3.2.21

Miến Điện: Cuộc hôn nhân dân chủ sụp đổ

Hôm 1/2, thế giới chứng kiến một cuộc đảo chính xảy ra ở Miến Điện. Phe quân đội bắt giam Aung San Suu Kyi, các nghị sỹ và các lãnh đạo vùng của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Phe quân đội cáo buộc rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm rồi là gian lận và họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới vào năm sau. Nhưng những người có hiểu biết đều biết rằng đó chỉ là cái cớ và cái cớ này là một cách để quân đội cố gắng lấy lại quyền lực của mình. 



Mười năm trước, đứng trước sự cô lập của thế giới và sự khủng hoảng của nền kinh tế, các tướng lãnh Miến Điện quyết định chấm dứt sự lệ thuộc của mình vào Trung Quốc và bắt tay với đảng NLD hòng mở ra một con đường mới cho mình, và có lẽ cho dân tộc. 


Phe quân đội là một thực thể thống trị bao trùm Miến Điện trong một thời gian dài. Họ có quyền lực lẫn kinh tài, nắm trong tay tất cả những lĩnh vực kinh tế trọng yếu của quốc gia. Việc hợp tác với Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà nhằm mục đích mở cánh cửa Miến Điện ra với các nước phương Tây. Vì cho đến lúc này Aung San Suu Kyi là nhân vật nhận được nhiều thiện cảm nhất với phương Tây và có thể đóng vai trò như chiếc cầu nối giúp Miến Điện thoát khỏi tình trạng bị cô lập. Càng gần với phương Tây, thoát khỏi tình trạng cô lập, thì phe quân đội càng có nhiều đòn bẩy trong ngoại giao hơn, bớt bị áp lực chèn ép bởi Trung Quốc, lại có thêm nhiều cơ hội để kinh doanh. Đó là lý do mà phe quân đội chọn cách hợp tác với Aung San Suu Kyi. 


Hợp tác với Aung San Suu Kyi và đảng NLD trong tiến trình gọi là dân chủ hoá nhưng phe quân đội đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. Họ viết sẵn hiến pháp với những điều khoản trong đó cho phép quân đội hiện diện trong các cơ quan hành pháp và kiểm soát an ninh quốc gia. Về lập pháp, hiến pháp quy định rằng quân đội được chia một phần tư số ghế trong quốc hội nhà nước và một phần ba số ghế ở các cơ quan lập pháp bang. Về chính phủ, ba bộ quan trọng của quốc gia gồm Bộ Nội vụ (Ministry of Home Affairs), Bộ Biên giới (Ministry of Border Affairs) và Bộ Quốc phòng (Ministry of Defense) đều phải thuộc về quân đội. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh nội địa của Miến Điện. Bộ Biên giới chịu trách nhiệm về các chính sách đối với các vùng biên giới vốn có các sắc dân thiểu số cư trú. Và Bộ Quốc phòng nắm giữ khí tài và binh quyền. Nắm cả ba bộ này coi như nắm toàn bộ quyền lực của quốc gia. 


Nhưng chưa hết, hiến pháp còn quy định cả một cách bầu cử tổng thống và hai phó tổng thống rất đặc biệt. Đặc biệt bởi vì bầu kiểu gì thì cũng có người quân đội nằm bên trong cơ quan hành pháp cao nhất của quốc gia. Cách bầu tổng thống như sau. Các đại diện của Hạ viện nhóm thành một uỷ ban, các đại diện của Thượng viện thành một uỷ ban thứ hai, và phe quân đội với các đại diện thành uỷ ban thứ ba. Mỗi uỷ ban đề cử một ứng viên làm tổng thống. Cả ba ứng viên này đưa ra quốc hội bầu. Ai phiếu cao nhất làm tổng thống, hai người phiếu thấp hơn làm phó tổng thống. Với cách bầu này, lúc nào phó tổng thống cũng là người của quân đội. 


Để có được ảnh hưởng chính trị hơn nữa, phe quân đội còn lập ra một đảng chính trị có tên gọi đảng Đoàn kết và Phát triển Quốc gia (Union Solidarity and Development Party, USDP), và để đảng này chạy đua trong cuộc bầu cử. 


Aung San Suu Kyi và đảng NLD cũng có những tính toán riêng của mình. Khi chấp nhận hợp tác với phe quân đội, Aung San Suu Kyi sẽ có điều kiện hơn trong việc tiếp xúc với quần chúng, đưa ra những thông điệp thông qua các phương tiện truyền thông nhiều hơn. Và để từ đó xây dựng lực lượng ủng hộ lớn hơn nhằm áp lực lên những thay đổi chính trị. Mục tiêu cuối cùng là sửa đổi hiến pháp. 


Mười năm nhìn lại mối quan hệ này, Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà được nhiều hơn mất. Sự ủng hộ của người dân dành cho đảng NLD của bà ngày càng lớn, và đó là lý do mà NLD đã thắng đậm, hơn hẳn kỳ bầu cử năm 2015. 


Ngược lại, phe quân đội hầu như không nhận được những gì như mong đợi. Miến Điện vẫn còn là một đối tác quá xa lạ với phương Tây. Giới quân đội tiếp tục bị cấm vận và trừng phạt kể từ sau vụ khủng hoảng người Rohingya. Ảnh hưởng chính trị của quân đội ngày càng suy yếu. Và điều quan trọng là con bài Aung San Suu Kyi trong mắt phe quân đội không còn giá trị nữa khi Aung San Suu Kyi đã bị thế giới phương Tây tẩy chay và lên án.



Lúc này, phe quân đội đứng giữa hai chọn lựa: hoặc là chấp nhận để NLD khống chế chính trường, ngày càng lớn mạnh, và một ngày nào đó, làm suy yếu và hất cẳng phe quân đội; hoặc là phe quân đội phải ra tay trước nhằm chặn sự bành trướng của NLD. Cuối cùng, phe quân đội đã quyết định lựa chọn thứ hai.


Có hai sai sót lớn mà Aung San Suu Kyi đã mắc phải trong 10 năm qua, kể từ sau khi chính thức bước lên vũ đài chính trị. 


Sai sót đầu tiên đó là bà đã im lặng trong vụ thảm sát người Rohingya. Dẫu biết rằng đó là một cuộc xung đột phức tạp có nguồn gốc lịch sử, nhưng việc thể hiện mình là một biểu tượng của hoà giải và bao dung không những chỉ giúp xây dựng hình ảnh và uy tín của mình mà còn giúp hàn gắn các dân tộc khác nhau trên cùng đất nước Miến Điện. Khi không thể bao dung với những người khốn cùng trên cùng một đất nước mình thì làm sao có thể bao dung với đối thủ của mình trong phe quân đội? Và đó có thể là lý do mà phe quân đội luôn nghi ngờ phe NLD không thực chất hợp tác. 


Ở đây, cần nói thêm một chút về người Rohingya. Họ được cho là người ở vùng phía Bangladesh di cư sang Miến Điện từ thời Anh đô hộ vùng này. Đa số người trong họ theo Hồi giáo nhưng ngày nay họ gắn bó với nhau nhờ vào văn hoá, ngôn ngữ, và lịch sử hơn là tín ngưỡng tôn giáo, vì có một thiểu số người theo Ấn giáo trong cộng đồng này. Ngày nay, họ là những người vô tổ quốc. Miến Điện không công nhận và không cấp hộ chiếu cho họ, hoặc cấp với những điều kiện không thể đáp ứng. Và vì không phải công dân Miến Điện, họ không được đi học lên bậc phổ thông, không được dùng các bệnh viện công của chính phủ, không được bầu cử, và cũng không thể xin các công việc của chính phủ như cảnh sát, giáo viên. Họ bị hạn chế đi lại và bị cáo buộc có liên quan đến các nhóm khủng bố Arab Saudi. Vào tháng 8 năm ngoái, nhóm vũ trang của lực lượng người Rohingya đã tấn công đồn cảnh sát, giết chết 12 cảnh sát viên. Phe cảnh sát tấn công lại trả thù, giết chết khoảng 400 đến 1000 người. Xung đột bạo lực và bế tắt là những gì có thể miêu tả về tình cảnh cộng đồng người Rohingya. 


Sai sót thứ hai là bà đã không thúc đẩy để mở cửa Miến Điện nhanh chóng hơn. Mà một hậu quả đó là giờ đây, thậm chí khi các nước phương Tây muốn tạo áp lực lên phe quân đội thì họ cũng khó có thể tìm được một đòn bẩy nào. 


Chính trị là hoạt động của thoả hiệp. Và trong trường hợp của Miến Điện, giai đoạn thoả hiệp dưới lá cờ dân chủ vừa kết thúc. Tương lai của đất nước một lần nữa phụ thuộc vào quyết chí của người dân.


Nguyễn Huy Vũ

3.2.2021