19.7.24

Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam. Chương 2 - Liên bang và bang

Chương Hai trình bày những nguyên tắc chung về chính quyền liên bang và các bang. 

Nguyễn Huy Vũ

19/7/2024

-------

CHƯƠNG 2. LIÊN BANG VÀ BANG

Điều 22. Những nguyên tắc hiến định, nghĩa vụ bảo vệ trật tự dân chủ tự do của hiến pháp

(1) Cộng hòa Liên bang Việt Nam là một nhà nước cộng hoà, không chia tách, được tổ chức hành chính theo thể chế liên bang nhằm tối ưu hoá việc quản lý hành chính, bảo đảm dân chủ và phát triển đất nước. 

(2) Mọi quyền lực của các cơ quan nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân. Quyền lực đó được thực hiện bởi nhân dân thông qua bầu cử, việc bỏ phiếu và thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể. 

(3) Lập pháp sẽ bị ràng buộc bởi trật tự hiến pháp. Hành pháp và tư pháp sẽ bị ràng buộc bởi pháp luật và công lý. 

(4) Tất cả người Việt Nam có quyền chống lại bất kỳ kẻ nào tìm cách xóa bỏ trật tự hiến pháp này, nếu không còn biện pháp khắc phục khác. 

18.7.24

Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam. Chương 1 - Các quyền cơ bản

Lời giới thiệu về bản hiến pháp

Việt Nam rồi sẽ có dân chủ, sớm hay muộn. Đến lúc nào và trong hình thái như thế nào đó là nhờ ở nguyện vọng và ưu tư của người dân Việt Nam. Một chế độ dân chủ mới luôn bắt đầu bởi một bản hiến pháp mới trong đó phác hoạ ra cấu trúc của một chính quyền mới. Trong cuốn tiểu luận “Mô hình nghị viện - liên bang cho Việt Nam”, tôi đã trình bày một cách chi tiết rằng mô hình chính trị mà Việt Nam nên tham khảo để áp dụng cho mình đó là mô hình nghị viện - liên bang của Đức. Đó là một mô hình bảo đảm sự dân chủ, tính ổn định chính trị, sự tương nhượng và hợp tác giữa các đảng phái vì đất nước, và quan trọng hơn là nó hoạt động được và giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của quốc gia. Mô hình được thiết kế để tạo ra những giá trị như vậy và nó đã được chứng minh trong thực tiễn.