiếm đóng Singapore. Trong thời kì Nhật chiếm đóng, các hội đồng làng (village council) đã được dựng lên để ổn định trật tự và làm nhiệm vụ thông tin cho quân đội Nhật các tổ chức chống đối cơ sở. Sự khẩn cấp hình thành một cơ chế xử lý như vậy bắt nguồn từ kinh nghiệm cuộc xung đột sắc tộc xảy ra vào năm 1964; trong cuộc xung đột đó, các lãnh đạo phải viện đến các lãnh đạo không chính thức ở địa phương để hòa giải. Các CCC vừa truyền đạt thông tin hai chiều: các nguyện vọng và đề đạt từ nhân dân đến chính quyền và các chính sách từ chính quyền ngược trở lại. Mỗi đơn vị bầu cử có một CCC và thành viên của CCC do Nghị sĩ khu vực đề cử.

5.3. Ủy Ban Địa Phương (Town Council -TC)

Mô hình các TC được đề xướng năm 1985 và được thí điểm lần đầu tiên vào năm 1986. Đây cũng là một nỗ lực của chính quyền trong việc duy trì cơ chế thông tin và ảnh hưởng tới các cơ sở địa phương. Mục tiêu ban đầu của các TC là tạo một cơ chế để các cư dân và các Nghị sĩ cùng nhau hợp tác nhằm quản lý các khu nhà chung cư (vốn hiện nay chiếm tới 90% nhà ở của người Singapore) và giữ gìn môi trường xung quanh. Sự thành công của các TC được đánh giá không chỉ ở khả năng quản lý các khu chung cư mà còn ở khả năng thúc đẩy sự hợp tác của người dân đóng góp những đề xuất trong việc quản lý. Các viên quản lý các khu TC thường là các vị lãnh đạo trong cộng đồng qua sự chọn lựa của các Nghị sĩ. Và chính vì vậy, khả năng của các Nghị sĩ được đánh giá một phần qua khả năng điều hành các khu TC và khả năng quản lý các quỹ được phân bổ về.


6. Tham nhũng ở Singapore

Theo Tổ chức Minh Bạch Thế Giới năm 2006,[11] Singapore xếp hạng thứ 5 trong bảng xếp hạng về đánh giá mức độ tham nhũng trên thế giới (Corruption Perception Index – CPI). Trong một đất nước mà do một đảng thống trị, chỉ số này còn phần nào phản ánh sự trong sạch của đảng lãnh đạo. Vụ án tham nhũng nổi bật nhất trong PAP xảy ra vào năm 1986. Bộ Trưởng Phát Triển Quốc Gia Teh Cheang Wan đã tự tử 12 ngày sau khi bị thẩm vấn trong vòng 16 giờ đồng hồ bởi hai nhân viên cục Điều Tra Hành Vi Tham Nhũng Singapore (Corrupt Practices Investigation Bureau - CPIB). Trong vụ này, Teh bị tố cáo bởi một nhà thầu xây dựng và bị buộc tội nhận khoản tiền lên đến một triệu đô la Singapore trong hai năm 1981 và 1982 từ hai nhà phát triển dự án để cho phép một trong hai người giữ lại phần đất vốn đã được thu lại bởi nhà nước, và giúp đỡ người kia trong việc mua lại phần đất của nhà nước để phát triển dự án cá nhân. Hệ quả của vụ án này là việc tu chỉnh lại luật tham nhũng vào năm 1989, theo đó cho phép sung công tài sản có đựợc liên quan đến tham nhũng. Dựa theo luật mới, trong khoảng thời gian sáu năm tình đến ngày người đã chết, bất cứ tài sản nào có được do liên quan đến hành vi tham nhũng thì sẽ được sung công quỹ. Những tài sản sung công quỹ bao gồm những khoản mà không chứng minh được thu nhập hợp pháp thỏa mãn những yêu cầu giải trình của tòa án.

Ngoài ra, việc chống tham nhũng còn đóng vai trò như một cương lĩnh hoạt động, và nhận được nhiều ủng hộ của cử tri, góp phần tạo dựng nên vị trí chính trị cho PAP từ những ngày đầu tham gia chính trường. Hành động quyết tâm chống tham nhũng đóng một vai trò quan trọng dẫn đến thắng lợi của PAP của Singapore vào năm 1959. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Ủy Ban Thành Phố (City Council) vào tháng 12 năm 1957 và trên cương lĩnh chống tham nhũng – vốn đã là một vấn đề nổi cộm có từ thời thuộc địa Anh – PAP khởi đầu chiến dịnh vận động tranh cử bằng cách tiết lộ Bộ Trưởng Giáo Dục của Mặt Trận Lao Động (Labour Front), Chew Swee Kee, đã nhận tiền hối lộ từ chính quyền Mỹ nhằm đánh bại PAP trong cuộc tổng tuyển cử. Thủ Tướng (Chief Minister), Lim Yew Hock, đã chỉ định một Ủy Ban Điều Tra, và Chew đã thừa nhận nhận tổng cộng bảy trăm ngàn đô la Singapore vào hai lần từ chính phủ Mỹ. Việc thừa nhận tham nhũng của Chew đã đánh dấu chấm hết cho số phận của đảng của ông, và PAP thắng cử lớn vào năm 1959.

Trong những năm đầu lãnh đạo, vì không có khả năng để nâng lương cho các nhân viên công vụ, để chống tham nhũng PAP đã bắt đầu xiết chặt các luật vốn đã có để làm giảm cơ hội tham nhũng, đồng thời tăng mức hình phạt các hành vi tham nhũng. Các luật về chống tham nhũng lần lượt được ra đời và tu chỉnh theo thời gian (1963, 1966, 1981, 1989). Bên cạnh đó, CPIB được thành lập và được trao một quyền hành lớn hơn, chịu trách nhiệm theo dõi, điều tra các hành vi liên quan đến tham nhũng của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào và sẵn sàng bắt giữ nếu thấy cần thiết. Được đặt trong phủ thủ tướng, nên mặc dù với một số lượng nhân viên không nhiều (71 nhân viên, số liệu năm 1994), CPIB thực hiện được vai trò của mình bằng cách kết hợp với các cơ quan khác. Những năm sau này, khi nền kinh tế khởi sắc và quốc gia có một ngân khoản dồi dào hơn, chính phủ nâng lương công chức từ từ, một phần nhằm thu hút nhân tài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chính quyền, một phần giảm thiểu tham vọng tìm cơ hội tham nhũng của các công chức nhà nước .[12]

Thành tích chống tham nhũng của Singapore có được trước hết là nhờ một ý chí chính trị mạnh mẽ và người cầm quyền đủ quyền lực và trong sạch để thực thi việc chống tham nhũng. Không thể nói đến chuyện chống tham nhũng khi mà chỉ có những “con cá nhỏ” bị đem ra xử trong khi những “con cá lớn” vẫn nhởn nhơ. Một cơ quan chống tham nhũng độc lập, không trực thuộc lực lượng cảnh sát (vốn thường rất tham nhũng), và có đủ quyền lực để thực thi những biện pháp dựa trên một bộ luật hợp lý mang tính răn đe là một điều kiện cần cho việc chống tham nhũng thành công. Một mức lương hấp dẫn để cho viên chức có thể sống được bằng cách tinh giản bớt bộ máy sẽ giúp cho giới công chức hạn chế được ý muốn tham nhũng bằng mọi cách. Việc tinh giản bộ máy nằm trong cơ chế tinh giản các thủ tục cũng sẽ đóng vai trò giảm bớt các cơ hội để tham nhũng. Và cuối cùng, nhờ vào điều kiện đặc thù của một đảo quốc nhỏ, Singapore dễ dàng quản lý và thực hiện các luật hơn. Trong khi cục chống tham nhũng của Hồng Kông có một cơ quan tuyên truyền và đưa ra các bản báo cáo thu chi tài chính hàng năm, thì CPIB của Singapore đã giữ một khoảng cách với dân chúng và có tính bí mật. Các chính sách của Singapore tập trung vào việc giảm cơ hội để tham nhũng và động lực để tham nhũng, thì Hong Kong chỉ tập trung vào việc giảm bớt cơ hội để tham nhũng.


7. Tạm kết luận

Sự hiện diện của các viên chức nước ngoài trong một chế độ thuộc địa dù với bất kì một khẩu hiệu nào (kể cả khai sáng) ở vào thời điểm cuối của phong trào thuộc địa đã trở thành một hình ảnh không mấy thiện cảm đối với người dân địa phương. Đây cũng là thời điểm mà phong trào đòi độc lập của các nước thuộc địa dâng lên cao và lan tỏa. Nếu hiểu rằng chính trị là nghệ thuật dẫn dụ lòng người, thì việc thõa mãn những tâm tư, nguyện vọng thầm kín nhất của quần chúng là bước ban đầu. Không gì hay hơn trong thời điểm này là trương lên một khẩu hiệu xây dựng một đất nước độc lập tự chủ, dân chủ và một tương lai tươi sáng hơn cho những con người trên đất nước ấy. PAP đã dựa trên một quan điểm như vậy để tranh thủ một vị trí quyền lực lâu dài cho mình.

Ở đây, một ý thức hệ rõ ràng chỉ được hình thành sau khi giới lãnh đạo nắm giữ được chính quyền. Và do đó, ý thức hệ chỉ đóng vai trò là một phương cớ nhằm thực hiện một trật tự xã hội mới, trong đó một đồng thuận xã hội mới được hình thành và dẫn dắt bởi các ý tưởng của giới lãnh đạo. Như trên đã đề cập, một cuộc cách mạng xã hội được xem là thành công và có ý nghĩa, trước hết, chỉ khi theo sau nó phải là một sự phát triển kinh tế trên bình diện quốc gia và sự nâng cao đời sống vật chất trên từng cá thể. Và khi mà đa số người dân không có nhiều thì giờ để tìm hiểu một cách tường tận một hệ thống ý thức hệ - vốn dĩ đã quá hàn lâm và thường được biết đến chủ yếu bởi một vài điểm nhấn – , thì sự nhìn nhận một ý thức hệ được gắn liền với sự thành công về mặt kinh tế là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với một đảng cầm quyền trước hết là có hay không một giải pháp kinh tế phát triển quốc gia. Điều này được nhìn thấy rõ hơn khi các chế độ chính trị sau một thời gian dài ổn định đã sụp đổ khi mất khả năng kiểm soát hay phát triển nền kinh tế.

Và cuối cùng, sự ủng hộ của các đảng chính trị đến từ người dân. Việc tạo ra một cơ chế nhằm phát hiện, tuyển dụng, và đào tạo những lãnh đạo tự nhiên và tài năng xuất thân từ những cơ sở quần chúng sẽ giúp cho các đảng chính trị củng cố được quyền lực nền tảng. Bên cạnh đó, một cơ chế như vậy cũng sẽ đóng vai trò như một kênh truyền thông hai chiều nhằm thông tin các chủ trương, chính sách của đảng chính trị đến người dân và thu nhận những góp ý từ phía ngược lại. Phương pháp này đã chứng minh sự hiệu quả trong việc giảm ảnh hưởng và quyền lực của đối lập bằng cách không cho đối lập tiếp xúc với những cơ chế như vậy.

Sự thành công về kinh tế của Singapore trong suốt hơn 40 năm đã là một đề tài thường xuyên được nhắc đến và trích dẫn như một mô hình tham khảo về phát triển kinh tế đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là tại các nước mà mô hình độc đảng vẫn đang còn thống trị. Nó được đư ra như là một biện cứ nhằm bảo vệ cho lập luận rằng mô hình độc đảng vẫn có thể đưa đất nước đi lên về mặt kinh tế. Sẽ là một thiếu sót khi nhìn về sự phát triển của một đất nước thông qua duy nhất chỉ những con số về kinh tế và mức sống của người dân. Sự phát triển trên bình diện quốc gia còn nằm ở những thang giá trị về văn hóa và tinh thần – những giá trị mà khó có thể được cân đo bằng những con số, mà bằng chính sự cảm nhận thông qua trao đổi hay tiếp xúc, và những phát kiến mang tính sáng tạo. Những giá trị này đóng vai trò nòng cốt, nền tảng cho những hành động dẫn đến những đột phá trong kinh tế hay kĩ thuật, đặt biệt trong thời đại kinh tế tri thức, dựa vào khả năng tư duy độc lập và sáng tạo ngày nay. Ngoài ra, nó còn giúp kiến tạo nên một văn hóa đặc thù và giúp duy trì bẳn sắc văn hóa của một dân tộc.

Trở lại trường hợp Singapore, việc dễ nhận thấy nhất thông qua tiếp xúcvới tầng lớp thanh niên đó là: mối quan tâm duy nhất của họ là kinh tế - có một mảnh bằng tốt, một công việc tốt và một cuộc sống sung túc về vật chất để thụ hưởng. Mọi vấn đề khác đã có chính phủ lo. Sự thờ ơ của tầng lớp có học thức này đối với đất nước đã được chính ông Lý Quang Diệu lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, làm sao trách được họ khi mà PAP độc quyền đưa ra những chính sách và quan điểm; và giới trẻ có một cảm nhận họ đứng bên lề các tranh luận chính trị - một hệ quả của sự đàn áp các ý kiến chỉ trích những chính sách hay hành động của chính phủ và các thành viên vốn đã từng xảy ra trước đây. Các đề tài hay ý kiến mang tính chỉ trích hay phê phán chính phủ đã được hiểu là nhạy cảm.

Một ví dụ khác đó là việc thiếu hẳn một văn hóa nghiên cứu và tinh thần khoa học ở các trường đại học lớn ở Singapore. Một môi trường văn hóa nghiên cứu (thường xuất hiện ở các trường đại học danh tiếng, nơi đào tạo ra các vị lãnh đạo của quốc gia) thường là nơi diễn ra những cuộc tranh luận về bất cứ những phát kiến hay ý tưởng mới mà hầu như không có đề tài cấm kỵ nào. Môi trường này là nơi để các trí thức trẻ trao đổi và trau dồi tư duy, tư tưởng. Việc thiếu một môi trường như thế khiến những trí thức trẻ của Singapore tốt nghiệp đại học trở thành những người “thợ cao casp của nền công nghiệp hóa” hơn là những trí thức có tư duy độc lập và phản biện, cũng như có mối quan tâm nhiều hơn về đất nước – lực lượng nòng cốt để đóng vai trò những lãnh đạo tương lai của đất nước.

Để lập khoảng trống này, những sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đã được tuyển lựa để đưa đi đào tạo tại chủ yếu là Anh và Hoa Kỳ. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những người lãnh đạo tương lai của Singapore. Và một hệ quả khác bắt đầu: quá trình Tây hóa không cưỡng được bắt đầu từ chính những người lãnh đạo Tây học.

Một câu hỏi được đặt ra đó là Singapore có thể làm mô hình (một đảng để phát triển đất nước) tại những quốc gia đang phát triển có diện tích và dân số lớn hơn gấp nhiều lần, và với một sự khác biệt về văn hóa, tư tưởng lớn. Một sự so sánh như thế khá khập khiểng và thường xảy ra nhiều tranh luận. Nhưng một vấn đề dễ nhận thấy đối với Singapore đó là sự can thiệp quá sâu và mọi sinh hoạt của đời sống người dân (theo cách này hay cách khác) và tầng lớp trí thức trẻ nằm ngoài PAP dường như không có ý kiến nào đối với hướng đi của đất nước. Một cảm giác giống như một “công dân nước ngoài”!



Nguyễn Huy Vũ & Nguyễn Minh Thọ


Bài đã đăng trên Tạp chí Thời Đại Mới, số 14  - Tháng 7/2008, ở đây:

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai14/200814_NHVu_NMTho.htm

=======

Chú thích


[1] PAP, viết tắt của People Action Party, đảng Nhân Dân Hành Động, nắm quyền ở Singapore từ khi nước này được thành lập cho đến nay.

[2] Lý thuyết của Gramsci phát triển nhằm vạch ra các quá trình để xây dựng một vị trí lãnh đạo về tinh thần (moral leadership) thông qua quyền lãnh đạo ý thức hệ. Xem Antonio Gramsci, 1971, “Selections from the Prison Notebooks” Lawrence and Wishart. New York, trang 181-182.

[3] Beng Huat Chua, 1995, “Communitarian Ideology and Democracy in Singapore” , London: Routledge, trang 13.

[4] Beng Huat Chua (1995), trang 16-17.

[5] Beng Huat Chua (1995), trang 48-50.

[6] Beng Huat Chua (1995), trang 64.

[7] Beng Huat Chua (1995), trang 69-70

[8] Beng Huat Chua (1995), trang 75.

[9] Vài điều về vấn đề ý thức hệ: Thứ nhất, một ý thức hệ chính trị là một hệ thống khái niệm phức hợp, được tổ chức một cách lỏng lẻo, và nòng cốt bởi một vài khái niệm chính mà những người cầm quyền viện dẫn nó như là những giải pháp cho những vấn đề trong hệ thống chính trị. Việc phân tích các tác động của những khái niệm ý thức hệ phải tập trung vào tính hợp lý tùy theo hoàn cảnh lịch sử, thay vì các cấu trúc hệ thống của chúng. Chính vì thế mà khoảng cách giữa yêu cầu cho tính hệ thống và yêu cầu khi tập trung vào tính hợp lý theo hoàn cảnh lịch sử có thể bị khai thác như là một cơ sở cho những chỉ trích mang tính ý thức hệ.

Thứ hai, sự đồng thuận (hay quyền lãnh đạo) về ý thức hệ cho phép hệ thống những ý tưởng của nhóm cầm quyền được chấp thuận một cách khá lỏng lẻo, được dần dần truyền bá bởi những giai cấp bị trị và được xem như là “điều thực tế hiển nhiên trong đời sống hằng ngày”. Trong những điều kiện như vậy, “chính sách hóa” xã hội (do sự đồng thuận không bao giờ là tuyệt đối) được sử dụng như là bước cần thiết để duy trì lợi ích chung của xã hội theo yêu cầu của số đông. Trong đó, giới cầm quyền và giới bị trị là hai thực thể chính trị cùng chia sẻ những khái niệm ý thức hệ và cùng đóng góp xây dựng một trật tự xã hội vốn do giới cầm quyền đề xướng. Do đó, các thành viên của đảng cầm quyền không thể hiện diện như những kẻ cai trị mà thay vào đó là những lãnh đạo của nhân dân (,làm gương cho nhân dân). Ngược lại, khi không có sự đồng thuận về ý thức hệ, sự cưỡng bách hay dùng vũ lực là điều cần thiết để dập tắt những nhóm chống đối. Trong những trường hợp như vây, việc thể hiện quyền lực đóng vai trò chi phối. Điều này thường có nguy cơ dẫn đến sự khủng hoảng về tính chính danh của đảng cầm quyền. Do đó, các đảng cầm quyền luôn cố gắng cầm quyền bằng khả năng lãnh đạo (leadership) thay vì khả năng dùng vũ lực (naked force); và họ thường cố gắng dùng một nguồn lực đáng kể nhằm duy trì một điều kiện đồng thuận về chính trị.

Thứ ba, bởi vì những điều không tương đồng mang tính hệ thống giữa những khái niệm và sự hợp lý của những khái niệm này tùy vào điều kiện lịch sử, những khái niệm liên quan thường được viện dẫn để đưa ra những lối giải thích có tính thuyết phục hơn tới giai cấp mà nhóm cầm quyền muốn nhắm tới. Điều này đôi khi cũng tạo ra kẻ hở cho những chỉ trích. Tuy nhiên, dưới những điều kiện đồng thuận như vậy, các chỉ trích (thường có) không ảnh hưởng gì mấy đến tính “hợp pháp” của lối giải thích xuất phát từ những người cầm quyền, vốn đã nhận được sự ủng hộ mạng mẽ của một lực lượng trung thành đông đảo.

Cuối cùng, vì sự đồng thuận ý thức hệ chính trị là một sự kiện có tính chung chung được phân tán trong toàn chính thể, nó không thể đạt được một cách giới hạn vào một lãnh vực đời sống cụ thể nào. Và do đó, đối với đa số quần chúng, vốn không có nhiều thời gian và kiên nhẫn để cố hiểu hết ý nghĩa của những khái niệm này, sự thăng tiến về các điều kiện sống và các thành tựu thấy được trên bình diện quốc gia và cá nhân là những câu trả lời của họ đối với một ý thức hệ.

Bắt đầu là các dự án xây nhà, bán giá rẻ và trả góp cho người dân, chăm lo, nâng cao giáo dục, y tế, rồi nâng cao mức sống người dân, đến tạo một vị thế cho Singapore trên diễn đàn thế giới. Các chính sách liên tục thành công đã mặc nhiên tạo được một đồng thuận trong dân chúng về tính chính đáng của PAP trong lãnh đạo và ý thức hệ của nó.

[10] Michael Hill và Lian Kwen Fee, 1995, “The politics of national bulding and citizenship in Singapore”, London: Routledge, trang 170-187.

[11] Corruption Perception Index. Nguồn: http://www.transparency.org/regional_pages/asia_pacific/resources/surveys_and_indices#cpi

[12] Jon S. T. Quah, 1995, “Controlling corruption in city-states: A Comparative Study of HongKong and Singapore”, Crime, Law & Social Change, Kluwer Academic Publishers.

Mức lương của các viên chức cao cấp trong chinh quyền Singapore hiện nay thuộc hàng cao. Trong lần điều chỉnh lương vào năm 1989, lương hàng tháng của nhân viên hạng năm (Staff Grade V) là S$42,000 (US$26,103). Tuy vậy, mức lương này vẫn được cho là còn khiêm tốn so với các lãnh đạo cao cấp trong các khu vực tư nhân.


Tham khảo chính

Beng Huat Chua, 1995, “Communitarian Ideology and Democracy in Singapore”, London: Routledge.

Beng Huat Chua, 2004, “Communitarian Politics in Asia”, London: Routledge.

Gentile, Gentile, 2006, “Politics as Religion”, Princeton University Press, 2006

Gramsci, Antonio “Selections from the Prison Notebooks” Lawrence and Wishart. New York, 1971

Jorge Larrain,“The Concept of Ideology”, The University of Georgia Press, 1979

Jorge Larrain, “Marxism and Ideology”, The Macmillan Press Ltd,1983

John Clammer, “Singapore Ideology, Society, Culture”, Chopmen Publishers, 1985

István Bessenyei, Jean-Pier Cotton, Wieland, et al. “Rethinking Ideology: A Marxist Debate” International General/IMMRC, 1983.

Lucio Colletti “From Rousseau to Lenin – Studies in Ideology and Society”, Monthly Review Press, 1972

Michael Hill và Lian Kwen Fee “The politics of national bulding and citizenship in Singapore”

Robert Porter, “Ideology – Contemporary, Social, Political and Cultural Theory”, University of Wales Press, 2006

Sassoon Anne Showstack “Gramsci’s Politics”, Croom Helm, London 1980

“Maker of Modern Social Science – Karl Marx” edited by Tom Bottomore, Prentice –Hall, Inc, 1973.

“Singapore”, Wikipedia. Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Singapore

“Communism Ideology”, Wikipedia. Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Communism_Ideology

Waxman, Chaim I., 1968, “The End of Ideology Debate”, Funk & Wagnalls, A Division of Reader’s Digest Books, Inc.