24.1.23

Mùa xuân nhớ tới một người

Cứ mỗi năm, sau một vòng tuần hoàn của đất trời, cây cối lại nở hoa. Hoa của mùa xuân nở trên sự lụi tàn của mùa đông. Nhìn những khuôn mặt của con cháu ngày xuân mỗi ngày mỗi lớn nhớ tới sự già đi của ông bà, cha mẹ mỗi ngày. Thế hệ này sẽ nhường chỗ cho thế hệ kế tiếp. Quy luật tự nhiên cho mọi người, không chừa ai. Không có gì là vĩnh viễn, con người, sự vật và cả những chế độ. Người càng già, càng đi đến cái đích của cuộc đời hẳn sẽ càng hiểu điều đó. Khi ra đi chỉ để lại, mọi thứ, chứ chẳng mang theo gì. 

Ngày xuân làm tôi nhớ tới một người: ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng sản Việt Nam. Với sức khoẻ của mình, hẳn ngày ông về đích của cuộc đời không còn bao xa. Đó là một sự thật, một quy luật của cuộc đời. Với tư cách là một chính trị gia, một người đứng đầu đảng và đứng đầu cả một quốc gia, ông sẽ để lại gì? 


Muốn đứng đầu một quốc gia trong thế kỷ này, dựa vào công an và quân đội là không đủ. Sức mạnh của công an và quân đội chỉ để giữ gìn trật tự quốc gia. Muốn quốc gia ổn định, người đứng đầu cần phải tạo ra một tính chính danh nào đó. 


Trong một chế độ dân chủ, tính chính danh nằm ở chổ người lãnh đạo do dân bầu, đại diện cho quyền lợi và ý chí của người dân. Người dân vì vậy mà sẵn sàng đổ máu để bảo vệ người lãnh đạo, vì bảo vệ lãnh đạo cũng là bảo vệ quyền lợi và ý nguyện của mình.


Trong những chế độ độc đoán như Việt Nam, khi không có những cuộc bầu chọn công khai người lãnh đạo kể cả trong nội bộ đảng cầm quyền, người lãnh đạo buộc phải xây dựng tính chính danh bằng cách xây dựng hình ảnh và thể hiện năng lực của mình trong công việc để thuyết phục những người khác. Với quốc dân, người lãnh đạo buộc phải thuyết phục rằng ông ta có vai trò làm cho đất nước ngày càng phát triển hơn. Còn với các đồng chí trong đảng của mình, người lãnh đạo buộc phải thuyết phục rằng ông ta là người tốt nhất đảm bảo sự đoàn kết và trật tự trong đảng, thậm chí giữ gìn vị trí của đảng trong xã hội. Ông ta thể hiện điều đó bằng một bàn tay sắt bọc nhung. 


Việc bắt bớ những nhà đối lập liên tục trong suốt nhiệm kỳ của ông Trọng nhằm ngăn chặn bất cứ tiếng nói nào làm mất đi tính chính danh trong vai trò xây dựng hình ảnh lãnh đạo của ông. Đó là lý do mà ông đã cho bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh khi Thanh bắt đầu tung ra các tin làm mất đi hình ảnh của ông trong khi ông mới bắt đầu những ngày xây dựng vị trí cho riêng mình. Nếu Thanh hiểu đời, muốn sống một cuộc đời an bình, hẳn ông ta sẽ tìm đến một đất nước Nam Âu nào đó hay chỉ cần mua một vé máy bay một chiều đến vài nước Nam Mỹ, ở đó ông ta hẳn sẽ có những ngày an bình trong cuộc đời mình mà chẳng ai có thể đụng đến ông ta. 


Việc bắt bớ những người đối lập hay sẵn sàng bắn bỏ bất cứ đối tượng trong xã hội nào, như Lê Đình Kình, nhằm chống lại chỉ thị đảng của ông mục đích chính chỉ là nhằm xây dựng lại trật tự của đảng và hình ảnh của đảng trưởng trong xã hội.


Tuy vậy, muốn tạo ra một trật tự ngay trong đảng, muốn các đảng viên phải tuân thủ một cách nghiêm túc các chỉ thị và yêu cầu từ cấp trên, ông ta buộc phải tạo ra một chiến lược chống tham nhũng. Chống tham nhũng để tạo ra uy lực cho chính mình. Chống tham nhũng để cấp dưới sợ, sợ ông, sợ đảng và tuyệt đối chấp hành theo đảng.


Hơn ai hết, ông hiểu rằng quyền lực ông có được là do sự phục tùng của cấp dưới. Nếu cấp dưới không còn phục tùng nữa thì ông cũng chỉ còn là một ông giáo già yếu. 


Nhưng cấp dưới mà cụ thể ở đây là các cá nhân lãnh đạo Bộ Công an phục tùng ông không hẳn chỉ duy nhất vì quyền lợi của ông, mà ở đó họ còn muốn xây dựng một vai trò của mình. Hơn ai hết, họ hiểu rằng với sức khoẻ của ông, ngày ông còn cầm quyền không còn bao lâu nữa.


Điều mà ai cũng thấy được là những ngày sắp tới, khi ông lui bóng vào hậu trường, ai sẽ là người cầm quyền kế nhiệm?


Người cầm quyền đó cuối cùng cũng phải đi theo con đường của ông, tức phải xây dựng tính chính danh, phải dẹp yên chống đối trong nước, phải đảm bảo sự phát triển của quốc gia, phải đem lại trật tự trong đảng. Và khi mà không tồn tại bất kỳ một hình thức bầu cử nào nhằm xây dựng tính chính danh, lãnh đạo buộc phải xây dựng trên con đường bạo lực. 


Kể cả khi mọi người dân chấp nhận câm nín để yên thân. Thì câu hỏi còn lại là có bao nhiêu quan chức trong chính phủ chấp nhận việc sẵn sàng bị thanh trừng trong các chiến dịch được gọi là chống tham nhũng khi một người lãnh đạo kế tiếp đứng lên để xây dựng hình ảnh của mình? Khi mà trong một thể chế không có một nền tư pháp độc lập, một hệ thống xét xử minh bạch và công tâm, bất cứ ai nằm trong hệ thống cũng dễ dàng trở thành một con dê tế thần trên bước đường xây dựng quyền lực của người lãnh đạo kế tiếp. 


Vì vậy mà sự ra đi của ông Trọng không hẳn là tạo ra một tình trạng dễ thở hơn cho các quan chức đương nhiệm, mà đôi khi lại còn là ngược lại, vì một lãnh đạo mới họ cần thể hiện một quyền lực mới và xây dựng một hào quang mới. 


Có rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn: Những quan chức đương nhiệm sẽ chấp nhận tình trạng này đến bao lâu? Hay họ buộc phải làm một cuộc phản kháng? 


Đó là chưa kể khi mà nền kinh tế ngày càng trở nên lớn, các giao dịch và quản lý nền kinh tế trở nên phức tạp hơn, nhanh hơn, nó cần những người lãnh đạo có khả năng và hiểu biết để dẫn dắt giải quyết vấn đề. Để chọn ra những lãnh đạo có khả năng như vậy nó đòi hỏi những cuộc tranh luận và bầu cử công khai. Việc thiếu những cuộc tranh luận và bầu chọn công khai cuối cùng chỉ dẫn đến những lãnh đạo tầm thường không có khả năng quản lý nền kinh tế quốc gia. Hậu quả là nền kinh tế sẽ liên tục lâm vào các bế tắc. 


Trong một quốc gia ở thế giới mở về thông tin như hiện nay, với một lãnh đạo không có khả năng đem lại thịnh vượng, thì việc cai trị và duy trì trật tự cho dù bằng bạo lực sẽ không thể kéo dài được lâu. Ông Trọng cho đến nay tránh được các chỉ trích về yếu kém trong quản lý kinh tế chủ yếu vì ông tránh can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành của chính phủ và cũng bởi vì trong nhiệm kỳ đầu của ông, nền kinh tế có những tăng trưởng nhất định nhờ sự tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu. Nhưng những lãnh đạo kế nhiệm chắc chắn là khó khăn hơn nhiều bởi với tư cách là đảng cầm quyền duy nhất, đảng trưởng buộc phải chịu trách nhiệm chung cho tình trạng chung của đất nước.


Với những đòi hỏi như vậy, công việc của một đảng trưởng đảng Cộng sản kế nhiệm ông Trọng trở nên vô cùng khó khăn, vượt quá khả năng của những cá nhân đủ tiêu chuẩn của đảng Cộng sản hiện nay. Nghĩ về nó để thấy rằng, một khi ông Trọng ra đi, ông để lại gì ngoại trừ một đất nước đang khủng hoảng về kinh tế và một đảng đang khủng hoảng về nhân lực, đường lối? Nó báo hiệu một mùa đông của chế độ độc đoán, mở đường cho một mùa xuân dân chủ tự do cho đất nước trong những ngày sắp tới. 


Nguyễn Huy Vũ

Mùng 2 Tết Quý Mão

24.1.2023