2.4.16

Thách thức Kinh tế của Việt Nam


Việt Nam chính thức có bốn vị trí lãnh đạo chính phủ mới. Vậy đâu là những khó khăn về kinh tế những lãnh đạo này phải đối phó trong 5 năm tới và đâu là những giải pháp?

Nha Trang, Việt Nam. Nguồn: Internet.

NGÂN SÁCH CẠN KIỆT

Cuối năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho báo giới biết rằng ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỉ đồng. Nếu đem chia số tiền này cho một đất nước hơn 90 triệu dân của Việt Nam, thì nó chỉ tương đương mỗi người có chưa tới 500 ngàn đồng; hay với thời giá mỗi tô phở là 50 ngàn thì nó chỉ tương đương mỗi người được 10 tô phở. Đó là một ngân sách trống rỗng.

Một trong các lí do khiến ngân sách thâm hụt nhanh chóng như vậy là do sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới. Nếu như trong các năm 2010 đến 2012, giá dầu thô dao động trong khoảng 80-100 đô la/thùng, thì giá hiện nay dao động ở con số 37 đô la/thùng, tức là giảm hơn một nửa. Điều đó đồng nghĩa với thu nhập từ dầu thô cũng giảm đi một nửa. Với mức sản xuất khoảng 320 ngàn thùng dầu/ngày hiện nay, và nếu tính thời giá năm 2012 khoảng 100 đô la Mỹ/thùng, sẽ cho thu nhập khoảng hơn 12 tỉ đô la Mỹ. Việc giảm giá một nửa khiến Việt Nam mất đi hơn 6 tỉ đô la Mỹ thu nhập từ bán dầu.

Liệu giá dầu có nhanh chóng tăng lên không? Dự đoán của WorldBank cho thấy giá dầu năm 2016 trung bình ở khoảng 37 đô la Mỹ/thùng. Với sự xuất hiện của các công ty dầu đá phiến của Mỹ, thị trường dầu mỏ thế giới dẫn đến tình trạng bão hòa. Trong khi các mỏ dầu ngoài khơi phải tốn hàng tháng để thăm dò và khoan, các mỏ dầu đá phiến chỉ tốn vài tuần. Giá dầu giảm khiến các công ty dầu đá phiến khoan các mỏ dầu nửa chừng và dừng lại, chỉ cần giá dầu vừa nhích lên là ngay lập tức họ có thể bơm. Chính vì vậy, giá dầu khó mà có thể quay lại mức giá những năm 2010-2012 trong ngắn hạn.

Ở địa phương, tình hình còn tệ hơn. Nhiều địa phương không còn tiền để trả nợ và trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Hậu quả của một ngân sách trống rỗng là chính phủ sẽ không còn tiền để trả nợ và đầu tư. Không có đầu tư thì kinh tế không phát triển.

Với một ngân sách trống rỗng như vậy, để đối phó, chính phủ thực hiện bốn chính sách: (1) tiết kiệm, tăng thu giảm chi; (2) bán bớt doanh nghiệp nhà nước; (3) cấp tập lo đi vay nợ trong và ngoài nước; và (4) tăng thuế.

CHÍNH SÁCH BẾ TẮC?

Tất cả những giải pháp trên chỉ là những giải pháp tình thế trong 1-2 năm, nếu giả sử rằng nó là hiệu quả.

Đầu tiên, chính sách tiết kiệm, tăng thu giảm chi rõ ràng là một chính sách có tác dụng hô hào. Làm sao có thể tiết kiệm ngân sách với một chính quyền cồng kềnh với đầy đủ ban bộ ở cả hai nhánh Đảng và chính phủ, nuôi một bộ máy an ninh khổng lồ chỉ để theo dõi và đàn áp người dân? Liệu rằng chính quyền có khả năng tinh giản bớt bộ máy Đảng và an ninh không? Câu trả lời là không. Nhờ hai bộ máy này Đảng mới tồn tại.

Một chính sách tiết kiệm cũng là một chính sách chống tham nhũng, vì ngân sách ở địa phương đã bị tham nhũng, và do đó chẳng còn bao nhiêu để đóng góp cho ngân sách trung ương. Nhưng liệu chính quyền có tự mình chống được tham nhũng không? Câu trả lời cũng là không. Muốn chống tham nhũng đòi hỏi những người ở cấp cao nhất là những người không tham nhũng và luật pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Điều đó hoàn toàn không tồn tại ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, với chính sách bán bớt doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng đây là một chính sách đúng đắn và nên làm từ lâu. Vì trước hết các doanh nghiệp tư nhân năng động là đòn bẩy của nền kinh tế. Việc bán bớt các doanh nghiệp nhà nước có thể đem lại một số vốn để trang trải ngân sách trong ngắn hạn nhưng hiệu quả chỉ có giới hạn. Vì số lượng doanh nghiệp nhà nước là một con số hữu hạn và số lượng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có giá trị càng ít hơn. Thoái vốn ở 10 doanh nghiệp gần đây chỉ đem lại con số 3 tỉ đô la Mỹ, đó là một con số khiêm tốn, chưa đủ trả một nửa số nợ công trong năm 2016, khoảng 7.5 tỉ đô la Mỹ. Sẽ đến một lúc nhà nước không còn tài sản gì ở các doanh nghiệp và do đó không còn gì để bán.

Thứ ba, với chính sách đi vay nợ trong và ngoài nước, thoạt nhìn trông có vẻ đơn giản, nhưng thật ra có những tai hại vô cùng lớn cho đất nước. Muốn kinh tế phát triển đất nước cần đầu tư. Đầu tư hệ thống hạ tầng, công cụ sản xuất, và đầu tư vào con người. Đầu tư đến từ hai nguồn là nhà nước và tư nhân. Khi chính phủ vay nợ trong nước, điều này đồng nghĩa với việc người dân cho chính quyền vay tiền để trả nợ. Khi người dân cho chính quyền vay tiền, điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ giảm đầu tư. Giảm đầu tư đồng nghĩa với phát triển giảm đi.

Đi vay nợ nước ngoài cũng không phải là một giải pháp dễ dàng trong thời điểm hiện tại. Giá dầu thấp khiến các công ty dầu mỏ thế giới đang đối mặt với các khoản nợ. Với hiện trạng giá dầu thấp như hiện nay, nhiều công ty dầu mỏ đang đối mặt với khả năng phá sản. Các ngân hàng Mỹ và thị trường tài chính Mỹ đang chịu nhiều áp lực vô cùng to lớn. Đó cũng là lí do mà Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa rồi và các tuyên bố về lãi suất cũng trở nên mềm mỏng hơn. Nếu như trong năm 2007, khi chính phủ đi vay nợ giúp Vinashin với lãi suất 7.15%/năm thì mức lãi suất đi vay hiện nay chắc chắn không thấp hơn con số này, vì hai lí do là nợ công và tình trạng kinh tế Việt Nam hiện nay kém hơn năm 2007 và thị trường tài chính hiện nay khó khăn hơn so với thời điểm đi vay tiền cho Vinashin.

Đảo nợ cũng chỉ mua được thời gian và nếu không có một kế hoach cải tổ nghiêm túc thì Việt Nam phải đối diện với phá sản. Với con số nợ công được chính phủ công bố hơn 90 tỉ đô hiện nay, nhiều trong số đó là vay ưu đãi, giả sử như chính quyền không có khả năng trả và phải đi vay bên ngoài với lãi suất ít nhất 7.15%/năm để trả nợ, thì việc hoãn nợ cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng hơn 90 tỉ đô la Mỹ tiền nợ sẽ phải đối mặt với lãi suất 7.15% /năm. Điều này đồng nghĩa với việc trả tiền lãi ít nhất 6.3 tỉ đô la Mỹ/năm, hay mỗi năm mỗi người Việt phải bỏ ra 70 đô la Mỹ (1.5 triệu VND) chỉ để trả lãi, chưa tính tiền nợ gốc.

Đó chỉ là những con số ước lượng thấp nhấp và dựa vào con số công bố bởi chính phủ. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì chính phủ đi vay cho cả các doanh nghiệp nhà nước và nợ do các doanh nghiệp nhà nước đi vay ở ngoài mà không được tính là nợ công.

Nghiêm trọng hơn, là con số nợ công tăng khoảng hơn 9%/năm, hay nếu tiếp tục với tình trạng hiện nay thì cứ mỗi 8 năm, con số nợ công sẽ tăng gấp đôi.

Đối diện với một mức nợ như vậy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tròm trèm 30 tỉ đô la Mỹ. Năm 2016, các khoản nợ phải trả của Việt Nam lên con số 150 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 7.5 tỉ đô la Mỹ. Không có con số các năm sau Việt Nam phải trả nợ bao nhiêu. Nhưng cứ giả sử như các năm sau Việt Nam phải trả cùng một mức nợ như năm 2016, thì số tiền 30 tỉ đô la Mỹ chỉ đủ 4 năm trả nợ. Nhưng có thể không đợi tới 4 năm, chỉ cần dự trữ ngoại hối xuống mức khoảng 15 tỉ đô la Mỹ thì Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng thanh khoản.

Thứ tư, tăng thuế. Đối với một nền kinh tế, có vài cách tăng thuế là: (i) tăng thuế một vài mặt hàng tiêu dùng cơ bản; (ii) tăng thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu dùng; (iii) tăng thuế thu nhập cá nhân hay doanh nghiệp; (iv) tăng thuế xuất nhập khẩu; (v) tăng thuế sở hữu tài sản. Trong trường hợp của Việt Nam, khi nhiều người dân có mức thu nhập quá thấp dưới ngưỡng đóng thuế, chính quyền đề xuất tăng thuế xăng dầu, và tăng 1000 đồng/lít.

Với con số hơn 40 triệu xe máy năm 2015 và giả sử con số sẽ tăng lên khoảng 50 triệu năm 2016, giả sử thêm mỗi ngày một xe dùng 1 lít, mức tăng thuế xăng dầu một năm sẽ giúp tăng ngân sách thêm khoảng hơn 18 ngàn tỉ đồng (365 x 50 triệu x 1000 đồng), nó tương đương việc mỗi người trong 90 triệu người đóng góp thêm 200 ngàn VND/năm. Đó cũng là một con số khiêm tốn so với mức ngân sách vốn đã khiêm tốn chỉ còn tương đương 500 ngàn VND/người. Nhưng mức đóng góp đó có thể còn thấp hơn, vì số tiền có được khi tăng thuế không phải 100% sẽ được nộp về ngân sách trung ương, mà nó còn là chi phí thất thoát ở các hệ thống thu thuế bên dưới.

Tăng thuế xăng dầu còn có một ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế là lạm phát. Với việc tăng khoảng 10% thuế xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải và sản xuất buộc phải tăng chi phí. Chi phí vận tải và sản xuất tăng kéo theo tất cả các mặt hàng cả nước cùng tăng. Nhưng việc tăng đó không chỉ là tăng theo tỉ lệ, và vì những chi phí phát sinh khi tăng giá, các doanh nghiệp sẽ dự đoán rằng việc tăng giá này sẽ là bắt đầu của một chuỗi tăng giá tiếp theo, do đó, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cao hơn. Hậu quả là mức lạm phát sẽ nhanh chóng tăng vọt. Khi mức lạm phát nhanh chóng tăng vọt, đồng nghĩa với tiền mất giá, các cơ sở tín dụng và ngân hàng khi cho vay phải tính luôn mức lạm phát vào lãi suất cho vay. Vì lẽ đó, với một mức lạm phát tăng thêm khoảng 5-10% từ việc tăng giá xăng dầu, ngân hàng có thể phải tăng thêm mức lãi suất tương ứng. Các doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi buộc phải tăng giá bán hoặc cắt giảm lương bổng nhân công. Hậu quả là kéo theo thêm một chuỗi lạm phát, làm đời sống công nhân cơ cực, và làm doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước một mức lãi suất vay quá cao để có thể kinh doanh sản xuất. Nền kinh tế sẽ đi sâu vào cơn khủng hoảng.

Câu hỏi cuối cùng, vậy liệu có một giải pháp nào cho nền kinh tế không? Dĩ nhiên là có. Nó phải là một kết hợp giữa các chiến lược: (i) cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho lực lượng nhân viên, đặc biệt là bộ máy Đảng và an ninh; (ii) chống tham nhũng, đặc biệt ở khâu thu thuế và đầu tư; (iii) đầu tư những dự án hạ tầng hiệu quả; (iv) đóng cửa hay bán các dự án nhà nước; (iv) cải cách lại hệ thống tài chính và ngân hàng; (v) thiết lập một cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; (vi) tập trung đầu tư vào vốn con người (giáo dục, y tế, và an sinh xã hội).

Liệu chính quyền hiện tại có khả năng thực hiện không?


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 2.4.2016



Tham khảo:

[1] «Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng, không có tiền để chi tiêu». Vietnamnet, 23/10/2015. Nguồn: http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/bo-truong-bui-quang-vinh-ngan-sach-chi-con-45-000-ty-dong-khong-co-tien-de-chi-tieu-20151023093028135.chn

[2] “Chính phủ yêu cầu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước”. Cafef, 10/1/2016. Nguồn: http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/chinh-phu-yeu-cau-tang-thu-tiet-kiem-chi-giam-boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-2016011018190241.chn

[3] “Ngân sách không đủ tiêu, đầu năm Chính phủ lo vay nợ». Vietnamnet, 22/3/2016. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/295298/ngan-sach-khong-du-tieu-dau-nam-chinh-phu-lo-vay-no.html

[4] «Cà Mau không còn tiền trả lương công chức». Vietnamnet, 3/12/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/276848/ca-mau-khong-con-tien-tra-luong-cong-chuc.html

[5] “14 bệnh viện Đắk Lắk hết tiền trả lương”. Tuổi Trẻ, 8/12/2015. Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151208/14-benh-vien-dak-lak-het-tien-tra-luong/1016560.html

[6] “Bệnh viện không còn tiền trả lương bác sĩ”. Đất Việt, 5/12/2015. Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/benh-vien-khong-con-tien-tra-luong-bac-si-3294156/

[7] «Thoái vốn tại 10 công ty lớn, Nhà nước thu về 3 tỷ USD». Báo Mới, 14/10/2015. Nguồn: http://www.baomoi.com/thoai-von-tai-10-cong-ty-lon-nha-nuoc-thu-ve-3-ty-usd/c/17741695.epi

[8] “Vay tiền ngân hàng ‘cứu trợ’ ngân sách?”. Vietnamnet, 8/8/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/254973/vay-tien-ngan-hang-cuu-tro-ngan-sach.html

[9] «Lại sẽ tăng thuế xăng dầu?». Tuổi Trẻ, 1/4/2016. Nguồn:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160401/lai-se-tang-thue-xang-dau/1077079.html

[10] «Nghiên cứu tăng thuế xăng dầu bù hụt thu». Vietnamnet, 29/3/2016. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/296694/nghien-cuu-tang-thue-xang-dau-bu-hut-thu.html

[11] «Năm 2016: Việt Nam phải trả nợ 150.000 tỉ đồng». Pháp Luật, 23/3/2016. Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/nam-2016-viet-nam-phai-tra-no-150000-ti-dong-618973.html

[12] «HSBC: Dự trữ ngoại hối Việt Nam sụt giảm». VnEconomy, 3/12/2015. Nguồn: http://vneconomy.vn/tai-chinh/hsbc-du-tru-ngoai-hoi-viet-nam-sut-giam-20151203100259525.htm

[13] «Dân Việt sở hữu xe máy nhiều thứ 2 thế giới». Vietnamnet, 25/7/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/252388/dan-viet-so-huu-xe-may-nhieu-thu-2-the-gioi.html

[14] Đồng hồ nợ công của Việt Nam. Nguồn: http://www.economist.com/content/global_debt_clock

[15] Nguyễn Huy Vũ. 2015. “Kinh tế Việt Nam: Vài con số”. Nguồn: http://nguyenhuyvu.blogspot.com/2016/03/kinh-te-viet-nam-vai-con-so.html