Ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, tờ Gia Định báo, chủ trương bởi Petrus Trương Vĩnh Ký, lần đầu tiên được ra đời ở miền Nam, đánh dấu sự phổ biến chính thức của tiếng Việt trong đời sống thông tin truyền thông hiện đại. So với nhiều ngôn ngữ khác vốn có chữ viết từ rất lâu, tới hàng ngàn năm, chữ Quốc ngữ có một lịch sử rất non trẻ. Trong suốt một thời gian dài, để gửi đi những thông điệp, người Việt mượn chữ của tiếng Hoa, và sau đó sáng tạo ra chữ Nôm. Tuy vậy, cả hai thứ tiếng này thường chỉ phổ biến trong một giới nhỏ những quan lại và giới học sỹ. Phần đông những người bình dân chẳng thạo và do đó không thể lưu truyền được gì đáng kể lại cho hậu thế. Sự thiếu vắng một hệ thống chữ viết phổ biến để lại nhiều hệ quả lâu dài cho người Việt.
![]() |
Bất cứ một sự phát triển nào cũng dựa trên nền tảng kế thừa. Những kiến thức của thế hệ đi trước được ghi chép, truyền lại cho những thế hệ sau. Những thế hệ sau kế thừa những thành tựu của thế hệ trước rồi khai triển, phát kiến ra những điều mới. Việc thiếu một hệ thống chữ viết khiến cho những kiến thức trong dân gian đa phần chỉ dừng lại ở mức độ truyền miệng, và một khi truyền miệng thì những kiến thức đó thường chỉ ở mức độ đơn giản. Vì lý do đó mà những người Việt hôm nay, một cách thành thật, nhìn lại ngược dòng lịch sử để thấy rằng các sáng tác và khảo cứu của người Việt chúng ta rất nghèo nàn, từ khoa học kỹ thuật cho đến văn chương hầu như chẳng có bao nhiêu. Tất cả chỉ có những sáng tác văn hóa truyền miệng với ca dao, tục ngữ và vài tác phẩm đếm trên đầu ngón tay trong đó có Truyện Kiều của Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm được nhiều người nhắc đến. Nhưng hãy suy nghĩ thật lòng rằng liệu một dân tộc tự hào có đến 4000 năm văn hiến nhưng di sản chỉ vỏn vẹn có vài tác phẩm sơ sài đếm trên đầu ngón tay như thế thì liệu có được gọi là quá nghèo nàn về văn hóa lắm không?