24.3.17

Xuống đường: Nhân sự, Mục tiêu, Phương thức

Khi nhìn những cuộc xuống đường đông hàng chục, và có ước tính lên tới hàng trăm, ngàn người xuống đường, chiếm các khu vực trung tâm ở các thành phố và thủ đô các nước Bắc Phi gây áp lực khiến những nhà độc tài ở Tunisia và Ai Cập ra đi, nhiều người Việt cũng nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó những người Việt cũng xuống đường để tạo áp lực khiến những lãnh đạo cộng sản ra đi nhường đường cho sự thành hình của một chế độ dân chủ. Vì ước muốn như vậy mà nhiều người đã kêu gọi liên tục xuống đường để hi vọng nhiều người dân thức tỉnh nhằm thay đổi vận mệnh đất nước cũng như vận mệnh của mình. Để rồi cuối cùng các cuộc xuống đường, dù có tiến bộ và nhận thức của người dân có tăng lên, vẫn còn đó một sự khiêm tốn.

                             


Có một câu hỏi lớn hơn rằng làm sao để nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh của người dân và động viên họ xuống đường vì những quyền lợi của chính mình?


Bởi chỉ có kêu gọi người dân xuống đường không thôi thì chưa đủ. Điều này không có nghĩa là người viết phản đối xuống đường hay bảo chỉ khi nào đủ điều kiện mới xuống đường, mà là làm thế nào để cuộc xuống đường trở nên hiệu quả hơn. Còn việc người dân, dù với số lượng bao nhiêu, phản kháng lại những bất công xã hội đang đe dọa mình thì chúng ta càng cần phải động viên họ mở miệng và đứng bên họ.


NHÂN SỰ HƯỚNG DẪN


Bất cứ một hoạt động nào, từ kinh tế cho đến chính trị, cũng cần ở đó một sự tổ chức và một kế hoạch. Một cuộc vận động xuống đường càng cần hai điều này. Ở các nước Ai Cập và Tunisia, tổ chức vận động là sự kết hợp của một số các tổ chức chính trị đối lập.


Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, khi chưa có một tổ chức đối lập nào nghiêm túc và có thực lực, cuộc vận động ít nhất cũng nên được hướng dẫn và động viên bởi một nhóm người có lòng muốn dân chủ hóa đất nước. Chúng ta cần những cây bút để viết bài động viên nhân dân, những người cổ động viên, những blogger/facebooker có nhiều người theo dõi để truyền tải thông tin, những người có uy tín xã hội để gia tăng tính chính danh và hợp pháp của phong trào, và cả những người bình dân nhất để đại diện cho tất cả những thành phần của xã hội.


Sự quan trọng của nhân sự hướng dẫn nó không chỉ là điểm tựa, là phát ngôn, và là những người định hướng của phong trào, mà nó còn ở đó là uy tín và sự nể phục của giới cầm quyền, để trong những trường hợp khi mà sự đối đầu giữa những người xuống đường và chính quyền diễn ra, một cuộc đối thoại có thể xuất hiện giữa những người hướng dẫn, đại diện cho phong trào dân chủ, và bên kia là phía những đại diện của chính quyền nhằm tiến tới một hội nghị bàn tròn đưa đất nước sang trang dân chủ.


Trong thời đại khi mà mạng xã hội Facebook được dùng phổ biến và phương tiện tương tác trở nên dễ dàng hơn, thì việc liên lạc và truyền tải thông tin không còn là một việc khó. Việc trở ngại còn lại duy nhất có lẽ là những người hoạt động vì sự tiến bộ của xã hội nên nhìn lại, bỏ cái tôi cá nhân sang một bên, và làm quen kết nối với những người mới để trao đổi bước kế tiếp của phong trào.


MỤC TIÊU


Bất cứ một phong trào nào cũng cần những mục tiêu. Đó là mục tiêu lâu dài mà phong trào hướng tới, và từng mục tiêu ngắn hạn mà một chiến thuật cần đạt được.


Nó giống như bạn dẫn dắt một đám người lên đỉnh núi -- mục tiêu cuối cùng của cuộc hành trình. Chuyến đi là một hành trình dài, vượt qua nhiều đèo dốc, và ở mỗi chặng bạn bắt buộc phải có những chiến thuật riêng biệt để vượt qua nó. Vượt qua mỗi chặng là một thành công của chiến thuật. Để có một chiến lược thành công đến được đỉnh núi bạn phải chọn những chiến thuật ngắn hạn để đạt những mục tiêu nhỏ.


Vậy đâu là mục tiêu lớn nhất cần đạt được về lâu về dài? Có ba điều. Một là đòi các quyền tự do, trong đó có tự do bầu cử và ứng cử. Chỉ có tự do, mà một thể hiện của nó là dân chủ, khi mà người dân được tự do chọn lựa hệ thống chính trị, tự do ứng cử và bầu cử thì chúng ta mới hi vọng có thể có một chính phủ sáng suốt nhằm dẫn dắt dân tộc ra khỏi những bế tắc hiện nay.


Cũng chỉ cần một cuộc bầu cử tự do diễn ra thì Đảng Cộng sản tự thân nó sẽ tan vỡ, bởi vì những đảng viên nghiêm túc và sáng suốt nếu còn muốn tiếp tục dấn thân vào hoạt động chính trị tất phải lập một đảng mới để gầy dựng uy tín mới mong nhận được lá phiếu của người dân. Đảng Cộng sản với những đảng viên còn lại lúc đó sẽ chỉ là một đảng chính trị mất uy tín và thiếu khả năng. Vì lý do đó mà ở các nước cộng sản sau khi dân chủ hóa, các đảng cộng sản nhanh chóng lụi tàn.


Mục tiêu thứ hai chúng ta cần đạt được là một văn hóa minh bạch. Một cuộc bầu cử chỉ có thể có công bằng và tự do nếu nó diễn ra một cách minh bạch. Các chính sách của chính phủ, các việc bổ nhiệm, các thất thoát nhũng lạm chỉ có thể giảm đi nếu người dân luôn luôn nhắc nhở nhau rằng các hoạt động của chính phủ phải minh bạch. Có như vậy thì người tài mới được đề bạt, ngân sách và nguồn lực của nhân dân mới được dùng một cách hợp lý để từ đó làm giàu cho quê hương.


Mục tiêu thứ ba là hình thành một văn hóa tôn trọng, giữ gìn môi trường sống cũng như các văn hóa nhân bản khác. Một đất nước nơi môi trường bị tàn phá tan hoang, biển không thể tắm, không khí không thể thở, thức ăn và nước uống đâu đâu cũng bị nhiễm độc thì không còn gì là sự sống nữa. Một đất nước cũng không thể gọi là văn minh và mọi người không thể chung sống một cách hài hòa và an lành được nếu các văn hóa nhân bản và tôn trọng không được cổ xúy và lan tỏa.


Đó là những mục tiêu dài hạn hướng đến một xã hội dân chủ, tiến bộ, bao dung và đáng sống hơn.


Tuy vậy, để đạt đến những mục tiêu dài hạn đó, chúng ta cần vượt qua những chướng ngại nhỏ hơn, dọc con đường đi đến đích, và hãy gọi đó là những mục tiêu ngắn hạn.


Đâu là những mục tiêu ngắn hạn? Những mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu mà việc thực hiện nó có thể giúp phong trào tiến một bước gần hơn đến các mục tiêu lớn kể trên.


Muốn thắng kẻ thù bạn cần thực hiện hai cách: làm cho mình mạnh lên và đồng thời làm cho đối phương yếu đi.


Một phong trào mạnh lên khi được nhiều người biết đến hơn, tăng tính chính danh và hợp pháp của phong trào, đồng thời có thêm nhiều người ủng hộ đủ các tầng lớp.


Muốn làm chính quyền độc tài yếu đi thì bạn cần giải thích cho nhân dân thấy rằng chính quyền này không phải do dân bầu, không là một đại diện hợp pháp của nhân dân, và họ thực hiện các chính sách không vì nhân dân. Một cách ngắn gọn, họ là một chính quyền «không của dân, không do dân, và không vì dân». Và việc tham gia vào chính quyền độc tài để tiếp tục duy trì chế độ, hoặc bao biện để họ tiếp tục cầm quyền và đàn áp người dân là một sự hổ nhục. Song song đó, chúng ta cũng cần khuyến khích những người bên trong chế độ đứng về phía nhân dân hoặc ít nhất, trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, không tuân lệnh để đàn áp nhân dân.


Với những người e ngại với các từ thay đổi chế độ hay dân chủ, họ cần được giải thích rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam là một thành viên, được thông qua vào ngày 10/12/1948 tuyên bố rằng tất cả người dân ở các nước được quyền chọn lựa cho mình một trật tự xã hội hay thể chế chính trị nhằm bảo đảm các quyền của mình, trong đó có quyền bầu cử tự do để chọn ra lãnh đạo, quyền được ứng cử để tham gia vào chính quyền, và họ cũng có quyền liên kết với nhau một cách hòa bình để bảo đảm các quyền này. Vì lý do đó mà việc kết hợp nhau một cách hòa bình đòi quyền thay đổi sang một chế độ dân chủ, đòi quyền bầu cử, ứng cử tự do là những quyền mà nhà nước Việt Nam đã chấp thuận và do đó là hợp pháp.


PHƯƠNG THỨC


Ở trên, chúng ta đã trao đổi với nhau rằng những mục tiêu ngắn hạn là làm sao xây dựng được số người ý thức về dân chủ và dấn thân vì sự tiến bộ xã hội tăng lên, cũng như làm cho tính chính danh của nhà cầm quyền yếu đi và sự đàn áp của họ giảm xuống.


Câu chuyện còn lại là chọn những chiến thuật nào phù hợp để thực hiện những mục tiêu này.


Các kinh nghiệm về chiến thuật được liệt kê một cách phong phú ở trang New Tactics in Human Rights phần Tools for Actions (Các Công cụ để Hành động) để các bạn tham khảo:


https://www.newtactics.org/resources


Có một câu hỏi rằng làm sao để có thể thực hiện được những cuộc biểu tình ôn hòa nhất, tăng cường ý thức người dân, kéo nhiều người tham gia, và tránh các cuộc bắt bớ đàn áp hay vu cho tội gây rối trật tự công cộng? Nhiều nước, nơi mà sự đàn áp khốc liệt không thua kém Việt Nam, cho rất nhiều ví dụ.


Ở Thổ Nhĩ Kỳ, để phản đối sự tham nhũng của chính quyền, những nhà vận động đã thuyết phục người dân tắt điện một phút mỗi tối, người dân sau đó hàng triệu người đã tham gia tắt mở đèn mỗi tối.


Một chiến thuật tương tự cũng được người dân Zambia thực hiện để phản đối quyết định của tổng thống đòi thay đổi hiến pháp nhằm tiếp tục duy trì quyền lực bằng cách bóp còi xe hơi vào một giờ cố định vào ngày thứ Sáu hàng tuần.


Ở Chile, người dân phản đối nhà độc tài Pinochet cũng bằng cách bóp còi xe, đập nồi chảo trong nhà, hoặc diễu hành trên đường phố.


Ở Estonia, thập niên 1980, để chống lại sự đàn áp của chính quyền Xô Viết, những người chống đối đã rủ bạn bè ra đứng hát ở nơi công cộng những bài hát thể hiện truyền thống Estonia.


Điểm chung của tất cả các chiến thuật này là để tạo ra một sự chú ý rộng rãi đến với một cộng đồng vốn từ lâu cảm thấy bị sợ hãi và cô lập. Và bằng cách thực hiện các chiến dịch an toàn như vậy, những người tổ chức giúp xua tan đi nỗi sợ.


Tất cả những kinh nghiệm kể trên đều có thể thực hiện ở Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Ví dụ như vào mỗi sáng Chủ Nhật lúc 8h-9h thay vì đi biểu tình thì những nhóm bạn có thể lái xe và bấm còi theo hai điệp khúc: For-mo-sa (bấm ba lần) và Bầu-Cử-Tự-Do (bấm bốn lần). Đoàn xe có thể chạy quanh thành phố và bấm còi. Không ai có thể bắt bạn vì bất cứ quyền gì.


Bạn cũng có thể xuống đường ở các công viên và cùng nhau hát các bài hát tiền chiến đang bị cấm. Hát những bài hát về tình yêu quê hương.


Bạn cũng có thể cùng nhau lan tỏa thông điệp về Formosa và bầu cử tự do bằng cách tắt mở đèn mỗi đêm chừng 1 phút, chia sẻ những người xung quanh về thông điệp và động viên họ làm theo.


Đây là những chiến thuật an toàn nhất, mục tiêu của nó là nhằm lan tỏa ý thức công dân. Và khi mà những công dân trở nên có ý thức thì việc xuống đường để đòi những quyền của mình, trong đó có quyền được sống trong một môi trường an toàn, xanh sạch, và quyền được lựa chọn hệ thống chính trị của mình, quyền bầu cử và ứng cử tự do, chỉ còn là chuyện sớm muộn.


Nguyễn Huy Vũ
19.3.2017