20.5.17

Nước Pháp

Tôi có dịp đến Pháp khoảng 5 lần trong suốt 8 năm qua. Chủ yếu là đi chơi, gặp bạn bè. Ba lần đến Paris, còn hai lần kia đi vòng quanh các thành phố phía Nam ven biển Địa Trung Hải. Pháp là nước tôi ghé nhiều nhất trong các nước châu Âu khác. 

                     

Mỗi lần ghé Pháp cho tôi một cảm xúc kỳ lạ. Một cảm giác gần gũi, quen thuộc pha chút xa lạ. Những quán cà phê vỉa hè nơi khách bộ hành có thể gọi cho mình ly cà phê kèm miếng bánh ngọt, những nhà thờ cổ kính thâm trầm dọc sông Seine, vài tiệm sách lề đường, hay sự tấp nập của các con phố ở Paris cho tôi cảm giác một trung tâm Sài Gòn đâu đó.


Trong những phút giây bỡ ngỡ, tôi thường ước rằng phải chi nước Pháp trong những ngày chiếm đóng Việt Nam học bài học của nước Anh đối xử với các thuộc địa bằng cách đào tạo cho họ những người lãnh đạo và xếp đặt những người thân Pháp nắm giữ các cơ quan chính quyền, đến khi cảm nhận được sự chống đối của nhân dân thì thỏa hiệp và rút lui. Nếu các lãnh đạo Pháp làm được như cách người Anh đã làm, thì trước hết tránh được họa dâu bể chiến tranh làm chết biết bao người, mà những thuộc địa Pháp, trong đó có Việt Nam, hẳn sẽ phồn vinh và ổn định như các nước trong khối Thịnh Vượng Chung của xứ Anh; và đến lượt nó các cựu thuộc địa thông qua việc giữ những mối quan hệ truyền thống đóng góp ngược trở lại vào sự phát triển của nước Pháp bằng các giao dịch thương mại và trao đổi văn hóa – giáo dục.


Nice là một thành phố biển đẹp của nước Pháp. Trong hai lần đi chơi dọc các thành phố miền Nam nước Pháp tôi đều ghé. Sự ấm áp của thành phố cùng khí hậu Địa Trung Hải hấp dẫn nhiều người thích biển, trong đó có tôi; nhưng ở Nice người thăm còn thấy ở đó một trung tâm văn hóa với bề dày lịch sử, từ những ngôi làng cổ kính xa xưa đến những tu viện và pháo đài nằm lặng lẽ thâm trầm qua bao thế hệ.


Những ngày hè ghé Nice, khách du lịch khá đông, nhưng để ý sẽ thấy một điều rằng quán xá ở Nice không buôn bán nhộn nhịp và năng động như ở các xứ khác. Nhiều hàng quán đóng cửa, một số chỉ mở bán rất trễ và đóng cửa rất sớm.


Hỏi thăm người bạn và biết một quán phở ngon của người Việt, nhưng phải đợi đến 12 giờ trưa thì quán mới mở cửa và khoảng 5 giờ chiều thì quán đã đóng. Vào ăn, hỏi thăm chủ quán mới biết được rằng thuế quá cao nên chẳng ai muốn kinh doanh gì nhiều. Chủ quán bảo mỗi ngày chỉ muốn bán chừng 100 tô, không bán hơn, bán hơn mệt mà đóng thuế xong cũng hết, nên họ không dại gì làm nhiều chi cho mệt. Làm lai rai, vừa đủ xài. Cuối tuần đóng cửa đi chơi.


KINH TẾ PHÁP


Thuế quá cao là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người muốn làm ăn kinh doanh gì ở Pháp cũng phải chùn ý. Trong kế hoạch ngân sách cho năm 2014, chính phủ Pháp dự định tăng thuế trung bình của nước Pháp lên 46,5% và tổng thống Francois Hollande, một người theo khuynh hướng xã hội, đã đắc cử với lời hứa áp đặt mức thuế thu nhập cho giới nhà giàu lên tới 75% cho những ai có thu nhập trên 1 triệu Euro một năm. Đó cũng là năm thứ 5 liên tiếp Pháp buộc phải tăng mức thu ngân sách từ thuế. Sự chống đối của dân chúng đối với mức thuế khủng 75% cho giới nhà giàu cuối cùng khiến tổng thống Francois Hollande bỏ đi.


Trong khu vực đồng Euro, ngoài Bỉ, Pháp là nước có mức thuế cao nhất. Mức thuế ở Đức thấp hơn 6% so với Pháp, trong khi đó mức thuế ở Anh thấp hơn 8%. Thậm chí Thụy Điển, một đại diện của mô hình Bắc Âu với mức thuế cao, cũng có thuế thấp hơn Pháp.


Chính phủ Pháp ở thời điểm này muốn rút giảm tỉ lệ thâm thủng ngân sách chừng 10 tỉ đô la Mỹ, và có khoảng chừng ba ngàn hộ dân Pháp có thu nhập trên một triệu Euro cho nên chính phủ Pháp muốn đánh thuế họ.


Nhưng những hộ giàu với mức thu nhập cao này là ai? Họ trước hết là những người rất thành công trên lĩnh vực của họ, nhiều người là các doanh nhân thành đạt. Thay vì bằng nhiều cách khác nhau chiêu dụ họ về đóng góp cho đất nước, việc đánh thuế quá cao khiến cho nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Người giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault, giám đốc điều hành tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH lấy quốc tịch Bỉ, còn diễn viên Gérard Depardieu cuối cùng nhận quốc tịch Nga. Emmanuel Macron, người từng là cựu cố vấn kinh tế cho tổng thống Francois Hollande, sau là bộ trưởng kinh tế, và hiện nay là một trong hai ứng cử viên vòng bầu cử cuối cùng cho vị trí tổng thống Pháp, đã gọi mức siêu thuế này là “Cuba không có mặt trời”.


Có một câu nói rằng không bao giờ có một bữa ăn miễn phí. Những người Pháp trong một thời gian dài đã quen với việc hưởng thụ những dịch vụ công cộng với chất lượng hàng đầu thế giới nhưng miễn phí hoặc với giá rất rẻ và một hệ thống phúc lợi rộng rãi. Hệ thống xe lửa hiện đại, các bệnh viện và nhà trẻ với chất lượng hàng đầu thế giới, giáo dục miễn phí, trợ cấp thất nghiệp hào phóng, để đổi lại là một mức thuế cao.


Với một mức thâm thủng ngân sách vì các khoản chi cho phúc lợi dồi dào như vậy, tất phải có một nhóm nào đó trong xã hội chịu trách nhiệm đóng khoản thuế bù đắp cho chính phủ. Với người Pháp, đó phải là nhóm những người giàu nhất.


CHÍNH TRỊ PHÁP


Hệ thống chính trị của Pháp thường được gọi là “bán tổng thống”. Đây là mô hình chính trị trong đó hành pháp được chia sẻ giữa tổng thống -- được dân bầu trực tiếp theo hình thức phổ thông đầu phiếu -- và thủ tướng – đại diện cho phe đa số trong quốc hội với các nghị viên được bầu trực tiếp.


Nếu chỉ nhìn bên ngoài cách bầu trực tiếp tổng thống Pháp và quốc hội, chúng ta dễ lầm tưởng rằng hệ thống Pháp có nhiều nét tương đồng với hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Nhìn sâu hơn vào cách phân bổ quyền lực trong hệ thống chính trị thì hệ thống của Pháp gần với hệ thống chính trị của Anh hơn, và thậm chí tập quyền hơn, nhất là kể từ năm 2000, khi nhiệm kỳ của tổng thống và hạ viện quốc hội cùng là 5 năm và được bầu cách nhau khoảng 2 tháng. Điều đó tạo nên một khuynh hướng rằng người dân vừa bầu cho tổng thống và bầu cả cho các nghị viên thuộc đảng của tổng thống trong cuộc bầu cử quốc hội ngay trong cùng năm. Lưu ý là thượng viện trong quốc hội Pháp chẳng có mấy quyền lực. Kết quả là một tổng thống cực kì quyền lực do được phổ thông đầu phiếu hậu thuẫn bởi một đảng hay liên minh đảng của ông chiếm đa số trong hạ viện đứng đầu bởi thủ tướng.


Thêm nữa, hệ thống chính trị của Pháp không tản quyền, do đó tất cả quyền lực hành pháp và lập pháp được tập trung vào một nhóm nhỏ nội các gồm tổng thống, thủ tướng và nội các ở Paris. Hệ thống chính trị lúc này chỉ còn là sự độc lập giữa một bên là tư pháp và một bên là liên minh hành pháp – lập pháp. Mô hình chính trị Pháp do đó trở thành một “nền độc tài mạnh có chọn lựa”, tương tự như mô hình kiểu Anh; và do tổng thống Pháp được phổ thông đầu phiếu, quyền lực của cơ quan hành pháp của Pháp mạnh hơn nhiều so với của Anh.


Ưu điểm của hệ thống chính trị tập quyền ở chỗ khi mà hệ thống quyền lực trung ương đủ mạnh và đưa ra các quyết định, các quyết định này, nếu không bị chống đối, sẽ thay đổi một cách nhanh chóng hiện trạng của đất nước. Đó là lý do mà nhiều người sẽ thấy không chỉ có ở Pháp, mà cả ở Anh, có những thời kỳ họ phát triển rất mạnh, nhất là khi quốc gia cần những quyết định mạnh mẽ, nhanh chóng.


Bên cạnh đó, nhược điểm lớn nhất của thể chế tập quyền đó là khi chính quyền đưa ra những quyết định sai lầm, mà nếu không có bất kỳ chống đối đáng kể nào, quyết định sai lầm đó nhanh chóng được thực hiện trên toàn quốc và làm suy sụp quốc gia. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự sai lầm tập quyền đó khi chính quyền tập quyền Hà Nội ra quyết định phá hủy tư bản, đình đốn thương mại sau năm 1975, và mau chóng phá tan hoang cả một đất nước.


Nhưng nhược điểm khá phổ biến nhất hiện nay ở các chế độ dân chủ tập quyền như Pháp, nơi mà xã hội dân sự phát triển quá mạnh, các nghiệp đoàn, hội đoàn rất có tổ chức, và người dân đã quá quen thuộc với văn hóa tự do, đó là bất cứ chính sách nào của chính quyền Paris cũng sẽ gặp phải một sự chống đối của các nhóm lợi ích khác nhau. Cuối cùng, những cải cách cơ bản sẽ khó được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Những cải cách trong quá khứ của Pháp đã luôn gặp phải sự phản kháng của các nhóm từ giáo dục cho tới kinh tế, an ninh.


Đối diện với một ngân sách thâm hụt, việc muốn tăng thuế của chính quyền Pháp gặp phải sự chống đối gia tăng của dân chúng. Ngược lại, cứ tiếp tục duy trì như trạng thái cũ tất sẽ phải cắt giảm ngân sách, đối diện với sự xuống cấp của các dịch vụ công cộng như giáo dục hay các hệ thống vận tải. Chính vì vậy, chính quyền Pháp sẽ khó mà thực hiện các cải cách rốt ráo được. Những cải cách do đó sẽ chỉ là những thay đổi vừa phải, thăm dò dư luận.


Về lâu về dài, cách người Pháp làm là sẽ có những thay đổi nhỏ về đối nội đồng thời cải cách để chia sẻ bớt quyền về cho các chính quyền vùng. Chỉ khi các chính quyền vùng có nhiều quyền hơn trong phạm vi quản lý của mình từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, chính trị, cho đến an ninh, thì những chính quyền vùng mới có thể thực hiện những cải cách sâu rộng ở các lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm trong các chính sách thành công sẽ được các vùng khác học hỏi và nhân rộng. Những kinh nghiệm thất bại lúc đó sẽ chỉ gây ảnh hưởng giới hạn ở một vùng. Các vùng sẽ thực thi các sắc thuế khác nhau, đưa ra các chính sách giáo dục và thu hút nhân tài khác nhau, cạnh tranh với nhau để phát triển. Có như vậy thì kinh tế các vùng phía Nam mới có thể sôi động trở lại, và đưa nước Pháp hồi sinh.


Tản quyền do đó là xu hướng của nước Pháp và châu Âu. Một liên minh châu Âu sẽ không thể tồn tại và hoạt động được nếu nó không dựa trên cơ chế tản quyền.



Nguyễn Huy Vũ

24.4.2017