Vào thứ Sáu, các khách hàng của Signature Bank lo sợ về sự sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank (SVB), một ngân hàng lớn và nổi tiếng trong giới công nghệ ở Thung lũng Silicon, đã vội vã ra rút khoản hơn 10 tỉ đô la. Hậu quả là đã làm ngân hàng Signature Bank sụp đổ. Lúc này, lo sợ một sự sụp đổ dây chuyền lên tất cả hệ thống ngân hàng, giới chức Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp và nắm giữ quyền điều hành cả hai ngân hàng.
Chính quyền trấn an người gửi tiền rằng tất cả tiền gửi sẽ không bị mất và một kênh bơm thanh khoản được thiết lập trong đó các ngân hàng nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt sẽ được tiếp cận một khoản vay có thế chấp bằng các tài sản đảm bảo có giá trị cao mà chủ yếu là các trái phiếu của chính phủ và các loại cổ phiếu có bảo đảm bằng bất động sản. Các khoản vay này sẽ được để trong một tài khoản riêng nhằm đảm bảo rằng người dân được quyền rút số tiền họ cần bất cứ lúc nào.
Tuy vậy giới tài chính thế giới vẫn lo ngại rằng sự việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và hệ thống tài chính thế giới đang cực kỳ căng thẳng trong tình hình hiện tại nhất là các ngân hàng vùng ở Mỹ và cả các ngân hàng ở Châu Âu.
Trong một diễn biến mới, ngân hàng Credit Suisse, một ngân hàng toàn cầu, bắt đầu có dấu hiệu sụp đổ. Lo ngại cho sự sụp đổ của Credit Suisse sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng cả Châu Âu và Mỹ, giới chức Châu Âu bắt đầu hỗ trợ nhằm cứu ngân hàng này. Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ cho phép Credit Suisse mượn tới 54 tỉ đô la để có thể duy trì hoạt động của mình.
Để hiểu chuyện gì đang xảy ra với hệ thống tài chính và ngân hàng trên thế giới hiện nay, chúng ta có lẽ bắt đầu với trường hợp của ngân hàng SVB.
Trong khoảng thời gian đại dịch Covid, tiền gửi vào tài khoản ngân hàng rất dồi dào. Ngân hàng liền dùng một phần số tiền gửi tiết kiệm này để đầu tư vào những tài sản an toàn có sinh lời. Lúc này lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương là không, nên đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn hầu như không có lợi nhuận, vì lãi suất gần bằng 0. Ngân hàng buộc phải đầu tư vào trái phiếu chính phủ dài hạn. Thông thường, đây là một hình thức đầu tư an toàn, và trái phiếu chính phủ Mỹ có tính thanh khoản tốt.
Tuy vậy, khi nhận thấy rằng lạm phát tăng vọt, Ngân hàng Trung ương Mỹ dưới sự lãnh đạo của thống đốc Jerome Powell đã nhanh chóng tăng lãi suất đột ngột và quá nhanh. Hậu quả là giá trái phiếu chính phủ sụt giá rất mạnh. Lúc này SVB bán đi trái phiếu chính phủ và lỗ hơn 1,8 tỉ đô la.
SVB là một ngân hàng lớn và thường nhận các khoản tiền gửi của các công ty công nghệ và khởi nghiệp ở vùng Silicon.
Trong khi SVB đang kiếm tiền để khắc phục khoản lỗ này thì các quỹ đầu tư muốn rút vốn ra khỏi các công ty khởi nghiệp và các công ty khởi nghiệp buộc phải rút tiền ra khỏi SVB để có thể trả lại cho các quỹ đầu tư. Việc các quỹ đầu tư muốn rút vốn ra khỏi các công ty khởi nghiệp có thể vì họ nhận ra rằng đã qua rồi thời kỳ tiền có thể kiếm một cách dễ dàng và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp lúc này có quá nhiều rủi ro so với việc đầu tư vào các kênh an toàn hơn và vẫn cho một mức lợi nhuận khá, nhất là khi lãi suất tăng vọt. Việc rút tiền ồ ạt của các công ty cuối cùng đã khiến ngân hàng SVB mất thanh khoản và sụp đổ.
SVB chỉ là một trường hợp điển hình vì ai cũng biết rằng rất nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính đã nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ trước khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất. Do đó, có một mối lo ngại rằng khi các ngân hàng thua lỗ và đối diện với các khó khăn về tài chính, các ngân hàng này có thể dễ dàng sụp đổ. Vì vậy mà họ cho rằng sự sụp đổ của các ngân hàng SVB và Signature Bank chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, và tảng băng chìm ở đây là có rất nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn.
Tới đây thì bạn sẽ hỏi ai chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện nay?
Câu trả lời này phải quay trở lại thời kỳ Đại Khủng hoảng 2008-2010. Trong suốt một thời gian dài, Fed đã giữ lãi suất bằng không. Chính sách tiền tệ lúc này gần như bị vô hiệu hoá. Để điều hành thị trường tài chính, Fed lúc này giới thiệu một cơ chế mới gọi là “Định hướng Trước” (Forward Guidance). Để thực hiện cơ chế “Định hướng Trước”, Fed sẽ thực hiện việc dự đoán các dữ liệu và tình hình kinh tế trong những tháng tới sau đó công bố công khai các chính sách họ sẽ thực hiện trong những tháng kế tiếp. Bằng cách làm như vậy, tất cả các cá nhân trong hệ thống tài chính sẽ biết được rằng Fed sẽ làm gì trong những tháng tới một cách tương đối rõ ràng để họ có phương án đối phó. Điều đó giúp cho hệ thống tài chính tương đối ổn định trong khoảng thời gian này. Đây là thời kỳ Fed có thống đốc là Ben Bernanke. Sau khi Ben Bernanke xuống, Janet Yellen lên thay và tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm.
Sóng gió thực sự chỉ bắt đầu khi Jerome Powell bắt đầu lên làm thống đốc. Jay Powell không phải là một người được đào tạo về kinh tế dù ông có một số kinh nghiệm trong quản lý kinh tế trước khi được đề cử vào Hội đồng Thống đốc bởi tổng thống Barack Obama do ông có hai ưu điểm là làm việc dựa trên sự đồng thuận và khả năng giải quyết vấn đề.
Khi Jay Powell làm thống đốc, ông đã ngay lập tức bỏ đi cơ chế “Định hướng Trước”, mà thay vào đó là chính sách được thực hiện dựa trên dữ liệu. Lấy lý do là một khi đã hứa hẹn đề ra một chính sách trước nhưng khi tình hình diễn ra không như dự đoán sẽ đặt Fed vào hai chọn lựa: Nếu Fed thay đổi chính sách thì điều đó sẽ tự nhiên làm Fed mất đi uy tín; còn ngược lại nếu Fed vẫn giữ chính sách cũ thì chính sách này sẽ không còn thích hợp trong hoàn cảnh mới.
Trong cơ chế Định hướng Trước, các cá thể trong hệ thống tài chính được dẫn dắt và thông tin bởi Fed về các chính sách sắp tới của Fed để họ có một sự chuẩn bị cho riêng mình; và khi họ thực hiện, họ sẽ góp phần giúp Fed đạt tới mục tiêu mà Fed đã đề ra trước đây.
Ngược lại, điều đó giờ không còn nữa dưới sự dẫn dắt của Jay Powell. Các cá thể trong hệ thống tài chính giờ đây buộc phải chờ đợi dữ liệu, tự đánh giá dữ liệu và đoán định các chính sách của Fed sắp tới. Nếu hỏi Jay Powell trong một cuộc họp báo rằng liệu Fed sẽ làm gì kế tiếp, lạm phát sẽ giảm bao nhiêu và lãi suất sẽ tăng cao tới đâu, khán giả sẽ nhận lại một câu trả lời là chúng tôi không biết. Chính sách của Fed giờ đây chỉ thuần tuý là phản ứng lại các dữ liệu. Và vì chỉ phản ứng lại các dữ liệu nên một khi nhận ra lạm phát đã quá cao, Fed vội vã tăng nhanh lãi suất và hậu quả là nhiều ngân hàng đang nắm giữ các trái phiếu chính phủ Mỹ đối mặt với những khoản lỗ lớn.
Chính vì nhiều ngân hàng đang có những khoản lổ lớn và đang đối mặt với một cuộc tháo chạy tiền gửi bất cứ lúc nào dẫn đến sụp ngân hàng, giới quan sát lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Nguyễn Huy Vũ
15.3.2023