Việc các cơ quan của chính quyền Mỹ giải cứu ngân hàng SVB đang bị mất thanh khoản là một trường hợp kinh điển giúp cho những nhà làm chính sách và cả giới kinh tế tham khảo.
Tài sản mà một tổ chức tín dụng nắm giữ thường được phân bố theo các loại tài sản với các mức thanh khoản khác nhau. Tài sản mang tính thanh khoản nhiều nhất là tiền mặt, sau đó đến các loại trái phiếu, cổ phiếu, tài sản tài chính, và kế đến là các tài sản cố định khác như nhà cửa, máy móc, v.v.
Tổ chức tín dụng sẽ tính toán cân bằng sự phân bố tài sản để đảm bảo sao cho các hoạt động tài chính thông thường như rút tiền và gửi tiền được trôi chảy.
Tuy nhiên trong trường hợp vì một lý do nào đó, khi người dân không còn tin tưởng vào tổ chức tín dụng nữa, họ đồng loạt đến rút tiền thì lúc này sẽ dẫn đến tình trạng kẹt thanh khoản khi lượng tiền mặt mà ngân hàng dự trữ không thể đáp ứng được tất cả số lượng tiền mà khách hàng muốn rút.
Nếu chính quyền không can thiệp người dân sẽ không tin vào hệ thống ngân hàng và họ đồng loạt đi rút tiền ở các ngân hàng khác. Hậu quả là hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ vì không còn tiền mặt.
Việc thiếu tiền mặt để khách hàng rút không hẳn là ngân hàng sai. Có hai trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất là ngân hàng chỉ để một phần tiền mặt để bảo đảm việc rút và gửi tiền trong điều kiện hoạt động bình thường; một phần khác họ sẽ dùng để cho vay hoặc đầu tư để kiếm lời. Đó là một hoạt động nghiệp vụ thông thường của ngân hàng. Tuy vậy, khi tất cả các khách hàng đồng loạt rút tiền, ngân hàng sẽ trở nên bị kẹt thanh khoản, không có đủ tiền mặt để trả khách hàng ngay lúc đó.
Trường hợp thứ hai đó là ngân hàng quản lý kém dẫn đến tiền mặt không còn.
Bài toán lúc này của chính quyền đó là vừa phải trấn an người dân, giữ sự tin tưởng của người dân vào hệ thống ngân hàng, “phạt” những chủ sở hữu của ngân hàng vì tội quản lý kém, và phải hạn chế việc sử dụng ngân sách chính phủ, tức tiền thuế của dân — về mặt nguyên tắc, chính phủ không nên lấy tiền thuế của một số dân để đi cứu những tổ chức và cá nhân khác nếu không muốn bị phản đối.
Nhưng cái khó là chính quyền làm điều đó trong điều kiện phải tuân theo cơ chế thị trường, dựa vào những luật lệ có sẵn, phải minh bạch, công tâm, hợp lý, vì nó sẽ tạo ra một tiền lệ lâu dài.
Cho đến lúc này, chỉ có bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng đến 250 ngàn đô la Mỹ. Vậy những khách hàng đã gửi nhiều hơn số tiền này thì sao khi phần tiền hơn 250 ngàn đó không được bảo hiểm? Nếu không có cơ chế bảo vệ phần tiền ở trên này thì người giàu sẽ đồng loạt rút tiền hoặc các ngân hàng phải mua bảo hiểm cho phần tiền này và nó làm tăng chi phí hoạt động tài chính của toàn hệ thống.
Ngân hàng Trung ương Mỹ giờ đây đã đề ra một chương trình (gọi là Bank Term Funding Program) cho phép các ngân hàng được vay hàng tỉ đô la nhanh chóng với lãi suất ưu đãi với điều kiện là các ngân hàng có những tài sản để cầm cố cho các khoản vay của họ. Các tài sản bảo đảm này phải mang giá trị thanh toán cao, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ hay các cơ quan tổ chức do chính phủ đỡ đầu và các cổ phiếu có bất động sản bảo lãnh.
Bằng cách này, ngân hàng nhanh chóng tiếp cận được các khoản tiền mặt đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Người dùng ở các ngân hàng khác cũng được trấn an phần nào.
Trong trường hợp mà ngân hàng không trả được nợ từ các khoản vay, chính quyền có thể bán các tài sản thế chấp để trả nợ. Ngân khố sẽ không bị ảnh hưởng.
Nguyễn Huy Vũ
12.3.2023