17.3.17

Khi dân tộc đang bị dẫn đưa vào tuyệt lộ

Việt Nam đang đứng trong một hoàn cảnh hiểm nghèo. Sự hiểm nghèo đó không chỉ dừng lại ở một nền kinh tế mất phương hướng, khủng hoảng trầm trọng, mà sự hiểm nghèo còn ở chỗ nó thiếu vắng những người lãnh đạo với viễn kiến có khả năng dẫn dắt dân tộc này ra khỏi vũng lầy, nhất là khi đang đối diện với mối đe dọa về một sự phụ thuộc và thống trị cả về các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, và quốc phòng từ người láng giềng phương Bắc mà nếu giới ưu tú Việt Nam không kịp nhận ra và có hành động dứt khoát, Việt Nam có thể sẽ biến thành một chư hầu, nếu không nói là mất nước, trong những ngày sắp tới. 




BA MỤC TIÊU CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trước hết, hãy nói về những chính sách dẫn dắt đất nước sang một nền kinh tế với sự phát triển bền vững. Ba cột trụ về mặt chính sách đóng góp vào sự phát triển bền vững của một quốc gia nằm ở: (i) một nền kinh tế thịnh vượng, mang lại những việc làm tốt; (ii) một sự bình đẳng về mặt xã hội; và (iii) một sự bền vững về mặt môi trường.

Nhìn lại đất nước, những chính sách của chính phủ đưa ra từ trong quá khứ, ít nhất là từ ngày Đảng Cộng sản nắm quyền đất nước ở miền Bắc, và sau đó sau khi nắm quyền toàn bộ Việt Nam từ 1975, cho đến nay hoàn toàn đi xa khỏi những mục tiêu này.

Thứ nhất, một quốc gia sẽ không thể nào có được một sự thịnh vượng khi mà những công dân trung bình của một đất nước không thể có được một việc làm tươm tất đặng nuôi sống bản thân và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, sự bất bình đẳng xã hội đến từ nhiều nguyên nhân, và là một điều dễ nhận thấy ở bất cứ xã hội tự do nào, bởi vì đơn giản rằng năng lực của các cá nhân khác nhau là khác nhau và một nền kinh tế thúc đẩy sự phát triển các năng lực cá nhân nên tưởng thưởng cho những người có năng lực cao hơn. Tuy vậy, khi mà sự bất bình đẳng, đặc biệt là sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản trở nên quá chênh lệch thì ở đó tiềm tàng sự bất ổn xã hội, và trong nhiều trường hợp, làm méo mó đi sự phát triển mà quốc gia đó xứng đáng có khi sự phát triển và tái đầu tư của một quốc gia không được chia đều, hoặc chia một cách tương đối công bằng, cho tất cả những công dân của nó, mà chỉ một nhóm nhỏ người tranh phần gần hết chiếc bánh phát triển chỉ để lại những mảnh vụn cho một đa số bần hàn.

Những ai tỏ ý nghi ngờ về ảnh hưởng của bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản có lẽ cần nhìn lại lịch sử. Chẳng phải rằng nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản, và một phiên bản của nó là chủ nghĩa xã hội, bắt nguồn từ sự xung đột xã hội của một giai cấp công nhân nơi mà tài sản và thu nhập gần như là con số không đứng bên cạnh một tầng lớp tư sản giàu có kếch xù đấy sao? Chẳng phải rằng vì đói nghèo, bất lực và vô vọng với tương lai mà những bần cố nông đã bị mê hoặc theo chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản để tắm máu những địa chủ và san bằng giới tư sản ở Việt Nam hay sao?

Những bài học lịch sử vẫn còn đó, và không có gì bảo đảm rằng nếu giới tư bản đỏ hiện nay ở Việt Nam tiếp tục làm giàu nhờ tham nhũng chính sách thì sự giận dữ của giới cần lao không tiến hành một cuộc «cải cách tư sản» trong cuộc cách mạng kế tiếp? Đó sẽ là một tai họa cho nhân tộc, nhưng làm sao tránh được nếu những người cầm quyền và những tay tư bản đỏ không dừng lại sự cấu kết để chia chác đất nước mình?

Ở một mức độ thấp hơn, sự bất bình đẳng quá lớn về tài sản và thu nhập sẽ đến lược nó dẫn đến các bất bình đẳng khác như cơ hội giáo dục, việc làm khi con của giới nhà giàu được hưởng những điều kiện giáo dục hơn hẳn những người còn lại. Thậm chí dẫn đến sự bất bình đẳng trước luật pháp khi giới có tiền dễ dàng đút lót để bẻ cong luật pháp, hoặc đút lót để nhận những chức quyền nhằm đem lại thêm nhiều lợi ích kinh tế của mình.

Cần nói lại cho rõ rằng sự bất bình đẳng là một sản phẩm của thị trường tự do khi những cá nhân khác nhau được hưởng những thành quả khác nhau và tài sản được tôn trọng và bảo vệ. Sự bất bình đẳng về một khía cạnh nào đó cũng kích thích nỗ lực vươn lên chính đáng của các cá nhân. Chẳng phải rằng sự thành đạt cá nhân là một động lực để những cá nhân nỗ lực vươn lên chứng tỏ mình, đóng góp, và được ghi nhận vào xã hội? Chủ nghĩa cá nhân nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc và tưởng thưởng cho họ là một chủ nghĩa tích cực.

Tuy vậy, khi mà sự bất bình đẳng, đặc biệt về tài sản, thu nhập và cơ hội, không đến từ khả năng đóng góp của cá nhân mà nó đến từ sự lợi dụng hay tham nhũng những chính sách nhà nước, và chính quyền không có khả năng ngăn chặn nó thì cuối cùng sẽ chỉ làm gia tăng bất ổn xã hội.

Sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập không những tạo ra những bất ổn về xã hội mà nó còn có ở đó một sự tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Khi một tầng lớp đại đa số dân có một mức thu nhập nghèo khổ, đứng bên cạnh một nhóm rất nhỏ nắm hầu hết tài sản quốc gia thì mức cầu của nền kinh tế hầu như biến mất. Những sản phẩm trung bình của nền kinh tế bán ra không tiêu thụ được, trong khi đó giới nhà giàu chỉ chuộng những mặt hàng xa xỉ nhập khẩu. Hậu quả là khi mà mức cầu của nội địa không có thì sự phát triển của doanh nghiệp cũng không tăng trưởng. Sự nhập khẩu mạnh mẽ hàng xa xỉ phẩm của giới nhà giàu đến lược nó chỉ tăng mức nhập siêu của một quốc gia.



Thứ ba, một quốc gia tăng trưởng nhưng đi kèm ở đó sự tàn phá môi trường thì sự phát triển đó về lâu dài trở nên thành một điều vô nghĩa khi những công dân của mình sau đó phải chịu đựng những thảm họa do chính mình gây ra. Với Việt Nam, một quốc gia biển, không có điều gì có thể ô nhục và thảm bại hơn khi đánh đổi những chính sách phát triển vĩ cuồng để rước lấy một bờ biển chết, hải sản không ăn được vì nhiễm độc, và không khí ở các thành phố không thể thở.

Nhưng sự ô nhiễm môi trường còn có nhiều tác động kinh tế và xã hội khác. Trước hết, khi mà đất nước ngày càng ô nhiễm thì giới ưu tú của xã hội, bao gồm những người có học thức và giới doanh gia thành đạt, sẽ tìm cách bỏ đất nước ra đi. Đó không chỉ là một sự chảy máu về chất xám, nguồn gen ưu tú của đất nước, mà nó còn khiến cho nền tri thức và chuyển giao kinh nghiệm của đất nước đột ngột biến mất.

Ở khía cạnh kinh tế, khi giới ưu tú bỏ đi, kéo theo sự biến mất của những doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong số này là những doanh nghiệp trung gian, và sự biến mất của những doanh nghiệp trung gian, kéo theo đó có thể là sự sụp đổ của cả một mạng doanh nghiệp lĩnh vực đó.

Sự ô nhiễm môi trường gây ra sự suy giảm sức khỏe và nòi giống của dân tộc, đến lượt nó ảnh hưởng đến cả năng suất lao động. Và khi mà một quốc gia có một mức năng suất lao động thấp đồng nghĩa với sự đói nghèo sẽ còn tiếp tục dai dẳng.



Nhiều người sẽ bao biện rằng không phải bất cứ quốc gia nào cũng có thể trong cùng một lúc đạt được ba điều đó. Đúng. Có những quốc gia trong một lúc nào đó những người cầm quyền họ không ý thức được tầm quan trọng của các vấn đề và họ đặt sự ưu tiên lên một vài vấn đề khác, mà nhiều trong số họ tập trung chỉ vào mục tiêu thứ nhất đó là tạo ra công ăn việc làm.

Tuy vậy, một quốc gia càng đi chệch khỏi ba mục tiêu này và những người lãnh đạo không ý thức được điều đó sẽ chỉ dẫn quốc gia và xã hội đi sâu vào cơn khủng hoảng và ngõ cụt của tương lai.

Điều đó đúng với Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

Các chính sách đưa ra của chính phủ hiện nay không cho thấy một chỉ dấu nào là những người cầm quyền ý thức được các vấn đề cần giải quyết nhằm đạt được ba mục tiêu trên. Kinh tế lâm vào khủng hoảng và việc làm ngày càng trở nên khan hiếm. Sự bất bình đẳng đang trở nên rộng hơn khi mức lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập danh nghĩa của dân thường dường như đã dừng hẳn lại. Những dự án phá hủy môi trường tiếp tục được cấp phép và môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Lưu ý là khi phần này của bài viết được đưa ra vào ngày 20/2 thì sau đó, vào ngày 23/2 tại Diễn đàn Mùa xuân năm 2017 do Hội đồng kinh doanh châu Á tổ chức với chủ đề “Đầu tư cho 50 năm tiếp theo: Sự bền vững và tính sáng tạo”, ông Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lần đầu tiên trong một diễn đàn đã cho rằng Việt Nam không hy sinh sự bất bình đẳng và các yếu tố môi trường cho phát triển. Tuy vậy, đó chỉ là một sự trấn an và không có một chỉ dấu nào về mặt chính sách rằng chính phủ có một lộ trình nghiêm túc nhằm khắc phục hai điều này.



TẠI SAO ĐẢNG CỘNG SẢN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI?



Nhiều người dân, chứng kiến sự bế tắc của đất nước và sự lụn bại của xã hội, mong ước rằng Đảng Cộng sản với vai trò là đảng cầm quyền thay đổi để đất nước có một tương lai. Nhiều người, đặc biệt là các đảng viên lão thành, đã gửi những bức tâm thư. Một số nhận lại những bắt bớ, trù dập, và những án tù, số còn lại, may mắn hơn, nhận được một sự im lặng. Những bức tâm thư gửi Đảng ngày càng thưa hơn, bởi đơn giản rằng khó còn ai tin rằng Đảng Cộng sản còn khả năng tự thay đổi để tiếp tục dẫn dắt đất nước mình. Vì sao?

Trước hết hãy nói về nhân sự. Giả sử rằng Đảng sẽ cố gắng tạo ra những thay đổi để tiếp tục dẫn dắt đất nước như mong ước của nhiều người. Hãy nhìn và nghĩ một cách thực lòng rằng có những cá nhân nào trong giới lãnh đạo Đảng có khả năng và viễn kiến để lèo lái, dẫn dắt con thuyền của đất nước ra khỏi bế tắc hiện nay? Trong nhóm tứ trụ có ai có khả năng không? Hay các vị trong bộ chính trị còn ai có khả năng không? Trong các lãnh đạo ở các cấp tỉnh, thành còn ai có khả năng không? Câu trả lời sẽ là một con số không to lớn.

Bởi lẽ một điều đơn giản rằng những nhân sự có khả năng và viễn kiến, đủ tâm và sự hiểu biết, sẽ cảm thấy tự trọng để đứng bên ngoài hệ thống quyền lực. Đó là chưa nói đến cách tuyển dụng và cất nhắc, từ sự xét lý lịch gia đình, tới phân biệt vùng miền, và cuối cùng chạy chức, chạy quyền, và tham nhũng, đã loại bỏ hết và làm nhụt chí tất cả những cá nhân có khả năng còn lại trong Đảng.

Các cấp lãnh đạo cao nhất hiện nay vừa không có viễn kiến, không có khả năng, cũng không có đủ uy tín để thuyết phục các cá nhân khác trong Đảng, đừng nói tới nhân dân, để tạo ra những cải cách dứt khoát đưa đất nước xoay chuyển khỏi tình thế hiện tại. Tất cả những điều họ có thể và đang làm hiện nay là tiếp tục nằm dây cương của chiếc xe ngựa đang từ từ lao xuống vực.



Thứ hai là niềm tin. Còn ai tin vào những hứa hẹn về mặt chính sách của các cấp lãnh đạo cộng sản không? Câu trả lời là không. Những người dân đã bị lừa hết lần này đến lần khác, và sự gian dối không biết bao giờ sẽ dừng lại. Đó là sự lừa phỉnh những thanh niên miền Bắc tòng quân đi «giải phóng» khỏi ách kềm kẹp của Mỹ Ngụy ở miền Nam, sự lừa phỉnh các công chức Cộng Hòa Việt Nam đi cải tạo mà thực ra là tù không án, lừa các cá nhân để đổi tiền làm bần cùng hóa người dân, lừa các cá nhân nộp vàng để vượt biên để rồi chĩa súng bắn vào họ,… Quá nhiều những vụ lừa phỉnh một cách có hệ thống từ cấp quốc gia mà nếu kể ra chắc có lẽ tốn nhiều trang giấy. Cho đến hiện nay, sự gian dối vẫn còn tiếp diễn khi những con số kinh tế luôn là sự tăng trưởng nhưng đối diện với nó là sự thất nghiệp lan tràn và nhiều người vì không có việc phải bỏ xứ tha hương.

Một quốc gia khi người dân không còn tin vào các hứa hẹn chính sách của chính phủ thì việc mất niềm tin vào chính sách tự nó đã tạo ra một sự khủng hoảng trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp vì không còn niềm tin vào chính phủ buộc họ chỉ đầu tư một cách cầm chừng, và cho dù những thông báo tô hồng của chính phủ, họ luôn sẵn sàng trong tình trạng rút vốn tháo chạy và đổi tiền đồng sang vàng hoặc đô la. Hậu quả là nền kinh tế luôn túc trực trong trạng thái bị áp lực về dự trữ ngoại hối và đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Nếu ai còn nghi ngờ vào ảnh hưởng của niềm tin thì hãy nhìn nước Mỹ hiện nay. Tại sao dòng tài chính hiện nay đang đổ dồn về Mỹ, nhất là từ khi tổng thống Donald Trump đắc cử? Bởi vì đơn giản một điều rằng họ tin vào các cam kết chính sách của tân tổng thống. Niềm tin đã khiến cho giới đầu tư bỏ tiền vào đầu tư và đẩy các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng khoảng 10% chỉ trong vòng 4 tháng.

Một ví dụ khác của niềm tin là hãy nhìn vào cách các ngân hàng trung ương thế giới điều hành chính sách tiền tệ. Một ngân hàng trung ương sẽ mất đi khả năng điều tiết lạm phát và định hướng dòng tài chính nếu họ mất đi niềm tin của giới đầu tư bằng cách thực hiện thông tin và hành động bất nhất. Điều đó đặc biệt quan trọng khi mà lãi suất cơ bản tiến về 0 và ngân hàng trung ương buộc phải dùng công cụ định hướng phía trước («forward guidance») nhằm thuyết phục những nhà đầu tư và doanh nghiệp về các chính sách sắp tới của mình nhằm bền vững nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư.

Nói như vậy để thấy rằng niềm tin đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc quản lý, dẫn dắt, và định hướng nền kinh tế. Những điều đó hoàn toàn vắng mặt trong các cấp chính quyền trung ương hiện nay.



Thứ ba là luật pháp. Muốn có được một sự ủng hộ của giới đầu tư nhằm tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, chính quyền, cho dù là một chính quyền độc tài về chính trị, cần bảo đảm rằng luật pháp được thực thi nghiêm minh. Hãy nhìn lại xem tình cảnh Việt Nam hiện nay rằng luật pháp có nghiêm minh không? Và đặt thử câu hỏi rằng Đảng có khả năng đảm bảo một nền luật pháp công bằng không? Câu trả lời là không.

Đất nước đang rơi vào một tình trạng pháp luật bị tê liệt và bóp méo. Luật pháp đang được xử theo sự chỉ đạo của chính quyền. Đó không chỉ là việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến và việc xử qua loa kiểu án bỏ túi, mà còn là những bản án mang mầu sắc chính trị, cũng như là việc làm lơ của chính quyền đối với những vi phạm pháp luật khác.

Khi mà các cấp chính quyền đứng trên và ngoài pháp luật thì khó mà tạo niềm tin đến các cá nhân muốn bỏ vốn vào kinh doanh ở đất nước mình. Những cá nhân không có sự chống lưng của người thân trong chính quyền sẽ chọn cách kinh doanh những dự án ngắn hạn. Ngược lại, những cá nhân có người thân nằm trong các cấp chính quyền sẽ lợi dụng những chính sách của chính quyền nhằm tạo ra những lợi ích cho riêng mình. Hậu quả để lại là một nhóm thân hữu của chính quyền giàu lên trông thấy nhờ sự tham nhũng chính sách, bên cạnh sự bần cùng của một số đông còn lại.

Tại sao Đảng không thể đảm bảo một sự công bằng về mặt luật pháp. Kết quả này đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất đó là sự lụn bại của hệ thống giáo dục. Và thứ hai, đó là sự kiểm soát của hệ thống chính trị đối với ngành tư pháp. Hệ thống tư pháp đóng vai trò như cánh tay của Đảng, và sự lũng đoạn của các quan tòa nhờ đút lót và hối lộ được dung túng bởi chính quyền. Tại sao chính quyền lại dung túng họ? Bởi nếu mà một hệ thống tư pháp bao gồm bởi những luật sư công bằng, anh minh, và tài giỏi thì những lãnh đạo Đảng tham nhũng và lạm quyền sẽ bị bỏ tù trước tiên. Vì lý do đó mà chính quyền dung dưỡng hệ thống tư pháp lũng đoạn hiện nay cũng là nhằm bảo vệ cho chính mình.



Thứ tư là ngân sách. Nhân dân đang đóng thuế nuôi chính phủ, Đảng, cùng một hệ thống các cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng sản. Muốn vực dậy nền kinh tế hiện nay thì một trong những việc cần làm trước hết đó là cắt giảm ngân sách chi tiêu, để từ đó có thể dùng tiền đầu tư vào những lĩnh vực hữu ích cho đất nước từ cơ sở hạ tầng, cho đến y tế, giáo dục, đó là chưa kể đến khi ngân sách chi tiêu thường xuyên của chính phủ giảm xuống, mức dư thừa ngân sách còn có thể giúp giảm thuế để kích thích tăng trưởng nền kinh tế.

Nhưng vấn đề là Đảng không có khả năng giảm chi tiêu ngân sách thường xuyên. Tại sao?

Bởi vì đơn giản rằng sức mạnh của Đảng nằm ở mạng lưới các cơ quan ngoại vi, từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức xã hội dân sự của chính quyền, cho đến Ủy ban Mặt trận, và lực lượng an ninh, cảnh sát dày đặc, mà việc cắt giảm đi những tổ chức hay nhân sự cũng đồng thời là việc cắt bỏ đi những cánh tay của Đảng. Đảng đã nuôi dưỡng những tổ chức này không những để thực hiện và bảo vệ những hoạt động của Đảng và chính quyền, mà còn để nuôi dưỡng một lực lượng trung thành với Đảng.



Và cuối cùng là chính sách thương mại với Trung Quốc. Muốn vực dậy nền kinh tế Việt Nam thì việc đầu tiên cần làm là xem xét lại chính sách thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Vấn đề không chỉ là sự xâm nhập lan tràn hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại của Trung Quốc, mà ở đó còn là sự nhập siêu, sự phụ thuộc quá lớn, cũng như là sự lũng đoạn thị trường kinh tế Việt Nam của những thương lái Trung Quốc. Có rất nhiều việc Việt Nam cần làm để xem xét lại quá trình xuất nhập hàng hóa.

Tuy vậy, bất cứ một sự xem xét lại chính sách thương mại nào nó phải xuất phát trước tiên từ việc các lãnh đạo Việt Nam phải có một vị thế bình đẳng trước Trung Quốc. Còn việc khi mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc để nhận sự chống lưng về mặt chính trị thì còn lâu họ mới dám xem xét lại chính sách thương mại này.

Sự lũng đoạn kinh tế này sẽ tiếp tục được tăng tốc trong những ngày tới, nhất là khi mà những nhà cầm quyền đã, một cách không chính thức, tham gia vào chuỗi «Con đường tơ lụa» của Trung Quốc cùng với các cao tốc ở phía Bắc được nối với Trung Quốc và các hải cảng phía Bắc đã được nâng cấp.

Cùng với sự khủng hoảng kinh tế triền miên, sự thiếu hụt dự trữ ngoại tệ, và sự bỏ đi của một tầng lớp doanh nhân, các ngành kinh tế của Việt Nam sẽ dần dần được thay thế bằng các doanh nghiệp Trung Quốc khi họ đang tìm cách can dự vào thị trường này, để rồi từ từ Việt Nam sẽ trở thành một sân sau của nền kinh tế Trung Quốc.

Hậu quả không chỉ là về mặt kinh tế, mà ở đó còn là các yếu tố chính trị, ngoại giao và quốc phòng. Sự phát triển và nền độc lập của Việt Nam cần ở đó sự trợ giúp về mặt khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, và chính trị - ngoại giao từ các nước phương Tây. Tuy vậy, khi mà giới ngoại giao phương Tây nhận thấy sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam vào Trung Quốc thì bất cứ một sự viện trợ nào, nhất là viện trợ về các công nghệ vũ khí và khoa học công nghệ, sẽ luôn được cân nhắc và e dè, vì họ sợ đánh cắp công nghệ. Kết quả là Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn trong quá trình tạo dựng một sự độc lập đúng nghĩa cho chính mình.



VIỆT NAM NHỮNG NGÀY SẮP TỚI



Nhìn lại những điều ở trên để thấy rằng Đảng Cộng sản không có khả năng tự thay đổi, cũng không có khả năng vực dậy sự bế tắc hiện nay của đất nước. Đó là bởi vì sự thay đổi sẽ đồng nghĩa với sự ra đi của Đảng. Câu hỏi còn lại là điều gì sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới?

Bất cứ một cuộc vận động dân chủ nào cũng cần có tổ chức. Nó không những là nơi vạch kế hoạch, đề ra chiến thuật, mà còn là một lực lượng để đàm phán với chính phủ cầm quyền trong giai đoạn chuyển giao, và sẵn sàng nắm quyền để dẫn dắt đất nước khi quá trình chuyển giao kết thúc.

Một lực lượng như vậy ít nhất về mặt nhân sự phải có 20 thành viên cốt cán. Đó là những người làm chính trị chuyên nghiệp, đủ uy tín, lương thiện, có hiểu biết về các chính sách và khả năng nhằm dẫn dắt đất nước ra khỏi tình thế hiện tại.

Nhìn lại tình cảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khó có một tổ chức nào có đủ một nhân sự như vậy. Có rất nhiều người lên tiếng, nhưng rất ít người làm chính trị nghiêm túc, càng ít hơn người có hiểu biết về các chính sách và khả năng lãnh đạo.

Nhưng quá trình dân chủ cần sự xuất hiện của các chính đảng nghiêm túc ngoài Đảng Cộng sản và dù muốn dù không, những người muốn hoạt động chính trị chuyên nghiệp và đóng góp vào sự vực dậy của quốc gia, cần tìm tới nhau để kết giao ngay từ bây giờ.

Sự kết giao đó không chỉ giữa những người ngoài Đảng, mà ở đó những người hoạt động chính trị nghiêm túc cần có sự hỗ trợ của những người trong chính quyền.

Dù muốn dù không thì quá trình chuyển giao cần ở đó vai trò của quân đội và công an để bảo đảm trật tự xã hội và an ninh đất nước. Sự ra đi phải có là sự ra đi của các cấp lãnh đạo.

Đối mặt với sự thay đổi chế độ đó, những người lo sợ nhất có lẽ là gia đình các cấp lãnh đạo. Họ và cá nhân đã thu vén được những tài sản đáng kể trong suốt quá trình cầm quyền.

Giờ đây, khi mà những nền tảng của chế độ ngày càng lung lay, họ có hai lựa chọn. Hoặc là họ sẽ tiếp tục cầm dây cương của chiếc xe ngựa tiếp tục lao xuống dốc, để rồi trong cơn giận dữ của quần chúng, một cuộc bắt bớ và xét xử sẽ diễn ra như những gì chúng ta thấy ở Romania khi quần chúng trong cơn thịnh nộ đã giết chết Nicolae Ceaușescu. Khi mà các cấp lãnh đạo không có khả năng vực dậy nền kinh tế thì sự nổi loạn của nhân dân trong những ngày sắp tới là một điều có thể thấy được.

Ở lựa chọn thứ hai, hoặc là họ sẽ tìm kiếm một lực lượng đối lập nghiêm túc nhằm đối thoại và tiến tới một cuộc bầu cử tự do, cùng với đó là một thỏa hiệp hòa giải, không hồi tố đối với những tội lỗi đã gây ra. Đây có lẽ là con đường sống duy nhất của các cấp lãnh đạo biết suy nghĩ. Bằng cách như vậy, họ làm được hai việc, vừa giúp dân chủ hóa trong hòa bình, tạo cơ hội để vực dậy đất nước, mà ở đó họ còn bảo vệ được những gì họ đã thu góp.

Trong chọn lựa thứ hai này, những cấp lãnh đạo còn biết suy xét có lẽ cần tới cả sự trợ giúp của các chính phủ phương Tây trong quá trình đàm phán và chuyển giao, nhất là trong trường hợp mà một kế hoạch như vậy có thể bị phá đám và ngăn cản bởi các thế lực khác nhau.

Không ai muốn một cuộc chuyển giao trong bạo lực, nhất là khi mà đất nước này đã trải qua quá nhiều đau thương. Một cuộc chuyển giao trong bạo lực còn là cơ hội cho những thế lực nhằm lũng đoạn đất nước. Nhưng liệu đất nước sẽ thay đổi thế nào trong những ngày sắp tới đó còn là ở nỗ lực của mọi người dân.


Nguyễn Huy Vũ

1.3.2017