3.4.21

Miến Điện sẽ đi về đâu?


Sau hai tháng biểu tình đòi thực thi kết quả bầu cử, phe nhân dân và phe quân đội vẫn đang giằng co nhau. Phe quân đội, một cách giới hạn, bắn giết những người biểu tình như một cách để răn đe, trấn áp sự nổi dậy của nhân dân. Ngược lại, với những cảnh giết người, phe nhân dân lại càng quyết tâm, thể hiện sự không lùi bước. 


Những người dân họ có cái lý của họ. Nếu họ chấp nhận những quyết định của phe quân đội, để quân đội tự tổ chức các cuộc bầu cử lại, thì kết cuộc chắc chắn là quân đội càng nắm nhiều quyền lực hơn. Và một chính quyền với quân đội nắm các quyền quyết định chính là những trải nghiệm mà họ không thể nào quên, nhất là đối với các sinh viên trong phong trào 8888, phong trào biểu tình đòi dân chủ với những sự kiện chính diễn ra vào ngày 8/8/1988. Đó là những những cái chết không bản án, những ngày trốn chui lủi trong rừng, trong trại tù, và chấm dứt một tương lai. Những cá nhân đã tham gia vào các cuộc biểu tình trong hai tháng qua chắc chắn không thể nào sống yên ổn một khi chính quyền quân đội được thiết lập. Vì một khi được thiết lập, quân đội tất sẽ muốn ra tay để dẹp yên gốc rễ các cuộc chống đối. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu người dân quyết chí như thể ở trận cuối cùng rằng họ muốn dân chủ phải được thiết lập. Đơn giản vì họ không còn lựa chọn nào khác: hoặc là có dân chủ hoặc là họ sẽ bị đoạ đầy. 


Những lãnh đạo quân đội cũng ở vào thế họ không thể nào thua cuộc. Bởi vì thua cuộc đồng nghĩa với họ sẽ mất tất cả. Các cơ sở kinh tài của quân đội mà các tướng lĩnh nắm quyền nhiều khả năng sẽ bị tịch thu vì các tội khác nhau và sung vào làm tài sản của chính quyền dân chủ. Các tướng lĩnh cũng sẽ phải đối diện với hàng loạt tội ác mà gần nhất là thảm sát những người biểu tình. 


Vậy đâu là khả năng của một sự kết thúc?


***


Những diễn biến ở Miến Điện không chỉ thể hiện và ảnh hưởng trong nội bộ quốc gia, mà vì vị trí địa lý của Miến Điện, cơ cấu chính trị của Miến Điện sẽ ảnh hưởng tới bàn cờ khu vực và đó là lý do mà tình hình Miến Điện đã và sẽ có sự can thiệp của các cường quốc cạnh tranh. 


Miến Điện đóng vai trò như cái cổng mở đường cho Trung Quốc ra Ấn Độ Dương và nằm ở vị trí yết hầu có thể giúp chặn đường thông thương giữa Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương. 


Trung Quốc có hai cửa ngỏ mở đường ra biển. Một là ở biển Hoa Đông mà hiện nay bị chắn và kiểm soát bởi chuỗi đảo của Nhật Bản và Đài Loan. Đội tàu của Trung Quốc do đó chỉ có thể thoải mái hoạt động ở Biển Hoa Nam, tức khu vực Biển Đông của Việt Nam. Một cửa ngỏ ra biển khác là thông qua đường bộ xuyên Miến Điện xuống phía Nam. 


Duy trì được các cửa ngõ hàng hải sẽ giúp việc tiếp tế lương thực và nguyên liệu không bị gián đoạn trong trường hợp đối diện với các tình trạng khẩn cấp về an ninh. Với vị trí địa lý chiến lược như vậy, Trung Quốc sẽ một mặt duy trì sự khống chế biển Hoa Nam, một mặt sẽ giữ Miến Điện trong tầm ảnh hưởng của mình.


***


Chiến lược của tổng thống Mỹ Joe Biden là dùng liên minh các quốc gia dân chủ để chống lại Trung Quốc. Và ngược lại, Trung Quốc sẽ dẫn đầu các quốc gia chuyên chế nhằm chống lại sự áp đặt của phương Tây.


Trong một chế độ dân chủ, người dân sẽ có xu hướng kết thân và cảm tình với các quốc gia dân chủ khác. Một chế độ dân cử minh bạch do đó sẽ có xu hướng làm đồng minh với các quốc gia dân chủ phương Tây. 


Và ngược lại, với các chế độ chuyên chế, những nhà cầm quyền sẽ nhìn Trung Quốc như là nguồn cảm hứng và một mô hình với nhiều bài học rằng có thể vừa duy trì quyền lực và vừa duy trì sự phát triển kinh tế, làm ổn định quốc gia. 


Một chế độ dân chủ hay chuyên chế, dù là trong bản chất nội bộ quốc gia, do đó nó sẽ ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của quốc gia đó và từ đó ảnh hưởng đến bàn cờ chính trị trên trường quốc tế. 


Trong trường hợp của Miến Điện, một chế độ dân chủ được thiết lập ở Miến Điện nó sẽ giúp đem lại nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. 


Một nước Miến Điện dân chủ, như lập luận ở trên, tự nó sẽ gần gũi với các chế độ dân chủ phương Tây. Sự gần gũi đó nó sẽ đóng vai trò như chiếc van khoá đường ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc. 


Mặc khác, một nước Miến Điện dân chủ trong khối các nước Đông Nam Á, đến lượt nó sẽ áp lực Việt Nam cải cách về phía dân chủ. Thái Lan đang bị trì hoãn dân chủ nhưng sớm muộn gì chính quyền quân đội cũng sẽ trả lại sự dân chủ cho người dân. Lúc này, trong khối Đông Nam Á, chỉ còn Brunei, Việt Nam và Lào là những nước hoàn toàn không có tự do. Campuchia cũng như Singapore là những nước có nền dân chủ khiếm khuyết; khi mặt bằng dân chủ của Đông Nam Á tăng lên, những hoạt động dân chủ ở các nước này sẽ khởi sắc. Brunei là một vương quốc nhỏ với sức ảnh hưởng chính trị không đáng kể và vì vậy sự thay đổi về dân chủ sẽ là một nhu cầu tự nhiên nếu cả vùng đã thay đổi. Việt Nam và Lào là hai đồng minh, và một Việt Nam dân chủ sẽ kéo theo Lào trở nên là một nước dân chủ. Như vậy, hai mắc xích đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành một vùng Đông Nam Á dân chủ chỉ còn Miến Điện và Việt Nam. Một vùng Đông Nam Á dân chủ tự nó sẽ trở thành đồng minh của Mỹ và phương Tây, tách rời sự ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Và một khi được trang bị khả năng, khối Đông Nam Á này sẽ tự có khả năng bảo vệ bằng chính khả năng của mình và trong sự liên minh với các khối khác. 


Trong tình hình hiện tại, khi mà người dân Miến Điện đã ý thức được ý nghĩa của dân chủ và xuống đường đấu tranh cho dân chủ, việc thiết lập lại một chế độ dân chủ cho Miến Điện là một khả năng có thể xảy ra. Và một khi xảy ra thì điều đó có lợi cho ưu thế chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sự xuống đường của người dân Miến Điện có sự ủng hộ bằng cách này hay cách khác của phía Mỹ. 


Lợi thế của Mỹ còn là ở ưu thế của họ trong khả năng thuyết phục các nước Đông Nam Á, khi so với Trung Quốc. Vì vậy, với sự can thiệp của Mỹ và của các nước Đông Nam Á, tình hình Miến Điện sẽ sớm quay trở lại con đường dân chủ. Sau Miến Điện dân chủ sẽ là Việt Nam dân chủ. Đó sẽ là lúc Đông Nam Á trở nên là một khối dân chủ, dù chưa hoàn hảo, và tự nó trở thành một đồng minh với thế giới phát triển của phương Tây, nơi mà mọi tranh chấp sẽ được can thiệp bằng luật thay vì sức mạnh. 


Nguyễn Huy Vũ

3/4/2021