29.5.21

Những con chó của chế độ

Những bạn đọc truyện Tam Quốc bên Tàu hẳn nhớ tích Khổng Minh 7 lần bắt 7 lần thả Mạnh Hoạch. 

Trước khi Lưu Bị mất, Bị gửi gắm mọi quyền hành quốc gia vào tay Khổng Minh. Nhà Thục Hán lúc này đối mặt phía Bắc có Tào Phi hăm he thừa dịp tấn công. Ở phía Nam có quân Man mà thủ lĩnh là Mạnh Hoạnh thừa dịp nổi loạn. 


Nếu Khổng Minh đem quân tấn công Tào Phi ở phía Bắc mà Mạnh Hoạch ở phía Nam cũng thừa dịp tấn công thì nhà Thục Hán tất sẽ lâm nguy. 


Đại quân của nhà Thục Hán dễ dàng đánh thắng quân Man của Mạnh Hoạch, nhưng sau đó nếu quân nhà Thục Hán kéo lên phía Bắc thì quân Man ở phía Nam lại thừa dịp nổi dậy mà làm loạn. Quân Man trong một thời gian dài bị sự tuyên truyền của Mạnh Hoạch mà đâm lòng oán hận nhà Thục Hán. Nếu quân nhà Thục Hán bắt giết Mạnh Hoạch và tiệt trừ quân Man nữa thì chẳng khác nào chứng nhận rằng những lời tuyên truyền của Mạnh Hoạch là đúng. 


Muốn bình định phương Nam vì vậy không thể chỉ dùng mỗi bạo lực, mà phải thuyết phục lòng người. Đó là lý do mà Khổng Minh đã 7 lần bắt rồi 7 lần thả Mạnh Hoạch để cuối cùng cảm phục và biến Mạnh Hoạch trở thành một đội quân trung thành với nhà Thục Hán. Phên dậu phương Nam của nhà Thục Hán từ sau đó mãi trở nên bình yên.


Kể chuyện này chỉ để nói rằng chiến tranh là một sự kéo dài của chính trị khi mà các kỹ năng thuyết phục ngoại giao đã thất bại. Một nhà cầm quyền khôn ngoan chẳng khi nào muốn dùng tới chiến tranh hay bạo lực để khuất phục quần chúng hay đối thủ khi mà họ có thể sử dụng những biện pháp hoà bình khác để thu phục trái tim của họ. Đó là lý do mà các bậc đế vương xưa nay đều cố kéo theo bên mình các văn sỹ nổi danh thiên hạ. Mục đích chỉ để củng cố và tô vẽ tính chính danh của người cầm quyền và cũng để thuyết phục nhân tâm đặng làm yên thiên hạ. Đó là lý do mà Frederick Đại đế có Voltaire, hay Napoleon có Goethe.


Ngày xưa bậc đế vương cai trị nhờ văn sỹ thì ngày nay những nhà độc tài cũng cai trị nhờ văn nghệ sỹ. Công an, quân đội, và nhà tù chỉ là những công cụ cuối cùng phải dùng tới để trấn áp nhân dân. Công cụ đầu tiên đó là tuyên truyền để thuyết phục nhân tâm và ở đây là vai trò của giới văn nghệ sỹ, giới nhà báo, và giới có học tôi mọi (không phải trí thức). 


Các giới này như những con tốt nằm trong túi nhà cầm quyền độc tài và họ được nuôi dưỡng để ngợi ca nhằm duy trì sự ổn định của trật tự xã hội và tính chính danh của nhà cầm quyền. Đó là lý do mà một nhà báo của chế độ cộng sản từng có lần nói thẳng ra rằng “nhà báo như là một con chó” — câu hơi thô nhưng đúng bản chất của sự việc. Một chế độ độc tài sẽ sụp đổ nếu thiếu những nhà báo và giới văn sĩ nô ru ngủ quần chúng, nuôi dưỡng hào quang của chế độ trong trái tim của nhân dân. 


Quan hệ giữa nhà cầm quyền và giới văn sỹ nô là một mối quan hệ cộng sinh. Văn nô đóng vai trò tâng bốc hình ảnh của nhà cầm quyền và chế độ nhằm xoa dịu trái tim quần chúng, để đổi lại nhà cầm quyền trao tặng những danh hiệu và đặc cách các vị trí khác biệt trong xã hội. 


Nếu như quân đội và công an là những tấm khiên của nhà cầm quyền thì giới văn sỹ nô tương tự như là những cái miệng của họ. Tấn công vào giới văn sỹ nô, bẽ gẩy từng người một, là một cách tấn công vào những cái miệng của nhà cầm quyền. Khi những cái miệng dần bị bít lại thì những tấm khiên của quân đội và công an trở thành những tấm chắn cô lập giới cầm quyền trước xã hội. Sự sụp đổ sau đó chỉ là vấn đề thời gian vì những tấm khiên không làm nên chân lý và tính chính danh.


Hãy nhìn xem ở Miến Điện. Khi giới văn sĩ nô hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục người dân về một trật tự xã hội do quân đội nắm quyền thì đó cũng là lúc giới tướng lĩnh tự cảm thấy cô lập và cô đơn giữa một quốc gia, và trên trường quốc tế, dù cho họ có nắm trong tay đầy đủ súng ống và quân đội. 


Do đó, bằng mọi giá ban tuyên truyền của các chế độ độc tài luôn tìm cách bảo vệ giới văn sỹ nô của họ. Và giới văn sỹ nô luôn biết điều đó. Đó là lý do mà cho dù họ, giới văn sỹ nô, có lợi dụng địa vị của mình để đi lừa gạt nhóm quần chúng cả tin thì cũng chẳng vì quyền lợi của quần chúng mà nhà cầm quyền đi trách mắng những con chó của mình. Ngược lại là khác, nhà cầm quyền sẽ cố tìm cách bịt miệng những tiếng nói hay hành động nhằm làm hoảng sợ hoặc lung lay vị trí những con chó của mình. Vì nếu không có những con chó bảo vệ, vị trí nhà cầm quyền ắt sẽ lâm nguy.


Đọc đến đây hẳn bạn đọc sẽ hiểu ra rằng muốn thay đổi một chế độ thì trước hết bạn phải thay đổi những con chó này của chế độ. Có những con không thể thay đổi được và bạn chỉ có thể làm cho nó tự lặn đi mà thôi. Bạn có thể làm được điều đó khi khiến cho nó thấy rằng cứ mỗi khi nó sủa là mỗi lần nó cảm thấy rất nhục. 


Nguyễn Huy Vũ

29.5.2021

24.5.21

Hãy gieo những hạt mầm ý thức

Hơn 5 năm trước, nếu ai đó mở miệng đòi minh bạch từ thiện, họ chắc chắn nhận được một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Minh bạch từ thiện là gì? Tại sao cần phải minh bạch? Đã gửi tiền rồi thì tức giao trọn niềm tin cho người ta, và đã tin người ta thì cớ gì cần phải đòi hỏi thông tin này nọ? 

Rồi nếu mà lỡ có ai ăn bớt ăn xén thì có thánh thần ngó nghĩ. Mình đã gửi tiền từ thiện rồi thì coi như mình đã làm trọn trách nhiệm rồi. Đó là những suy nghĩ phổ biến của người Việt.


Cái văn hoá cùng suy nghĩ đó nó ăn sâu vào tâm thức của nhiều người. Xung quanh không ai lên tiếng mà mình lên tiếng thì kỳ quá, bị người ta cho là nhỏ mọn. Vài chục ngàn, vài trăm ngàn, có bao nhiêu đâu. Nhiều người biết mình bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt, thôi thì bỏ qua chứ biết sao giờ.


Tâm lý chung của người Việt vì vậy đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho biết bao bọn mượn đạo tạo đời, lợi dụng lòng tin của người Việt để quyên góp rồi kiếm chác. Mỗi người một ít, nhưng khi số lượng tiền góp lên tới hàng tỉ đồng thì đó không còn là chuyện của cá nhân nữa. Đó đã trở thành chuyện của cộng đồng, chuyện của pháp luật. 


Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cho đến nay, người mình vẫn quen với những sinh hoạt theo văn hoá nông dân. Trong cái văn hoá nông dân đó, mọi thứ hoạt động theo kiểu gia đình, bạn bè, và các hoạt động dựa chủ yếu trên nền tảng của đức trị, tức mọi người làm việc với nhau dựa chủ yếu trên niềm tin và uy tín. Những người có thế lực hơn thì dựa vào sức mạnh đe doạ của xã hội đen. Luật pháp là một thứ xa xỉ. 


Vì vậy mà mới có những vụ giựt hụi, những vụ quỵt nợ, những hoạt động đa cấp đủ các hình thức nở rộ, điều mà bạn sẽ rất hiếm khi thấy ở các nước phương Tây ngày nay. 


Trong sinh hoạt của thế giới phương Tây, nhất là các hoạt động liên quan đến tài chính, tiền bạc, kinh doanh, mọi hoạt động đều dựa trên sự đối chiếu, bằng chứng, kiểm tra, và minh bạch. 


Bạn muốn quyên tiền cho ai thì cần phải có sự đồng ý của chính quyền. Bạn chi bao nhiêu, còn bao nhiêu, cho ai và như thế nào, tất cả phải có hoá đơn hay bằng chứng. Đó là cách mà con người bảo đảm rằng các hoạt động giao dịch được thực hiện trôi chảy, đúng mục đích, tránh thất thoát và hạn chế những điều sai trái. 


Trong cách làm này, người phương Tây không còn tin vào đức trị nữa mà đặt pháp trị lên trên. Và pháp trị đòi hỏi con người ta trở nên chuyên nghiệp với giấy tờ và bằng chứng giao dịch, chứ không phải là những đoạn video than mệt kể khổ khi đi làm từ thiện. 


Thay đổi một người cần thời gian. Thay đổi niềm tin và văn hoá sinh hoạt của một xã hội cần nhiều thời gian hơn nữa. Những người lên tiếng cho những thay đổi xã hội vì vậy cần kiên nhẫn. 


Năm năm trước, mình là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi đòi các hoạt động quyên góp từ thiện cần minh bạch. Đơn giản vì đó chính xác là số tiền gửi cho người nghèo và của người nghèo. Người quyên góp chủ yếu chỉ đóng vai trò chuyển giúp. Dù gặp nhiều chỉ trích nhưng mình vẫn vui, vì mình nghĩ là đang đứng về phía người nghèo, người bị yếu thế, những người mà mình tin tiếng nói của mình dù nhỏ nhoi có thể giúp họ có thêm ít tiền. Và xa hơn nữa, mình tin dân tộc này có thể thay đổi được, và việc đổi thay đầu tiên đó là văn hoá. Văn hoá định hình cách con người suy nghĩ và hành động. Đó là lý do mình lên tiếng.


Khi đứng trước một tập thể đông đảo với một văn hoá cũ lâu đời, muốn thay đổi họ bạn không thể thay đổi một sớm một chiều. Bạn chỉ có thể thay đổi họ bằng cách gieo những hạt mầm ý thức. Theo thời gian, ý thức lớn lên và họ sẽ dần nhận ra. 


Năm năm sau nhìn lại, xã hội Việt Nam ngày nay đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Người người đòi các nghệ sỹ, các nhà quyên góp từ thiện phải giải ngân số tiền quyên góp, phải công khai các hoạt động thu chi. Đó quả thực là những điều mình mong ước hơn 5 năm về trước. Và đó chính là niềm vui khi mình viết những dòng này: vui khi nhìn thấy quê hương thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ một người ở rất xa. 


Nguyễn Huy Vũ

24.5.2021

21.5.21

Làm sao để dân chủ hoá Việt Nam?



Đứng trước một nhà nước cộng sản được trang bị đầy đủ và mạnh mẽ, những người dân muốn có một đất nước tự do bỗng thấy bé nhỏ. 


Quân đội cộng sản quá hùng mạnh. An ninh cộng sản quá nhiều. Bộ máy tuyên truyền quá đông. Tài chính cộng sản quá dồi dào. Tổ chức cộng sản quá chặt chẽ. 


Đứng trước một lực lượng đối địch quá mạnh như vậy, nhiều người chọn cách hợp tác hoặc im lặng để sống qua ngày là một điều dễ hiểu. 


Một số học giả, nhất là học giả tháp ngà, nghĩ rằng không thể nào thay đổi chế độ và cách tốt nhất là góp ý để chế độ thay đổi từ từ. Những góp ý gửi đi để rồi bị vất vào sọt rác, vì sự tiến bộ xã hội mà các học giả mong muốn đi ngược với các quyền lợi của những lãnh đạo cộng sản cầm quyền.


Những lãnh đạo đảng Cộng sản có thể ít học, dù đầy bằng cấp, nhưng họ không ngu. Đừng đánh giá thấp họ. Vì họ không ngu nên họ không bao giờ muốn học sinh sinh viên được giáo dục trong tinh thần của chủ nghĩa tự do để Việt Nam có một xã hội tự do. Vì vậy mà chừng nào đảng Cộng sản còn độc quyền lãnh đạo, sẽ không bao giờ có cải cách giáo dục theo hướng khai phóng, tự do, và sẽ không bao giờ có tự do báo chí hay tự do tư tưởng. Mọi tư tưởng và niềm tin của nhân dân sẽ nằm dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của Ban Tuyên giáo. 


Cho nên đừng mất công kêu gọi cải cách giáo dục dưới chế độ cộng sản. Vô ích. Không phải những người như Phùng Xuân Nhạ và các vị bộ trưởng giáo dục trước đó tất cả đều ngu dốt. Đơn giản là vì họ không muốn và không thể cải cách dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo đảng Cộng sản.


Nhiều người bi quan hơn cho rằng chế độ cộng sản sẽ tồn tại mãi mãi. Cảm giác này giống như cảm giác của những người Đông Âu sống dưới chế độ cộng sản trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ 30 năm trước. 


Không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại lâu dài, nhất là trong thời kỳ hiện đại hôm nay. Hãy lạc quan lên các bạn. 


Trong khu vực Đông Nam Á, thực ra chỉ còn mỗi Miến Điện và Việt Nam là hai nước đông dân chưa dân chủ. Ở Miến Điện, tình trạng giằng co giữa hai phe quân sự và dân sự rồi sẽ kết thúc. Kỷ nguyên hiện đại không ai có thể chấp thuận một chế độ quân sự tiếp tục tồn tại. 


Singapore đã từng là một người bạn rất thân với các tướng lãnh Miến Điện trong suốt một thời gian dài nhưng giờ đây họ cũng không thể chấp nhận việc tiếm quyền của các tướng lãnh này,  và họ đã lên tiếng. Singapore đã đi một bước dài trong cách họ thể hiện và thay đổi để chuyển sang thành một nước dần tôn trọng các giá trị dân chủ. 


Ở Thái Lan, việc tiếm quyền của phe quân sự cuối cùng rồi cũng sẽ kết thúc vì các nền tảng dân chủ ở Thái Lan đã bén rễ, các lực lượng đối lập đã hình thành, vấn đề chỉ còn là thời gian khi mà phe quân đội và giới bảo hoàng cuối cùng rồi cũng phải thừa nhận rằng quyền lực sẽ phải thuộc về nhân dân và hoàng gia đã dần mất đi uy tín, thực sự không còn chỗ đứng trong lòng dân chúng như xưa. 


Khi mà tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á trở nên dân chủ, một điều sẽ sớm xảy ra, thì dưới áp lực của khu vực và Hoa Kỳ, Việt Nam (và Lào) sẽ phải dân chủ hoá. Đơn giản là vì một nước Việt Nam dân chủ sẽ nghiễm nhiên trở thành một đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Việt Nam có một vị thế địa chiến lược quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, và việc có thêm một đồng minh Việt Nam là một lợi thế của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung vốn đang tiến đến hồi vô cùng gay gắt. Việc Việt Nam trở nên dân chủ do đó chỉ là vấn đề thời gian. 


Câu hỏi là chúng ta có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam bằng cách nào? 


Có nhiều cách, nhưng cách hiệu quả nhất là tấn công vào điểm yếu nhất của chế độ cộng sản: đó là tính chính danh.


Người dân có thể không đọ được về sức mạnh quân sự, an ninh, tuyên truyền hay tiềm lực tài chính, truyền thông, nhưng họ, những người dân, có sự chính danh, và rằng những người dân mới chính là người bầu chọn nên chính phủ và chính quyền. Không một chính quyền nào được tự ý tiếm quyền nếu không qua bầu chọn của người dân.


Chúng ta không cần phải kêu gọi lật đổ chế độ chi cả, mà chỉ cần đòi hỏi một quyền tự do cơ bản của con người được thực thi: đó là quyền được có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. 


Và khi một cuộc bầu cử như vậy diễn ra thì đó là lúc chế độ dân chủ thành hình. 


Muốn thắng bất kỳ một cuộc chiến nào, chúng ta cũng cần những đồng minh. Đồng minh của những người đấu tranh cho tự do Việt Nam trước hết là những người anh em Việt Nam. Có thể họ ở trong hay ngoài chính quyền, làm việc cho đảng Cộng sản hay không, không quan trọng. Cái quan trọng nhất là để cho họ thấy rằng việc đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do nó không làm hại ai cả, không xử bắn hay bỏ tù bất cứ ai. Nó chỉ đơn giản là chúng ta cùng ngồi xuống, cùng tìm cho mình những người lãnh đạo giỏi nhất, xứng đáng nhất của quốc gia để đưa dân tộc này sánh vai cùng với các quốc gia tiến bộ trên thế giới. 


Vũ khí duy nhất của những người tiến bộ, yêu tự do, do đó chỉ là tiếng nói, nhưng ẩn sâu trong đó là tấm lòng của họ đối với quê hương. Sức mạnh của họ nằm ở chính nghĩa và những đòi hỏi về tính chính danh của chế độ rằng những quyền căn bản của con người cần được tôn trọng, trong đó có quyền được ứng cử và bầu cử tự do.


Hãy nói lên những điều này theo cách riêng của bạn. Bởi vì, trong khu rừng, bạn chỉ nghe tiếng rít của loài dế nếu không có tiếng hót của loài chim. 


Nguyễn Huy Vũ

21.5.2021  

20.5.21

Tại sao nên tẩy chay bầu cử quốc hội?



Ở các nước bầu cử dân chủ, không ai biết trước một cách chắc chắn rằng dân biểu nào sẽ đắc cử vào quốc hội cho đến sau khi kiểm phiếu. Mà không biết dân biểu nào đắc cử tức là dân sẽ không biết thành phần quốc hội nó như thế nào, và như vậy không biết một cách chắc chắn rằng ai là thủ tướng, chủ tịch nước cho đến sau khi bầu cử. 

Chỉ có ở Việt Nam là bạn có sẵn thủ tướng và chủ tịch nước, hai vị trí mà quốc hội phải bầu, dù chưa có kết quả bầu quốc hội mới. 


Vậy bạn đi bầu quốc hội để làm gì khi mà các vị trí lãnh đạo đã được giới cầm quyền trong đảng Cộng sản sắp đặt? 


Một cách chính xác nhất thì đây là một vở kịch vĩ đại và tốn kém nhất mà người dân Việt Nam phải chịu mỗi 5 năm một lần. Trong vở kịch này, những ứng viên đều được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một cánh tay của đảng Cộng sản, đứng ra sàng lọc và giới thiệu theo các tiêu chuẩn của chính đảng Cộng sản ban hành. Cũng không có một tổ chức trung lập nào đứng ra giám sát liệu qui trình bầu cử, kiểm phiếu có gian lận không. Tất cả đều là bởi các cơ quan của đảng Cộng sản tự biên, tự diễn. Hậu quả là tới 96% (464/483) ghế đại biểu quốc hội là của các đảng viên cộng sản trong nhiệm kỳ quốc hội khoá 14. 


Mức chi tiêu cho bầu cử quốc hội kỳ 15 này được dự chi là một ngàn năm trăm tỉ đồng, tương đương 64 triệu 500 ngàn đô la Mỹ. Nếu mỗi liều vắc-xin corona virus của Pfizer bán cho Việt Nam là 6,75 đô la Mỹ thì số tiền này tương đương với 9,5 triệu liều, tức đủ tiêm chủng cho nguyên thành phố lớn nhất của Việt Nam là Sài Gòn. Một sự lãng phí kinh khủng. 


Một kỳ bầu cử mà lá phiếu của người dân là vô nghĩa, vô giá trị, và vô hiệu. Nó cực kỳ tốn kém. Tất cả diễn ra chỉ vì đảng Cộng sản cần diễn cho thế giới thấy rằng Việt Nam có bầu cử, và phần nào đó tô vẽ hình ảnh chính danh của đảng cầm quyền. Thì không có lý do gì mà người dân phải bỏ thời gian và công sức đi tham gia vở diễn kịch đó cả. 


Hãy dành thời gian của bạn cho gia đình bạn, cho cha mẹ, vợ chồng, con cái bạn, những người thân yêu bạn. Đó là một lựa chọn hợp lý hơn thay vì đứng xếp hàng đi bỏ phiếu, nhất là trong lúc dịch đang bùng phát ở Việt Nam. 


Mất 70 năm để Nhật Bản từ một nước nghèo đói trở thành một cường quốc. Mất 50 năm để Hàn Quốc từ một nước dân đói phải ăn vỏ cây sống trở thành một đất nước phát triển. Còn dưới sự cầm quyền của các lãnh đạo đảng Cộng sản thì sau 45 năm, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Đó là một thực tế, đừng để những con số bịp bợm mụ mị niềm tin của chính mình. Hàng ngày hàng giờ vẫn có biết bao người phải bỏ xứ ra đi bằng bất cứ phương tiện gì, để rồi có nhiều người phải bị chết ngợp trong các thùng xe tải khi vượt biên trái phép sang Anh. Họ không có lý do gì phải ra đi mạo hiểu như thế nếu Việt Nam cho họ một cơ hội và một tương lai. 


Đừng đi bầu và hãy gửi một thông điệp đến những người cầm quyền cộng sản rằng đã đến lúc phải thay đổi. Đơn giản là vì người dân các bạn đông hơn là số lượng đảng viên quan chức. Số đông luôn bao giờ cũng mạnh hơn nếu họ đứng cùng nhau. 


Gần 100 triệu dân, nếu chúng ta có một cuộc bầu cử tự do, nhiều thành phần, tất chúng ta sẽ có những đại diện ưu tú nhất nhằm dẫn dắt đất nước mau chóng trở thành một nước phát triển, chứ không phải lầm lũi đi theo con đường xã hội chủ nghĩa già nua mà không biết dẫn tới đâu của những lãnh đạo cộng sản hiện nay. 


Hãy chép và gửi thông điệp này đến với nhiều người nhất có thể. 


20.5.2021

Nguyễn Ái Quốc chính chủ.

19.5.21

Khi nào Việt Nam có dân chủ?

Bài viết về Do Thái hôm trước có đề cập đến chuyện người Do Thái khi lập nước Israel đã thực hiện một nhà nước dân chủ ngay từ đầu. Lý do là vì có nhiều phe phái, tư tưởng khác nhau, và muốn nhận được một sự đoàn kết, vì mục tiêu chung, thì tất các phe phái phải thoả hiệp. Mà muốn thoả hiệp thì tất phải được chia quyền, có tiếng nói được lắng nghe, có người đại diện cho quyền lợi của mình, và như vậy phải có dân chủ. Dân chủ do đó là một cách tổ chức xã hội nhằm đảm bảo các tiếng nói khác nhau được lắng nghe, và nhằm đoàn kết quốc gia, tránh nội chiến. 

Dân Do Thái thật ra cũng như bao nhiêu dân tộc khác. Họ cũng chia rẽ, bè phái, cũng chống đối nhau. Những ngày đầu trước khi thành lập nước có lúc dân quân hai phe Do Thái chỉa súng bắn vào nhau. Nhưng sau đó thì họ lại làm hoà với nhau và thoả hiệp dựng xây tổ quốc. Đó không phải là chuyện lạ, vì nhiều dân tộc khác cũng từng chứng kiến như vậy. 


Nói như vậy để thấy rằng những thành tố làm tiền đề cho sự xuất hiện một chế độ dân chủ đó là phải có những nhóm người có tư tưởng khác nhau xuất hiện và sau đó buộc quốc gia phải tổ chức một chế độ dân chủ nhằm thoả hiệp các khuynh hướng này. Còn nếu một khi không thể thoả hiệp được thì một nhóm buộc phải dùng đến vũ lực để giải tán hoặc triệt tiêu những nhóm còn lại để tự mình độc tôn quyền lực nhằm dẫn dắt quốc gia. 


Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là quốc hội đa đảng đầu tiên của quốc gia. Sự xuất hiện của quốc hội và chính phủ đa đảng này là một sự thoả hiệp giữa đảng Cộng sản và các đảng phái quốc gia nhằm chia sẻ quyền lực trong việc cai trị quốc gia. Nếu các đảng phái không tấn công lẫn nhau và đảng Cộng sản không triệt tiêu tất cả hẳn Việt Nam ngày nay đã có một nền dân chủ. 


Ở Miền Nam, chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm cho người tiêu diệt và bắt bớ các đảng phái quốc gia còn lại, để cuối cùng hình thành một chế độ độc tài, tương tự như miền Bắc, nhưng dễ thở hơn nhờ có tự do kinh tế, đi lại, và một số tự do ngôn luận. 


Dân chủ thực sự ở miền Nam chỉ bắt đầu xuất hiện sau cuộc đảo chính tổng thống Ngô Đình Diệm. Nó xuất hiện là bởi vì lúc này có nhiều phe phái khác nhau. Chính quyền mới buộc phải thoả hiệp hay cố gắng thoả hiệp nhằm tránh xung đột dẫn tới nội chiến quốc gia. Và việc thoả hiệp đó dẫn tới một tình trạng mới của quốc gia mà ở đó các quyền tự do ngôn luận, biểu đạt được thực hiện một cách rộng rãi, bên cạnh các quyền về tự do chính trị như bầu cử, ứng cử.


Nhiều học giả khi nghiên cứu sự hình thành các nền dân chủ cho rằng một khi dân số trở nên giàu hơn, xuất hiện một tầng lớp trung lưu, thì tầng lớp này sẽ đòi hỏi và duy trì dân chủ. Điều này không hẳn đúng. Nếu giàu có là một tiền đề dẫn đến dân chủ thì không thể nào lý giải được tại sao các nước rất giàu có, hoặc bắt đầu giàu có, nhưng người dân hoàn toàn không có những đòi hỏi nào về dân chủ hoặc có nhưng rất yếu ớt. Các nước dầu mỏ giàu có ở Trung Đông hay các tỉnh duyên hải của Trung Quốc là một ví dụ. Ngược lại, nhiều nước trở nên dân chủ khi họ còn đang nghèo, khá thiếu thốn, hoặc chỉ vừa khấm khá. Indonesia và Hàn Quốc là hai ví dụ như vậy. 


Indonesia là một đất nước vô cùng đa dạng. Đó đúng hơn là một hệ thống các đảo quốc. Và họ trở nên dân chủ từ cách đây 20 năm, khi mức thu nhập quốc gia đầu người chỉ bằng khoảng một phần ba Việt Nam hiện nay. Đối với sự đa đạng của Indonesia, để dẫn dắt quốc gia chỉ có thể giải quyết bằng hai cách như đã trình bày ở trên. Đó là hoặc một lực lượng độc tài triệt tiêu tất cả những nhóm chống đối còn lại và lãnh đạo quốc gia bằng bàn tay sắt, và đó là cách mà các viên tướng đã cầm quyền quốc gia trước khi có dân chủ. Họ đã dùng vũ lực tàn sát tất cả các lực lượng cộng sản và trấn áp đối lập để thực thi việc cầm quyền trong nửa thế kỷ. Cách thứ hai đó là thực thi dân chủ, đối thoại và thoả hiệp với các tổ chức khác nhau. Sau mấy mươi năm dưới chế độ quân sự, các thế hệ trẻ xuất hiện cùng với các tư tưởng mới nảy sinh và đó là nền tảng cho sự xuất hiện các nhóm đối lập về tư tưởng, quyền lợi buộc Indonesia phải dân chủ hoá nếu muốn tồn tại. 


Tiến trình dân chủ hoá ở Hàn Quốc cũng tương tự như ở Indonesia. Tướng Phác Chính Hy đã dẫn dắt quốc gia trong suốt 17 năm biến đất nước từ chỗ là một quốc gia hỗn loạn và nghèo đói trở thành một quốc gia khấm khá, ngang bằng với mức sống của người dân Việt Nam ngày nay, thì bị ám sát bởi giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, đồng minh thân cận của ông ngay trong Nhà Xanh. Tướng Chun Doo-hwan, sau các cuộc chỉnh lý, lên thay làm tổng thống. Quá trình dân chủ hoá ở Hàn Quốc bắt đầu phát triển mạnh từ đây khi mà Chun Doo-hwan không thể triệt tiêu được các nhóm đối lập khác nhau, hiện diện cả trong giới quân sự và dân sự. Việc cầm quyền quốc gia sau đó buộc phải thông qua bầu cử nhằm có được tính chính danh, nếu không muốn nổi loạn. 


Quá trình dân chủ hoá ở Đài Loan cũng tương tự dù khi thực hiện dân chủ hoá Đài Loan đã là một nền kinh tế có thu nhập cao. Mầm mống dân chủ của Đài Loan xuất hiện chỉ sau khi Tưởng Giới Thạch chết, mở đường cho các nhóm quyền lực khác nhau lớn mạnh. Tưởng Kinh Quốc lên nắm quyền nhưng không thể cai trị bằng bàn tay sắt như cha của ông. Ông buộc phải thoả hiệp với các nhóm quyền lực khác nhau nhằm duy trì quyền lực. Sự lớn mạnh của các nhóm quyền lực khác nhau sau đó buộc Lý Đăng Huy, tổng thống kế tiếp, phải hợp pháp hoá vị trí tổng thống thông qua bầu cử, thực hiện dân chủ hoá.


Trở lại Việt Nam, câu hỏi là chừng nào Việt Nam có dân chủ? Nếu nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử ở trên thì chúng ta sẽ thấy rằng những thành tố cho quá trình dân chủ hoá của Việt Nam đã bắt đầu hình thành. Đó là sự xuất hiện của các nhóm có tư tưởng khác nhau. Bốn năm dưới thời chính quyền tổng thống Donald J Trump, người Việt chứng kiến hai nhóm có tư tưởng khác nhau rõ rệt, một nhóm cánh tả và một nhóm cánh hữu, điều chưa từng có bao giờ sau gần nửa thế kỷ. 


Đó là một điều đáng mừng. Đáng mừng là vì nếu sau gần nửa thế kỷ mà người Việt chỉ có đi theo một trào lưu hay một tư tưởng, dù tả hay hữu, thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ có dân chủ. Nếu là hoàn toàn tả khuynh, chắc chắn họ sẽ chấp nhận một nhóm cánh tả nào đó dẫn dắt quốc gia, còn nếu hoàn toàn hữu khuynh chắc chắn chính trường Việt Nam sẽ hoàn toàn bị khống chế bởi một đảng cánh hữu tương tự như Singapore. Dân chủ trước hết phải có sự hiện diện của các nhóm đối lập nhằm kiểm soát và cân bằng. 


Cái mà người Việt đang thiếu đó là sự kết hợp và kết thân của những người có cùng tư tưởng với nhau. Nhưng điều đó sẽ đến sớm thôi, nhất là trong thời đại thông tin lập tức như hiện nay. Và khi mà những nhóm người có các tư tưởng khác nhau được hình thành trong xã hội, trong chính quyền, và trong quân đội, thì Việt Nam buộc phải dân chủ hoá nếu không muốn thấy nội chiến. 


Nguyễn Huy Vũ

19.5.2021

18.5.21

Nhà nước Do Thái: xung đột và thành hình

Cuộc xung đột Do Thái và Palestine đã khởi đầu được mấy hôm. Dự đoán là phe Do Thái sẽ quyết tâm triệt hạ tất cả những cơ sở và ban lãnh đạo của Hamas nhằm tiến tới thiết lập một thành phố Gaza nằm dưới sự coi sóc của chính quyền Do Thái. Song song đó các chính quyền Do Thái sẽ tiếp tục lấn đất bằng cách xây các khu định cư ở Bờ Tây nhằm cắt khu Bờ Tây thành các khu nhỏ trước khi sáp nhập hoàn toàn vào Israel. Có như vậy thì mới đạt được hoà bình lâu dài cho nhà nước Do Thái. Đó là chiến lược của họ. Còn đúng hay sai về mặt luật pháp quốc tế thì lại là một chuyện khác. Giả sử 10 năm tới họ sáp nhập hoàn toàn phần đất của người Ả Rập thì 100 năm sau sẽ là một việc ngây ngô nếu có ai đó đòi thực hiện chính sách hai quốc gia. 

Nguồn gốc của cuộc xung đột Do Thái và Palestine không hẳn là chỉ duy nhất xuất phát từ tôn giáo. Nếu như chỉ duy nhất xuất phát từ tôn giáo thì hẳn hai phe, một phe theo đạo Do Thái và một phe theo đạo Hồi, đã đánh nhau to một mất một còn hồi vùng này còn nằm dưới sự coi sóc của người Anh hay trước đó là từ đế quốc Ottoman, và làm gì có chuyện mà hai nhóm người theo Do Thái giáo và Hồi giáo sống chung với nhau, người Do Thái đi mua đất lại từ người Hồi giáo để lập nên các đồn điền. 


Cuộc xung đột chỉ bắt đầu khi những người Do Thái bắt đầu tuyên bố độc lập, lập nên nhà nước Do Thái. Cuộc xung đột đó khởi nguồn từ các yếu tố chính trị, mang bóng dáng của một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm. 


Lúc mới thành lập nhà nước, những người lãnh đạo nhà nước Do Thái chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội, và họ muốn biến Israel thành một nhà nước theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nhưng dĩ nhiên trước hết là một nhà nước dân chủ. Họ thực hiện dân chủ ngay từ đầu vì xã hội có nhiều nhóm theo các khuynh hướng khác nhau và dân chủ là cách duy nhất để có thể duy trì được đồng thuận và thoả hiệp trong các chính sách. 


Nhắc lại một chút là cũng chính vì có những nhóm chính trị khác nhau mà Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hình thành nên một quốc hội dân chủ đa đảng đầu tiên. Chỉ khi các phe xử lý và triệt tiêu nhau bằng bạo lực thì dân chủ mới chấm dứt. Do đó, dân chủ chỉ xuất hiện khi xã hội hình thành các nhóm đa dạng gắn kết về tư tưởng.


Chính vì nhà nước Do Thái chủ trương thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa — mà hai ví dụ điển hình còn tồn tại đến ngày nay đó là hệ thống hợp tác xã và các công xã gọi là kibbutz — mà Liên Xô ngay lập tức ủng hộ việc thành lập nhà nước Do Thái. 


Việc thành lập một nhà nước xã hội chủ nghĩa ngay tại vùng Trung Đông mới là cái gai đối với các nước độc tài Ả-Rập còn lại. Các nước Ả Rập sợ rằng Do Thái sẽ là một vệ tinh của Liên Xô, làm lan truyền chủ nghĩa xã hội và đưa những chiến binh cộng sản xâm nhập vào xã hội của các chế độ Hồi giáo nhằm làm cách mạng. Khoảng thời gian sau Thế chiến thứ Hai này là khoảng thời gian cạnh tranh quyết liệt giữa hai phe tư bản và cộng sản (xã hội chủ nghĩa). Xã hội chủ nghĩa là một mỹ từ nhằm tuyên truyền cho tổ chức cộng sản đứng bên dưới nó. Chính vì vậy mà các nước Ả Rập quyết liệt chống lại việc thành lập một nhà nước Do Thái ngay tại vùng Trung Đông. 


Lẽ dĩ nhiên khi các nước Ả Rập phát động chiến tranh chống lại Do Thái, các lãnh đạo độc tài và giới lãnh tụ tôn giáo không nói thẳng ra là phải bóp nó chết để không lan truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa làm nổi loạn xã hội của chúng ta. Họ sẽ bịa ra một câu chuyện khác đó là kích động sự thù hằn tôn giáo giữa người Ả Rập ở Palestine với người Do Thái và khuếch trương các mâu thuẫn cũng như cung cấp vũ khí và các khoản hỗ trợ để mượn người Ả Rập triệt hạ đất nước Do Thái non trẻ. 


Người Do Thái có các nhóm khác nhau. Một nhóm vận động được sự ủng hộ của Liên Xô, còn các nhóm khác vận động được sự ủng hộ của Anh, Mỹ. Chính sách của người Do Thái lúc đầu mới thành lập nước là trung lập, không theo nước nào cả. Liên Xô lúc đầu ủng hộ Do Thái vì nghĩ rằng họ theo chủ nghĩa xã hội và họ đang thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa. Còn người Mỹ ủng hộ vì dân Do Thái vận động hành lang ở chính trường Mỹ và cũng vì Do Thái là nước theo hình mẫu dân chủ ngay từ đầu. Nếu người Liên Xô muốn dùng Do Thái như một đồng minh ý thức hệ thì người Mỹ cũng vậy. Người Do Thái sau đó từ từ nghiêng về phương Tây và Hoa Kỳ, và cho đến nay họ được xem như là một thành viên không chính thức của Liên minh châu Âu, có các trao đổi về văn hoá, khoa học kỹ thuật chung nhau. 


Khi Liên Xô hiểu ra vấn đề thì lại quay sang ủng hộ các nước Ả Rập và tấn công ngược lại Do Thái, không muốn Hoa Kỳ và Do Thái lôi kéo thêm nhiều đồng minh. Hiểu được điều đó mới hiểu tại sao trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa liên minh các nước Ả Rập chống lại Do Thái thì phía Do Thái có đồng minh Hoa Kỳ chống lưng, còn phía phe Ả Rập thì ngoài các nước Ả Rập còn có Liên Xô và Cuba, hai nước cộng sản, chống lưng. Liên Xô (và sau này là Nga) khi ủng hộ các nước Ả Rập trong cuộc chiến năm 1973 hay các cuộc chiến sau này như trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với Syria trong vòng hơn 10 năm lại đây chủ yếu vì họ muốn có một vị thế chiến lược trong khu vực nhằm đối trọng lại với người Mỹ. 


Giới cầm quyền ở Jordan, Ai Cập, hay Ả Rập Xê út sau khi hiểu ra vấn đề rằng Israel và Mỹ không có ý muốn làm cách mạng ở vùng này thì sau đó họ lại trở thành đồng minh của Mỹ và cũng chẳng còn ủng hộ các nhóm phiến quân chống chính quyền Do Thái nữa. Cho nên năm trước mới có việc ông con rể của tổng thống Donald J Trump giúp thoả thuận ký hiệp ước hoà bình giữa các nước Ả Rập với Do Thái mà thực chất là từ lâu rồi giữa các nước này và Do Thái chẳng còn xích mích gì nữa. 


Chỉ có duy nhất Iran là còn thù địch với Israel vì thật ra Iran cũng là một nạn nhân của cuộc chiến ý thức hệ còn sót lại. Iran thù địch với Mỹ và cho rằng Israel là một cánh tay nối dài của Mỹ ở Trung Đông. Iran vì vậy mà vừa ủng hộ các nhóm phiến quân Ả Rập ở Palestine chống Israel, vừa cố làm bom nguyên tử để bảo vệ mình. Israel lo ngại Iran làm xong bom nguyên tử thì có ngày nó bỏ bom mình nên liên tục phá hoại chương trình làm vũ khí của Iran. 


Iran thù địch với Mỹ khởi đầu từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran. Trước khi có nhà nước thần quyền Hồi giáo hiện nay, Iran được cai trị bởi đế chế Pahlavi. Vua Shah của đế chế Pahlavi là một người thân Mỹ và phương Tây, chủ trương của ông là cải cách kinh tế xã hội nhằm làm tăng tính chính danh của mình và đập tan các nhóm cộng sản đang len lỏi vào đất nước. Ông cho thực hiện một loạt cải cách mà sau này được gọi là cuộc Cách mạng Trắng, trong đó có chia lại ruộng đất cho dân nghèo và cải cách giáo dục sang chế độ thế quyền. Kẻ thù của ông do đó là hai nhóm chính, một nhóm là các địa chủ bị mất đất và nhóm thứ hai là những người theo văn hoá truyền thống với các giáo sỹ Hồi giáo thấy rằng quyền lực của mình trong việc giáo hoá tín đồ, dạy dỗ dân chúng bị tước mất. Họ chống đối và kết hợp với nhau cùng với các nhóm cộng sản cánh tả lật đổ ông. Ngay sau khi lập nên nước Hồi giáo, ngay lập tức Liên Xô là nước đầu tiên công nhận, hi vọng họ trở thành một đồng minh của mình. Các lãnh đạo tinh thần nhà nước Hồi giáo Iran sau đó thấy rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần không ăn khớp với chủ nghĩa Hồi giáo thần quyền nên chỉ duy trì mối quan hệ với Liên Xô và sau đó với Nga vì các lợi ích ngắn hạn. Ngay khi lập nên nhà nước Hồi giáo ở Iran thì các nhóm vũ trang bắt giam các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ gây ra cuộc khủng hoảng con tin vào năm 1979. Hoa Kỳ ngay lập tức áp đặt cấm vận. Các nhà ngoại giao sau đó được thả ra, đổi lại Hoa Kỳ dỡ bỏ các cấm vận. Nhưng sau đó 6 năm thì Hoa Kỳ lại áp đặt cấm vận lại vào năm 1987 vì Iran hỗ trợ các nhóm phiến quân khác nhau nhằm biến vùng này thành một vùng nằm trong vòng ảnh hưởng của các thế lực thần quyền Iran. 


Người Ả Rập ở Palestine do đó trở thành một con cờ bị lợi dụng của các thế lực khác nhau. Năm xưa, họ không thể chấp nhận việc phân chia vùng Palestine thành hai quốc gia khác nhau như đề xuất của Liên Hiệp Quốc vì đứng sau họ là các nước Hồi giáo Ả Rập. Ngày nay, phe Hamas cũng không thể chấp nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái, vì đứng sau họ là Iran và một nhóm dân Hồi giáo cực đoan. Người Ả Rập ở Palestine chia làm hai, nhóm ôn hoà ủng họ Fatah, còn nhóm cực đoan ủng hộ Hamas. Nếu các lãnh đạo Hamas trở nên ôn hoà thì ngay lập tức sẽ xuất hiện một Hamas khác vì không thể loại trừ được hết tất cả những người Ả Rập ở Palestine vốn muốn ăn thua đủ với người Do Thái. 


Và cuối cùng, sẽ là một thiếu sót nếu không tóm lược sơ khởi hành trình dựng nước của người Do Thái. Vùng Palestine là tên gọi của một vùng rộng lớn nằm dưới sự cai trị của người Anh gồm cả lãnh thổ của Israel và vùng Bờ Tây và dải Gaza ngày nay. Trước Thế chiến thứ Hai, vùng này, cũng như nhiều vùng khác ở Trung Đông, kể cả Iran ngày nay, đều có dân Do Thái sinh sống. Sau khi bị các thế lực khác nhau đánh chiếm, từ thời La Mã cho đến Ottoman, và sau đó là người Anh, thì người Do Thái không có quê hương, họ bị bách hại và nhiều người bỏ xứ ra đi tản mác. Họ gắn kết nhau chủ yếu nhờ tôn giáo, vì vậy mà nói là dân Do Thái nhưng màu da và màu tóc của họ khác nhau, ngôn ngữ thường dùng hàng ngày của họ cũng khác nhau. Có dân Do Thái Đông Âu, Tây Âu, thì cũng có dân Do Thái Ả Rập, châu Phi, và cả Do Thái châu Á. Họ bị khinh miệt, nghi ngờ và phân biệt đối xử ở khắp những nơi họ đến định cư. 


Nhìn thấy cảnh khốn cùng của dân Do Thái, một nhà báo gốc Do Thái ở Viên, Áo, tên là Theodor Herzl mới viết một cuốn sách nhỏ có tên gọi là “Nhà nước Do Thái”, đưa ra viễn kiến rằng chỉ có thành lập một nhà nước Do Thái riêng cho họ thì người Do Thái mới không còn bị kỳ thị nữa ở châu Âu. Và để thực hiện viễn kiến đó, ông đề xuất rằng người Do Thái nên tổ chức mua đất để định cư và từ đó thành lập nên nhà nước của mình. Theodor Herzl sau đó đi vận động ở các cộng đồng Do Thái khác nhau nhằm quyên tiền ủng hộ, tổ chức chuyên chở người Do Thái về mua đất định cư. Dân Do Thái về định cư ở vùng Palestine đông dần và sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai thì họ vận động Liên Hiệp Quốc cho thành lập nhà nước Do Thái đầu tiên. Lúc đầu, đa số người Do Thái không biết dùng chữ của tổ tiên họ, tức chữ Hebrew. Vì đã lưu lạc khoảng 2000 năm, sống ở đâu thì họ chỉ nói được tiếng nói vùng đó là chủ yếu. Tiếng Hebrew của tổ tiên họ là một ngôn ngữ chết lúc này, không ai nói, và nó chỉ là ngôn ngữ dùng trong các quyển kinh tôn giáo. Các lãnh đạo sau đó quyết chọn dùng tiếng Hebrew làm ngôn ngữ quốc gia và dạy cho người dân từng vài trăm chữ để làm quen. Từ từ, tiếng Hebrew hồi sinh thành một ngôn ngữ sống động như ngày nay. 


Người Do Thái cho đến ngày thành lập nước năm 1948 thì họ vẫn là một sắc dân thiểu số ở vùng Palestine. Trong cuộc chiến đầu tiên, khi người Ả Rập nổi dậy chống lại họ, lính Do Thái vừa tấn công người Ả Rập vừa loan truyền tin đồn rằng người Do Thái rất ác, thảm sát cả một ngôi làng, dân Ả Rập vì vậy mà sợ chạy, bỏ xứ đi tị nạn. Dần dần, cùng với việc liên tục đón nhận thêm người Do Thái ở các nước khác quay về, nhất là những người Do Thái ở khối Liên Xô cũ sau khi Liên Xô sụp đổ, sau này người Do Thái trở nên chiếm đa số. Giờ đây họ chiếm tỉ lệ khoảng 80%, còn lại là dân Israel gốc Ả Rập. 


Nhóm người Do Thái ở Liên Xô cũ về đa phần trẻ và được đào tạo tốt đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Israel. Đây là thời điểm mà Israel thử nghiệm chính sách kinh tế Yozma. Đối diện với một lượng lớn người nhập cư về, chính quyền Israel buộc phải lo các kế hoạch an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho họ. Hàng trăm ngàn người như vậy, đa phần là chuyên gia, kỹ sư có học. Nền kinh tế của Israel lúc này không thể hấp thụ được hết những người này. Buộc các nhà làm chính sách nghĩ ra các phương kế khác nhau. 


Một trong các đề xuất là khuyến khích họ khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp cần kỹ năng thôi thì không đủ mà cần thêm vốn, khả năng quản lý, đầu tư, mở rộng sản xuất, kết nối với thế giới để bán hàng. Những kỹ sư này có thể làm ra sản phẩm nhưng vấn đề còn lại thì hầu như không thể vì họ không biết và nền kinh tế của Israel lúc này cũng chưa đạt được tới khả năng đó. Lúc đầu, giới chính sách cung cấp tiền hỗ trợ trực tiếp cho họ, những người khởi nghiệp. Nhưng đa số tiền hỗ trợ không đi vào đâu cả, chính sách coi như thất bại. Sau những lần thử và thất bại như thế, chính quyền sau đó thử nghiệm một chính sách mới và đem lại thành công rực rỡ, dẫn đến hàng loạt các công ty công nghệ của Israel sau đó được liệt kê lên các sàn chứng khoán của Hoa Kỳ. Chính sách này sau đó được các nước khác học hỏi, thi hành. Singapore là một nước như vậy, và Singapore cũng đạt được những thành công. 


Chính sách này được gọi là Yozma, tiếng Hebrew nghĩa là khởi đầu. Một cách tóm lược thì chính quyền Israel đưa ra điều kiện rằng khi mà một doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực được ưu tiên nhận được vốn đầu tư từ một tổ chức nước ngoài thì chính quyền sẽ cho doanh nghiệp của mình được vay một khoản ưu đãi nhất định, cùng với nó là các điều kiện ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đối tác đầu tư vào đây. Nhờ vào chính sách Yozma này mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel sau đó tăng tốc, hợp tác được với các quỹ đầu tư thế giới, và đưa doanh nghiệp Israel kết nối với thế giới tài chính, công nghệ ở Mỹ và phương Tây. 


Nguyễn Huy Vũ

17.5.2021

2.5.21

Văn hoá và cách biệt xã hội

Từ thị trấn ven biển, mất khoảng hai tiếng lái xe, qua bao nhiêu là những đồn điền trồng bắp, những đồng bắp chạy dài từ những cánh đồng bằng phẳng, leo lên núi, rồi lại xuống đồng phẳng, là đến một thị trấn nông thôn miền núi, ngoại ô của một thành phố đồng bằng. Vùng này có những con sông, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, đồi núi chập chùng, dân từ xưa tập trung đông làm nông nghiêp, nhờ vậy mà thành một vùng trù phú. Nhìn cảnh nhà cửa xây cất tươm tất, tôi bất chợt bảo ông bạn đi cùng rằng ở đây người dân có vẻ giàu có hơn người dân xứ biển dưới kia. Ông bạn đi cùng, một chủ thầu xây dựng, chưa từng học kinh tế, ngắt lời, giàu nghèo nó cũng tuỳ. Ở dưới kia, dân họ đi biển, một tuần có khi kiếm vài ngàn đô, nhưng kiếm tiền về họ đem nhậu hết, nhậu có khi mấy ngày liền. Không biết để dành lẫn chi tiêu, vì vậy mà họ nghèo. Còn dân trên này, họ tiết kiệm. Dân vùng núi, kiếm tiền nhờ trồng trọt, khai thác lâm sản, làm thợ thủ công, và buôn bán nhỏ. Họ biết tiết kiệm hơn, nhờ vậy mà tươm tất hơn. Đó là do văn hoá. Rồi ông kể tiếp, dân trên này sau này kinh tế khó khăn, họ dạt xuống thành phố biển dưới kia, vì vậy mà giúp thành phố biển dưới kia phát triển. 

Trong kinh tế học dòng chính, để lý giải cho sự phát triển của một vùng hay một quốc gia, người ta dựa chủ yếu vào ba đại lượng đong đếm được đó là năng suất lao động, lượng nhân công, và nguồn vốn. Và đứng sau tác động lên cả ba đại lượng đó là văn hoá, giáo dục và tri thức. Văn hoá bao gồm những kiến thức được học từ gia đình và cộng đồng, những thói quen, tín ngưỡng, niềm tin, sự suy nghiệm, khả năng phán xét, và nhận thức nói chung của một con người. Văn hoá nó dẫn dắt một người rằng có nên xem trọng tri thức và giáo dục không, và từ đó ảnh hưởng đến mức tri thức và giáo dục mà người đó cố gắng tiếp nhận được. Làm việc chăm chỉ, biết tiết kiệm, biết cách mua bán, giao tiếp, biết đầu tư, biết cách giải quyết vấn đề…là những thói quen mà một người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình và cộng đồng, và đó cũng là những tính cách quyết định mức độ sung túc của một người. 


Không đâu mà khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách văn hoá, cách biệt như ở Nam Mỹ. Cách biệt giữa thành phố và nông thôn, giữa người da trắng, da màu và da đen, giữa vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển. Chỉ cần lái xe đi vài tiếng đồng hồ đã cảm thấy được sự cách biệt. 


Da càng trắng thì thường càng giàu. Chính trường vì vậy cũng chủ yếu được kiểm soát bởi đa số những người da trắng. 


Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Đó là ở văn hoá. 


Nam Mỹ cũng như Bắc Mỹ, nơi đây được gọi là Thế giới Mới (New World). Ở Thế giới Mới này, vô số những người nhập cư đến đây hàng ngày hàng giờ. Họ đến từ mọi miền của thế giới. Nếu như ngày nay, người châu Á chủ yếu tìm kiếm các cơ hội nhập cư vào Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada, vì ở đây có họ hàng, bà con, có cộng đồng, có công việc, cơ hội, có nền giáo dục tốt, có chế độ an sinh xã hội hay nhiều lý do khác nhau, thì Nam Mỹ vẫn còn là một vùng đất cách biệt, hoang sơ, ít được biết đến, nhưng nó vẫn ngày ngày đón nhận thêm những dòng người nhập cư, chủ yếu là người da trắng từ các nước châu Âu lục địa, từ Mỹ, từ Canada, và một số người Hoa từ Trung Quốc lục địa. 


Trong thế giới hỗn tạp với vô số con người của thế giới mới này, như Bắc Mỹ, không ai biết ai, không ai tin ai, và người ta hoạt động chủ yếu dựa vào uy tín. Mà uy tín có được hoặc là nhờ ở sự hợp tác lâu dài, quen biết lẫn nhau, hoặc là từ ở sự giới thiệu. 


Ở châu Âu, nhờ ở vai trò tổ chức xã hội chặt chẽ của chính quyền, bằng cấp và tước vị được ghi nhận như là thước đo cho trình độ, khả năng hay uy tín của một người. Bằng cấp hay tước vị do đó được dùng như một thứ để tham khảo trong các hoạt động đề bạt hay hợp tác.


Điều này hoàn toàn vắng bóng ở Thế giới Mới. Cả Nam Mỹ và Bắc Mỹ do đó các hoạt động dựa chủ yếu trên sự giới thiệu. Uy tín và mạng lưới bạn bè của một người trở nên cực quan trọng. Cả hai điều này, uy tín và mạng lưới bạn bè, đều mang tính kế thừa, và nó thuộc một phần về văn hoá. Gia đình có uy tín trong một hoạt động nào đó thì những đứa con nhờ đó cũng thừa hưởng điều này. Nhờ thừa hưởng uy tín và mạng lưới bạn bè mà thế hệ kế tiếp có thể dễ dàng phát triển những hoạt động của mình. 


Cả hai điều này, uy tín và mạng lưới bạn bè, là những thứ đòi hỏi thời gian xây dựng mà người ngoài không dễ dàng có được. Điều đó lý giải tại sao sự giàu có và thành công quẩn quanh ở một nhóm người, một nhóm sắc tộc, mà khó thể mở rộng ra các sắc tộc khác dù hầu như không có bất kỳ một rào cản nào khác hạn chế những sắc tộc khác tham gia vào các hoạt động từ kinh tế đến chính trị. 


Khi những người da trắng đầu tiên di cư qua những vùng đất Nam Mỹ, công việc đầu tiên họ chọn là khai phá nông nghiệp, mở những nông trại, đồn điền. Họ tập trung ở các vùng đồng bằng, dọc những dòng sông, hoặc những thảo nguyên rộng lớn có khí hậu ôn đới. Ngày nay, những vùng này trở thành những thành phố sầm uất với nhiều người da trắng. Người thổ dân bản địa sống chủ yếu ở các vùng duyên hải nghèo khó hoặc vùng rừng Amazon. 


Người da trắng đến Nam Mỹ đem theo luôn văn hoá châu Âu của họ. Trong văn hoá này, ngoài đức tin Thiên chúa, họ cũng chú trọng quan tâm đến kiến thức và học vấn hơn hẳn những người dân bản địa khác. Nhờ học vấn và tri thức, người da trắng dần dà nắm giữ hầu hết các chức vụ then chốt trong hệ thống công quyền dù họ hiện nay là một thiểu số trong cộng đồng. 


Nguyễn Huy Vũ

2/5/2021

Những sai lầm dẫn đến sụp đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà

Gần nửa thế kỷ kể từ khi Mỹ rút quân và chính quyền miền Nam nhanh chóng sụp đổ. Có nhiều bài học cần rút ra nhằm trả lời cho sự thất bại này. Những bài học không chỉ để đánh giá quá khứ, mà nó cần được nhắc nhớ làm hành trang cho sự kiến tạo đất nước mai sau. Dưới đây là những bài học như vậy. 


Thứ nhất, Mỹ đã can thiệp để đổ quân vào Miền Nam quá sớm. Có lẽ Mỹ lo ngại rằng chính quyền miền Nam sẽ bị sát nhập vào với miền Bắc cộng sản hoặc miền Nam sẽ bị thua. Nhưng những lo ngại như vậy hầu như chỉ nằm ở mức dự đoán thậm chí cho tới ngày anh em ông Ngô Đình Diệm bị sát hại. 


Việc Mỹ đổ quân vào quá sớm tự hành động đó đã tạo ra hai điểm yếu. Điểm thứ nhất đó là cái cớ để những phe chống đối Mỹ và chống chính quyền miền Nam tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược và chính quyền miền Nam được Mỹ dựng lên. Điều này làm yếu đi tính chính danh của việc đổ quân vào miền Nam, và nó cũng làm mờ đi tính chính danh của chính quyền miền Nam. 


Việc Mỹ đổ quân vào quá sớm cũng khiến cho người dân miền Nam hầu như không có trải nghiệm gì đáng kể với các lực lượng cộng sản. Nếu như người dân Nam Triều Tiên bị tàn sát bởi các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên, bị đẩy tới đường cùng, trước khi Mỹ và Liên Hiệp Quốc can thiệp, từ đó dẫn tới tinh thần quyết tâm chống cộng của người miền Nam Triều Tiên, thì điều đó hầu như không có ở miền Nam Việt Nam. 


Ở miền Nam, ngoại trừ ở các khu vực hẻo lánh vùng núi, nông thôn, các cán bộ cộng sản cầm súng, cầm dao vào đe doạ bắt đi lính, nộp vàng cho cách mạng, hay khủng bố người dân bằng cách cắt cổ, đập đầu, giết người quăng xuống giếng, thả trôi sông, thì tình hình ở thành phố tương đối hoà bình. Nhờ vậy mà giới trí thức, văn nghệ sỹ, sinh viên ở thị thành hầu như không có ác cảm gì với lực lượng cộng sản. Chính vì vậy mà nhiều ông trong giới trí thức đã tự nguyện đi vào bưng với niềm tin thơ ngây rằng “giải phóng” đất nước khỏi ách Mỹ, Nguỵ nhằm đem lại tự do, dân chủ, văn minh. Họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc thơ ngây, giàu lòng bác ái nhưng ngây thơ về chính trị. Cuối cùng thì vỡ mặt sau ngày 30/4/1975. Người có ý thức thì ngậm ngùi sống cho qua ngày, nghĩ rằng mình đã đi một bước sai lầm. Người có chính kiến hơn thì quay sang chống đối. Còn kẻ xu thời thì tiếp tục tung hô chế độ để kiếm chút bổng lộc. 


Trong một xã hội, đứng trước một vấn đề sống còn như vậy mà giới trí thức chia hai, một nửa đi ủng hộ lực lượng đối địch dẫn đến một xã hội mất đoàn kết. Đứng trước một kẻ thù mà đất nước mất đoàn kết thì trước sau gì cũng bại. 


Nếu Mỹ đổ quân vào muộn hơn, để người dân miền Nam tự trải nghiệm với lực lượng cộng sản nhiều hơn, chắc chắn họ sẽ hiểu ra vấn nạn cộng sản và sẽ đoàn kết hơn. Và khi mà người dân đoàn kết hơn thì chắn chắn một điều rằng lực lượng cộng sản miền Bắc sẽ bị đánh bại nếu họ được trang bị đầy đủ. 


Sở dĩ phe cộng sản đánh bại được phe cộng hoà là vì phe cộng sản đã sử dụng chiến thuật phân hoá xã hội, cụ thể ở đây là tuyên truyền về sự phân hoá xã hội: về địa chủ-nông nô, trí thức-nông dân, tư bản-vô sản, mà nói theo ngôn ngữ cộng sản là những cặp phạm trù. Bằng cách kéo một phe của cặp phạm trù về phía mình, phe cộng sản đã bẻ gẫy mối liên kết xã hội, khiến xã hội phân rã, từ đó dẫn đến loạn lạc, và nhờ vậy mà họ dễ dàng khống chế. 


***


Thứ hai, Mỹ đã chọn một chủ thuyết sai lầm. Để chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ đã cố xây dựng miền Nam Việt Nam thành một xã hội dân chủ, với hi vọng một xã hội dân chủ thịnh vượng sẽ là ngọn đuốc sáng khuyến khích người dân các nước khác trong khu vực nhìn vào tấm gương Việt Nam Cộng Hoà mà đứng về phía của thế giới tự do. Tương tự như cách mà Hoa Kỳ đã dựng nên một Tây Đức dân chủ thịnh vượng chống lại Đông Đức cộng sản và trở thành ngọn hải đăng về dân chủ của châu Âu lục địa. 


Khác biệt ở chỗ là người dân miền Nam Việt Nam lúc này chưa hiểu và chưa đánh giá được dân chủ nó quý giá tới mức nào. Ký ức Miền Nam Việt Nam cho đến lúc này chưa bao giờ trải qua một chế độ nào tàn bạo, kể cả các chế độ phong kiến ngoại trừ các trải nghiệm của họ với phe Tây Sơn mà trong đó chính quyền Tây Sơn đã thực hiện các cuộc thảm sát dẫn tới người miền Nam đã bỏ theo phe Nguyễn Ánh. Chính vì vậy mà đối với họ, một chế độ dân chủ nửa vời chẳng khác bao nhiêu một chế độ thuộc Pháp. Dân chủ vì vậy mà không phải là nhu cầu của người dân miền Nam lúc này. 


Đối với người dân miền Nam cho đến lúc này, một nước vừa ra khỏi chế độ phong kiến, bị lệ thuộc Pháp, mong mỏi của họ là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 


Sự sai lầm trong chủ thuyết của Mỹ dẫn đến việc Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam nhưng không có đồng minh địa phương. 


***


Thứ ba, một xã hội tự do chính nó đã là một điểm yếu trong việc đoàn kết chống lại một lực lượng độc tài. 


Trong một xã hội tự do, thông tin được tự do đưa ra, vì vậy mà phía đối phương thoải mái sử dụng các thông tin đó để đánh giá tình hình nội bộ của mình. Ngược lại, sự mờ mịt thông tin trong các chế độ độc tài khiến phe dân chủ hầu như chẳng biết gì mấy thông tin trong các chế độ này. Mà thông tin đóng phần vô cùng quan trọng trong các chiến dịch thắng lợi.


Việc cho phép thông tin tự do trong các xã hội dân chủ vì vậy nó cũng trở thành kẽ hở để phe độc tài lợi dụng hòng tuyên truyền những luận điểm có lợi cho chủ trương của mình. Xã hội miền Nam Việt Nam cởi mở, cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ, vì vậy mà chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-xít, chủ nghĩa xã hội độc tài được dịp thoải mái trình bày mà không có bất kỳ sự ngăn cấm nào, từ đó nó dẫn đến sự hình thành một nhóm người theo chủ nghĩa xã hội, và nhóm này tự nhiên trở thành một đối lập với chính quyền cố gắng xây dựng chủ nghĩa tư bản. Và thực tế cho thấy nhóm này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc khuấy động đời sống chính trị xã hội miền Nam Việt Nam.


Trong một chế độ độc tài, chính quyền dễ dàng tập trung nhân lực, vật lực cho một mục tiêu nào đó mà không cần phải giải thích nhiều. Xã hội vì vậy trở nên rất đoàn kết vì một mục tiêu nào đó. Ngược lại, trong một xã hội dân chủ, để tập trung cho một mục tiêu, các chính trị gia buộc phải thuyết phục người dân. Nhưng không phải lúc nào thuyết phục cũng thành công. 


***


Thứ tư, người ngu thì không sợ chết. Ngu ở đây là ngu trung. Ngu trung tức là tin một cách không đặt dấu hỏi về một điều gì đó. Có nhiều ví dụ, nhưng ví dụ rõ nét nhất là các võ sỹ sẵn sàng tử đạo. Đó là lý do mà trước các trận đấu tướng lĩnh phải lên giây cót tinh thần, khích động toàn quân. 


Trong chế độ cộng sản ở miền Bắc trong thời chiến, các quân nhân được tuyên truyền tối đa về Mỹ và miền Nam Cộng hoà. Đây là quá trình ngu trung hoá những người lính, khiến họ trở nên không sợ chết nữa khi ra trận. 


Ngược lại, ở phía các xã hội tự do, mà ở đây là miền Nam Việt Nam, mỗi một sinh mạng là một con người, một thành viên của gia đình và xã hội, người dân trân quý cuộc sống hơn, và vì vậy mà trở nên sợ chết hơn. Các thanh niên đến tuổi đi lính ai cũng muốn khai tuổi thấp lại để khỏi phải ra trận. Những quân nhân vì vậy mà không muốn chiến đấu nếu họ không đứng trước chọn lựa sinh tử. Và họ lại càng không muốn chiến đấu khi phải bắn vào những người đồng bào mình ở miền Bắc. Từ đó mới hình thành cái gọi là rã ngũ. Rã ngũ tức là các quân nhân không chiến đấu nữa, buông bỏ vũ khí khi quân đội cộng sản miền Bắc thực hiện chiến dịch Mùa Xuân 1975 lúc mà quân Mỹ không còn bên cạnh. 


***


Thứ năm, các chính quyền Miền Nam Cộng hoà đã thực hiện nhiều sai lầm chiến lược về mặt quân sự. 


Sai lầm thứ nhất là quân đội chủ yếu dựa vào nam giới. Trong trường hợp phải đối phó với một kẻ địch mạnh, nhu cầu cần có một đội quân bao gồm tất cả mọi giới là một điều cần thiết. Phụ nữ và trung niên vì vậy cũng cần phải được đào tạo để trở thành những quân nhân chuyên nghiệp hoặc dự bị. 


Sai lầm thứ hai là không đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, tiến tới tự chủ sản xuất vũ khí, và dự trữ những nguồn năng lượng dự phòng. 


Sai lầm thứ ba là rút quân. Binh pháp có dặn rút quân khó hơn ra quân. Ra quân thì quân lính trong tư thế chuẩn bị, mọi việc đã được sắp xếp, vì vậy mà đội hình nghiêm chỉnh. Ngược lại, rút quân thường trong trạng thái vội vã, thiếu chuẩn bị, hoảng sợ, vì vậy dẫn đến rối loạn đội hình, dễ làm mồi cho kẻ địch. Việc rút quân trong hoảng loạn ở miền Trung đúng ra đã là một bài học cho giới lãnh đạo quân đội miền Nam. Nhưng họ đã không rút kinh nghiệm mà thực hiện tiếp việc rút quân ở Tây Nguyên dẫn đến rã ngũ ở binh lính và mất hết toàn bộ lực lượng. Rã ngũ tức là binh lính tự động buông bỏ hàng ngũ, đội quân tự động tan rã. 


Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Ban Tham mưu nghĩ rằng việc rút quân về cố thủ một vùng nhỏ hơn từ Nha Trang trở vào sẽ dễ dàng bảo vệ quốc gia hơn. Nhưng nếu nghĩ kỹ hơn một chút sẽ thấy chiến lược này cực kỳ sai lầm. Việc rút quân sẽ khiến dân ở các vùng phía ngoài theo quân di chuyển vào Sài Gòn. Dân di chuyển đông vào Sài Gòn tự nó sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng quốc gia. Một cuộc khủng hoảng quốc gia trong thời chiến, nhất là khi chiến tranh đang xảy ra, thực sự là một tai hoạ. 


Nếu tất cả người dân, ngoại trừ trẻ con, được huấn luyện một cách chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ, được sự giúp sức của các lực lượng chính quy quyết giữ nguyên mặt trận chiến đấu, còn người dân ở các khu vực khác đóng vai trò yểm trợ, thì tình hình có lẽ sẽ khác. 



Nguyễn Huy Vũ

28.4.2021