2.7.16

Bao nhiêu tiền để giết một phần của quốc gia?

Biển Hà Tĩnh. Nguồn: Internet.

Cuối cùng thì sau gần ba tháng, ngày 30/6/2016, tập đoàn Formosa, trong một sự phối hợp không chính thức với chính phủ, đã chính thức thừa nhận việc xả thải của họ đã giết chết biển miền Trung. Lời thú nhận kèm với lời xin lỗi và hứa trả 500 triệu đô la Mỹ để bồi thường thiệt hại.

Có hai câu hỏi mà những người Việt Nam cần hỏi, đó là: (1) Số tiền 500 triệu đô la Mỹ đó lớn đến bao nhiêu so với thảm họa diễn ra; và (2) Một chi phí trước mắt, cân đo đong đếm được, là khoảng bao nhiêu để chi trả cho một thảm họa như vậy?

Ở câu hỏi thứ nhất, với một dân số khoảng gần 4 triệu người ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế, số tiền 500 triệu đô la Mỹ chỉ tương đương với mức đền bù 125 đô la trên một đầu người, hay mỗi người được hơn 2,5 triệu tiền Việt. Và trong trường hợp như hiện nay, khi người dân không thể ăn cá đã bị độc, số tiền 2,5 triệu Đồng đó chỉ đủ để mua khoảng 25 kí thịt heo nạc để ăn trong hai tháng với mỗi ngày hơn 4 lạng thịt. Số tiền vỏn vẹn 500 triệu đô la Mỹ đó nên được gọi là số tiền hỗ trợ ban đầu thay vì là số tiền đền bù như chính giá trị vốn có của nó. 

Sẽ có lập luận rằng những người không phải ngư dân không được hưởng mức đền bù, và con số không phải 4 triệu người mà là ít hơn. Đó là một lập luận sai. Những ảnh hưởng không chỉ là ảnh hưởng trực tiếp mà còn là ảnh hưởng gián tiếp, và lâu dài. Không những ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, đến môi trường, và sức khỏe lâu dài của người dân. Mà để tính đến tất cả các chi phí gây ra bởi thảm họa là một điều không đơn giản, vì có những ảnh hưởng gần như là vô giá, khó thể nào cân đo đong đếm được, chẳng hạn như làm thế nào và mất bao lâu để tái tạo lại những rạng san hô sống động trong màu nước biển trong lành hay khôi phục lại một hòn đảo đầy chim giờ đã biến mất; làm sao để có lại những bãi biển tấp nập nơi người dân yên tâm thư giãn và vui đùa; làm sao thuyết phục được những nhà đầu tư rằng đây là những bãi biển đẹp và an toàn để phát triển du lịch khi mà biển nhiễm những độc chất chết người; và có lý do nào mà người ta lại đi du lịch biển miền Trung một khi họ không cảm thấy an toàn khi thưởng thức hải sản; hay ai đền bù được những mất mát khi biển và tôm cá, một phần cuộc sống và kí ức của nhiều người, giờ không còn như xưa nữa? 

Tuy vậy, tính toán những chi phí để làm cơ sở pháp lý vẫn phải là việc mà chính phủ và những cá nhân liên quan cần đưa ra để kiện Formosa ra tòa nhằm bồi hoàn những mất mát là một việc phải làm.

Với những ngư dân, khi biển không còn đánh bắt được nữa, mức bồi hoàn sẽ phải bao gồm chi phí chuyển đổi nghề nghiệp và những tổn hao sức khỏe do đã từng tiếp xúc với nước biển nhiễm độc. Chi phí chuyển đổi nghề nghiệp gồm có chi phí để ngư dân học một nghề khác, kiếm một việc làm, và mức thu nhập trợ cấp gia đình ngư dân trong thời gian học và chờ kiếm việc đó. Giả sử như ngư dân và gia đình chiếm khoảng 25 phần trăm dân số của bốn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp, tức khoảng một triệu người, và mỗi tháng sinh hoạt phí của một người khoảng 100 đô la Mỹ, đó là một sinh hoạt phí cơ bản nhất. Chi phí cho một năm chuyển đổi nghề nghiệp của một triệu người sẽ phải tiêu ít nhất là 1.2 tỉ đô la Mỹ.

Với những doanh nghiệp kinh doanh du lịch ven những bãi biển ở bốn tỉnh, cũng như những cửa hàng kinh doanh thủy hải sản ở khắp bốn tỉnh miền Trung phải đóng cửa vì không còn ai dám ăn hải sản khi biển trở nên độc, mức bồi hoàn sẽ là mức thu nhập bị mất đi kể từ khi biển nhiễm độc. Giả sử mỗi tỉnh có khoảng 2.500 cửa hàng/doanh nghiệp bị liên quan, hay tổng cộng khoảng 10.000 cửa hàng/doanh nghiệp ở bốn tỉnh, và mỗi nơi thiệt hại ít nhất một ngàn đô la Mỹ mỗi tháng (tức khoảng 21 triệu Đồng) – một con số ước lượng thấp nhất – thì số tiền đền bù ít nhất vì mất đi thu nhập trong một năm là 120 triệu đô la Mỹ. 

Với tất cả những người dân Việt Nam, những người đã ăn thủy hải sản, muối, nước mắm, và đã tắm biển ở miền Trung, nếu thấy xuất hiện những căn bệnh gây ra do nhiễm phải độc tố xả thải từ Formosa cũng sẽ có quyền kiện và đòi bồi thường. Đây sẽ là một việc làm thường xuyên và liên tục chừng nào Formosa còn có tồn tại. Những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất xả thải thủy ngân hữu cơ ở vùng vịnh Minamata, Nhật Bản, gây ra bởi công ty Chisso đã từng làm vậy và họ thành công. 

Với đất nước Việt Nam, mà chính phủ Việt Nam là một đại diện, những bồi hoàn sẽ phải bao gồm chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường, những tổn hại gây ra đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch ở miền Trung và cả nước, đặc biệt là du lịch biển. Đó là những tổn hại trực tiếp ở những vùng không thể nuôi trồng, và cả tổn hại gián tiếp khi mà thủy hải sản gắn mác khai thác ở Việt Nam giờ đây không thể xuất khẩu hoặc giảm sức mua vì thị trường trong và ngoài nước vẫn còn e dè sản phẩm bị nhiễm độc – một sự tổn thương về mặt thương hiệu. 

Khó mà tính hết những chi phí này, vì có những tổn hại không thể nào đền bù bằng tiền, chẳng hạn như những phá hủy vĩnh viễn về môi trường, và cả những chi phí cơ hội khi miền Trung Việt Nam vuột mất cơ hội kêu gọi các đầu tư về du lịch biển và nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng giả sử như chính phủ Việt Nam, với tư cách là đại diện cho Việt Nam, đòi một mức bồi thường ít nhất là tương đương với mức bồi thường mà Formosa phải trả cho những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, tức 1,32 tỉ đô la Mỹ, thì con số tổng cộng Formosa phải trả ít nhất cho chính phủ và cho người dân sẽ là 2,64 tỉ đô la Mỹ, tức hơn gấp 5 lần mức đề xuất 500 triệu đô la Mỹ của Formosa. 

Nhiều người dân có quyền nghi ngờ liệu chính phủ hiện nay có đòi Formosa đưa ra một mức bồi thường cho đất nước Việt Nam, hay nói một cách khác là chính phủ có vì quyền lợi của dân tộc hay không. Tuy vậy, chừng nào Formosa còn ở Việt Nam, những chính phủ tương lai có quyền mở lại hồ sơ kiện bất cứ lúc nào, với điều kiện là các luật sư và các nhà vận động môi trường phải liên tục theo dõi và gây áp lực để không cho chính phủ hiện nay thỏa thuận với Formosa đóng hồ sơ lại khi chưa đền bù thỏa đáng. Một việc làm cần thiết là gán trách nhiệm vào mỗi cá nhân những người trong chính phủ đặt bút ký bất cứ quyết định nào có hại cho dân tộc. Những người đặt bút ký những điều có hại cho đất nước cần được ghi tên và nhớ như là những tội đồ của dân tộc. 

Không ai muốn một thảm họa diễn ra, nhưng khi một thảm họa đã không may diễn ra, bất cứ một người Việt nào còn yêu nước, dù thuộc Đảng Cộng sản hay không, cầm quyền hay dân đen, trong hay ngoài nước, cũng đều có trách nhiệm lên tiếng và đòi công bằng. Mà việc trước mắt sẽ là nghiên cứu các án lệ quốc tế, thu thập các bằng chứng pháp lý và kiện Formosa ra tòa. Song song đó có lẽ là lúc hình thành nên các nhóm dân sự về môi trường để vận động sự quan tâm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sống cho chính mình. Và nếu hiểu rằng đích đến cuối cùng của một ước mơ là có một đất nước đáng yêu và đáng sống, thì mỗi nỗ lực hôm nay của tất cả mọi người là một bước tiến đẩy đất nước gần hơn tới đích. 


DC, 30.6.2016