Tuần rồi tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ đề xuất việc áp đặt mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ với mục đích là bảo vệ những nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ và chống lại việc bán phá giá thép của Trung Quốc vào Hoa Kỳ làm sụp đổ ngành sản xuất thép.
Trung Quốc hiện nay là nhà xuất khẩu ròng (net export, tức tổng lượng xuất khẩu trừ cho tổng lượng nhập khẩu) thép lớn nhất thế giới, trong khi Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu ròng (net import, tức tổng lượng nhập khẩu trừ cho tổng lượng xuất khẩu) thép lớn nhất thế giới. Theo số liệu của tổ chức Thép Thế giới (World Steel Association), năm 2016, mức xuất khẩu ròng thép của Trung Quốc là 94.5 triệu tấn, chiếm gần bằng tổng lượng xuất khẩu ròng của các nước còn lại. Các nước có tỉ lệ xuất khẩu ròng đáng kể sau Trung Quốc là Nhật (34.5 triệu tấn), Nga (26.9 triệu tấn), Ukraine (17.1 triệu tấn), Brazil (11.5 triệu tấn), Hàn Quốc (7.3 triệu tấn), còn lại Đài Loan, Bỉ, Áo, Slovakia, Kazakhstan mỗi nước xuất khẩu ròng từ 2 đến 4 triệu tấn. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhập khẩu ròng 21.7 triệu tấn, kế tiếp là Việt Nam nhập khẩu ròng 17.0 triệu tấn, Thái Lan (16.1 triệu tấn), Indonesia (11.0 triệu tấn), Liên minh châu Âu (10.5 triệu tấn) và các nước Ai Cập, Mexico, Saudi Arabia, Algeria, Poland, Pakistan, Các Tiểu Vương Quốc A-Rập, Bangladesh, Anh, Hong Kong nhập khẩu ròng trong khoảng từ 3 đến 8 triệu tấn.

Trong danh sách 10 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Hoa Kỳ, theo số liệu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ năm 2015, Trung Quốc đứng thứ 7 với 6% tổng lượng. Con số này là con số ghi nhận thép trực tiếp xuất từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, và thực chất con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Nguyên nhân là vì Trung Quốc chuyển thép sang các nước khác nhau và bán vào Mỹ và châu Âu. Mỗi nước chiếm vài phần trăm và rất khó thống kê. Vì lý do đó mà chúng ta thấy ở trên rằng Việt Nam là nước nhập khẩu thép ròng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.